Ðặt vũ khí hạt nhân của thế giới trong vòng kiểm soát, không để lọt vào tay của những kẻ khủng bố là các mục tiêu hàng đầu của hơn 50 nhà lãnh đạo thế giới sẽ tề tựu tại thủ đô Seoul của Nam Triều Tiên.
Các nhà lãnh đạo hy vọng có thể xây dựng thêm trên những cam kết mà họ đã đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt Nhân lần đầu tiên do Tổng Thống Obama chủ trì cách đây 2 năm tại Washington.
Tổng thống Obama nói: “Hai thập niên sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, chúng ta đứng trước một sự ngang trái tàn nhẫn của lịch sử, đó là nguy cơ một cuộc đối đầu hạt nhân giữa các quốc gia đã giảm sút, nhưng nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân lại tăng lên.”
Giữ cho chất uranium được tinh luyện cao, không lọt vào tay các phần tử khủng bố là điều thiết yếu. Đó là ý kiến của chuyên gia về hạt nhân Joseph Cirincione, Chủ tịch của Quỹ Ploughshares. Ông lên tiếng mới đây tại một diễn đàn ở New York do Hội Triều Tiên- Korea Society, chủ trì.
Ông Cirincione nói: “Mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh quốc gia tại Hoa Kỳ là nạn khủng bố hạt nhân, một nhóm có được một quả bom hay vật liệu để có thể chế tạo một quả bom hạt nhân, rồi cho nổ trên đất Hoa Kỳ, một loại “biến cố 11 tháng 9 hạt nhân.”
Khu phi quân sự được canh gác cẩn mật dọc theo biên giới với Bắc Triều Tiên được trang bị vũ khí hạt nhân, cũng nằm trong nghị trình làm việc của nhà lãnh đạo Mỹ. Theo dự kiến, Tổng Thống Obama cũng sẽ gặp gỡ các binh sĩ Mỹ trú đóng tại khu phi quân sự này.
Bình Nhưỡng đã lên án hội nghị an ninh hạt nhân cấp cao sắp tới là “một tội ác không thể tha thứ”, và là “một hành động khiêu khích nghiêm trọng không thể chịu đựng.”
Chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên đang gây lo sợ tại Phương Tây. Tuy nhiên theo lời ông Alexandra Toma, sáng lập viên của Nhóm Công tác về các Vật liệu Phân hạch, chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên không phải là một trong những đề tài chủ yếu được mang ra thảo luận tại hội nghị hạt nhân.
Ông Toma cho biết: “Không có cách nào có thể tránh thảo luận về Bắc Triều Tiên, nhưng tôi nghĩ chắc chắn các chuyên gia và cả chính quyền Nam Triều Tiên đều nhận thức được rằng Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân bao quát hơn là chỉ có thế.”
Sự an toàn của các nhà máy điện hạt nhân cũng sẽ là một đề tài nổi bật được thảo luận tại Seoul, đặc biệt sau khi xảy ra trận động đất và sóng thần đã dẫn tới vụ tan chảy hạt nhân ở Nhật bản hồi năm ngoái.
Tại một cuộc thảo luận mới đây ở Washington, ông Kenneth Luongo, Chủ tịch của tổ chức Đối Tác vì An ninh Toàn Cầu, nói rằng thảm họa hạt nhân tại Fukushima cho thấy thế giới cần làm việc nhiều hơn nhiều mới có thể cải thiện mức an toàn hạt nhân.
Ông Luông nói: “Điều mà thảm họa tại Fukushima đã nêu bật cho tất cả mọi người thấy, ngoài sự kiện tai nạn hạt nhân có thể xảy ra tại một quốc gia tiên tiến, là chúng ta không có một hệ thống đầy đủ để có thể ứng phó với những nguy cơ do chất phóng xạ gây ra, xuyên biên giới các quốc gia.”
Trước Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân, Tổng Thống Obama sẽ gặp riêng từng nhà lãnh đạo của các nước tham dự, kể cả Tổng Thống Nga Dimitri Medvedev và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.
Tổng Thống Obama đang chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ nhì vào tuần tới (27 tháng Ba) tại Seoul. Như lời tường thuật của Thông tín viên Kent Klein của VOA từ Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Mỹ và các nhà lãnh đạo thế giới khác hy vọng có thể đảm bảo tốt hơn các kho vũ khí hạt nhân và tăng tính an toàn của năng lượng hạt nhân.