Các lớp học bắt đầu hồi đầu tháng này tại trường Trung học Dasom ở Seoul dành cho các em thuộc thành phần gia đình đa văn hóa. Dasom có 48 học sinh đã lớn lên ở nước ngoài và cha hay mẹ đẻ hoặc cha hay mẹ nuôi người Triều Tiên.
Em Liang Man Ni, 18 tuổi đã cùng bà mẹ người Triều Tiên và cha người Hoa từ Trung Quốc đến Seoul vào năm 2009.
Em Liang nói em rất thích trường này và đã kết bạn với các học sinh từ Nhật Bản, Hong Kong và Việt Nam. Dasom, tiếng Triều Tiên cổ có nghĩa là tình yêu, nhắm mục đích dậy cho các học sinh này ngôn ngữ Triều Tiên, đồng thời huấn nghệ cho các em trogn các công nghiệp du lịch và đa truyền thông. Bà Kim Jee-hye dạy Anh ngữ tại trường Dasom. Bà nói trường trung học này giới thiệu đời sống tại Triều Tiên với nhiều học sinh ở đây.
Bà Kim nói: “Mục tiêu của chúng tôi là giúp các em tự thích nghi với xã hội Triều Tiên. Các em gặp rất nhiều khó khăn ở đây, không phải chỉ là khó khăn về ngôn ngữ, mà những khó khăn do các quan điểm văn hóa khác biệt. Chúng tôi muốn Triều Tiên hóa các em một phần nào.”
Nhưng trường Dasom không phải chỉ dành cho các học sinh đã lớn lên ở nước ngoài. Ban điều hành trước cho biết trẻ em sinh trong các gia đình đa văn hóa ở Triều Tiên có thể cũng cần phải ghi danh học ở đây nữa. Đó là vì nhiều em trong giới này không hề đến trường học. Một cuộc thăm dò mới cho thấy có tới 31% các em có cha hay mẹ người nước ngoài ở nhà và không học tiếng Triều Tiên một cách đầy đủ.
Nhà xã hội học của Trường Đại học Quốc gia Seoul Chung Chin-sung, đã từng phục vụ trong ủy ban chính phủ thành lập trường này, nói rằng các giới chức lo ngại rằng những trẻ em vừa kể sẽ lọt vào những kẽ hở của xã hội khi chúng lớn lên. Năm 2010, các em co cha mẹ với các nền văn hóa khác nhau chiếm khoảng 5 phần trăm số sinh, khoảng chừng 20.000 trong số 470.000, tại Nam Triều Tiên.
Và chuyên gia Chung cho rằng đa số người Nam Triều Tiên chưa sẵn sàng cho sự thay đổi về nhân khẩu này.
Ông Chung nói: “Triều Tiên là một trong các nước thuần chủng nhất trên thế giới và chúng tôi chưa có kinh nghiệm chung sống với các sắc dân khác.”
Ông Chung nói sự thiếu kinh nghiệm này có thể gây ra tình trạng phân biệt đối xử và kỳ thị chủng tộc.
Nhiều trẻ em thuộc các gia đình cha mẹ không đồng chủng nói rằng các bạn cùng lớp người Triều Tiên bắt nạt các em. Một số bị trêu chọc vì mẹ các em thuộc các nước Đông Nam Á kém phát triển hơn so với Nam Triều Tiên.
Ông Chung nói thành kiến đó là một lý do chính vì sao các em này khó thích nghi vào xã hội Triều Tiên.
Ông Chung cho biết: “Trẻ em thuộc các gia đình đa văn hóa này có kinh nghiệm bị cô lập. Phần lớn các em có thành tích học vấn rất thấp.”
Ông Chung nói trường trung học Dasom có thể đem lại cho các em này một cơ hội cuối cùng để học tiếng Triều Tiên và không bị tụt hậu so với các bạn cùng trang lứa tại các trường chính mạch. Nhưng một số người ủng hộ lo ngại rằng đưa các em này vào một trường riêng sẽ có hại hơn là có lợi.
Bà Ahn Hyun-suk điều hành một trung tâm tham vấn cho các gia đình và trẻ em đa văn hóa ở Seoul.
Bà Ahn nói khái niệm về một trường thay thế cho các em này có thể có những tác động tiêu cực. Nó đưa ra hình ảnh rằng các em này là nghèo hay học kém, mà vẫn được học bổng của chính phủ. Sự kiện này chỉ gây thiệt hại cho khả năng các em được chấp nhận vào xã hội Triều Tiên. Bà Ahn nói cách tốt nhất để dậy cho các em đa văn hóa là hòa nhập các em vào những trường học bình thường của Triều Tiên.
Giáo viên Anh ngữ của trường trung học Dasom Kim Jee-hye thừa nhận rằng loại trường học này phần nào có tính thử nghiệm.
Giáo viên Kim cho biết: “Chúng ta phải thử nhiều hình thức giáo dục cho học sinh thuộc các gia đình đa văn hóa. Bởi vì càng ngày chúng ta càng có nhiều học sinh từ các nước khác hơn, nhưng hệ thống giáo dục của chúng ta chưa sẵn sàng cho các em. Và chúng ta cần phải giao dục học sinh Triều Tiên nhận thức nhiều hơn về sự đa dạng văn hóa.
Ông Kim nói trường Dasom có thể sắp tiến triển thêm trong nay mai. Trường trông đợi có thêm học sinh đăng ký trong những năm sắp tới và sẽ cần đến một khuôn viên lớn hơn để cung cấp đủ phương tiện cho tất cả các em.
Trong thập niên vừa qua, hàng chục ngàn người đàn ông Nam Triều Tiên đã cưới vợ nước ngoài, phần lớn là từ các nước ở đông nam châu Á. Nay có sự quan ngại rằng con em những người này sẽ gặp khó khăn khi thích nghi vào xã hội và hệ thống giáo dục của Triều Tiên. Vì thế hồi đầu tháng này, chính phủ đã mở một trường trung học dành cho các em này. Thông tín viên VOA Jason Strother đã đến thăm ngôi trường mới này và ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
Dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia gặp khó vì Trung Quốc không cam kết vốn
2Việt Nam dẫn độ cựu quân nhân tình nguyện tại Ukraine; phe đối lập Belarus quan ngại
3Nhiều người chuẩn bị tinh thần cho một cái Tết ‘tiết kiệm’
4Một số đại biểu Quốc hội đề xuất lập bảng lương riêng cho giáo viên, được hoan nghênh
VOA có ứng dụng mới
Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.
Tải ứng dụng VOA trên App Store và Google Play!