Đường dẫn truy cập

Kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên làm gia tăng căng thẳng khu vực


Dân chúng Hàn quốc xem truyền hình về vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên ở ri-Musudan tại một nhà ga xe lửa ở Seoul, ngày 7/4/2009. Cả hai vụ phóng không gian của Bắc Triều Tiên trước đây đều thất bại
Dân chúng Hàn quốc xem truyền hình về vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên ở ri-Musudan tại một nhà ga xe lửa ở Seoul, ngày 7/4/2009. Cả hai vụ phóng không gian của Bắc Triều Tiên trước đây đều thất bại

Nam Triều Tiên đang gia tăng sự chỉ trích đối với nước láng giềng phương Bắc trong lúc Bình Nhưỡng không tỏ dấu hiệu nào cho thấy họ muốn từ bỏ kế hoạch thực hiện điều mà họ cho là vụ phóng không gian lần thứ 3 vào tháng tới. Từ Seoul, thông tín viên VOA Steve Herman gởi về bài tường thuật sau đây.

Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung Bak hôm nay nhóm họp với bộ trưởng ngoại giao và các giới chức an ninh hàng đầu của ông để thảo luận về việc Bắc Triều Tiên loan báo phóng lên không gian điều mà họ cho là một vệ tinh quan sát trái đất.

Ông Park Jeong Ha, phát ngôn viên của tổng thống Nam Triều Tiên, cho báo chí biết rằng kế hoạch của Bình Nhưỡng rõ ràng là thực hiện thêm một vụ thử nghiệm phi đạn và họ không thể dối gạt một ai qua việc tuyên bố đó là một vụ phóng vệ tinh.

Ông Park nói rằng Bắc Triều Tiên dùng kỹ thuật phi đạn đạn đạo để phát triển một hệ thống đưa vũ khí hạt nhân tới những mục tiêu ở xa. Vì vậy hành động mà Bắc Triều Tiên gọi là phóng vệ tinh là một sự khiêu khích nghiêm trọng.

Vụ phóng này đang gây thêm những mối lo ngại ở Nam Triều Tiên vì Bắc Triều Tiên thông báo là tầng đẩy của chiếc hỏa tiễn sẽ rơi xuống hải phận quốc tế cách bờ biển phía tây của Nam Triều Tiên chỉ có 140 kilo mét. Bình Nhưỡng thông báo cho Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế và Tổ chức Hàng hải Quốc tế rằng tầng thứ nhì sẽ rơi xuống một nơi cách bờ biển phía đông của Philippines khoảng 190 kilomét.

Tuy nhiên, các chuyên gia hàng không đã bày tỏ mối lo ngại là những khối sắt đó có thể bay chệch vì Bắc Triều Tiên không có nhiều kinh nghiệm với những vụ phóng tầm xa.

Các giới chức Nhật Bản khẳng định rằng họ sẽ bắn rơi chiếc hỏa tiễn nếu hỏa tiễn đó bay ngang không phận của họ.

Ngay cả đồng minh thân cận của Bắc Triều Tiên là Trung Quốc cũng bày tỏ sự phản đối hiếm có đối với Bình Nhưỡng. Bắc Kinh cho biết họ lo ngại là vụ phóng của Bắc Triều Tiên có thể gây phương hại cho hòa bình và an ninh của khu vực.

Trong khi đó, Bắc Triều Tiên bác bỏ áp lực quốc tế đòi họ không xúc tiến kế hoạch phóng không gian. Họ nói rằng với tư cách là một nước có chủ quyền họ có quyền đưa vệ tinh khoa học lên quĩ đạo.

Trong chương trình tin tức tối Chủ nhật, đài truyền hình nhà nước Bắc Triều Tiên đã phỏng vấn các sinh viên của Đại học Kỹ thuật Kim Cheak về vụ phóng này.

Sinh viên Hwang Chung Hyk nói rằng anh rất phấn khởi vì sự kiện sắp diễn ra.

Anh Hwang ca ngợi những tiến bộ kỹ thuật mà những người trẻ khác đã đạt được và bày tỏ quyết tâm là chính tay anh sẽ chế tạo những vệ tinh để đưa lên không gian sau này.

Hôm thứ Sáu, Bắc Triều Tiên loan báo sẽ phóng hỏa tiễn Unha-3 trong khoảng thời gian từ ngày 12 đến ngày 16 tháng Tư để đưa vệ tinh Kwangmyongsong-3 lên không gian. Vụ phóng này sẽ trùng hợp với dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của ông Kim Il Sung, người sáng lập Bắc Triều Tiên.

Các nước khác nói rằng việc đó vi phạm các nghị quyết của Liên hiệp quốc cấm Bắc Triều Tiên không được sử dụng kỹ thuật phi đạn đạn đạo.

Năm 2009, Bình Nhưỡng đã thực hiện một vụ thử nghiệm phi đạn tầm xa mà họ nói là đã đưa một vệ tinh trên quĩ đạo. Họ thực hiện vụ thử nghiệm hạt nhân thứ nhì trong cùng năm đó. Cả hai diễn tiến đó đều làm cho quốc gia bị cô lập và nghèo đói này gặp phải sự lên án gay gắt của nhiều nước trên thế giới.

Các chuyên gia công nghiệp không gian nói rằng cả hai vụ phóng không gian của Bắc Triều Tiên trước đây đều thất bại.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG