Những người to lớn béo phì vấp ngã, sẽ rất khó khăn để gượng dậy, đứng thẳng và đi tiếp.
Đây là hình ảnh để bàn về nước Trung Hoa hiện nay.
Nước Trung Hoa 1 tỷ 300 triệu dân, là nước đông dân nhất, đất rộng thứ nhì (sau nước Nga), được coi là người khổng lồ của thế giới.
Đặng Tiểu Bình là một nhân vật nổi bật của nền chính trị Trung Hoa thời hiện đại. Ông giữ chức Tổng bí thư Đảng CS Trung Quốc rất lâu, 3 lần bị thất sủng, mất chức, cuối cùng là Phó chủ tịch đảng, Chủ tịch Đảng ủy Quân sự trung ương; ông mất năm 1997, tròn 92 tuổi.
Về mặt tư tưởng chính trị, Đặng được người Trung Quốc coi là nhà tư tưởng kiệt xuất thứ 2, chỉ sau Mao. Người ta suy tôn ông là nhà mưu sĩ thượng thặng, là một quân sư xuất chúng. Ông đánh cờ rất cao, chơi bài bridge càng cao, từng sống ở Nga, ở Pháp lâu năm, nói trôi chảy tiếng Pháp, Nga, biết cả tiếng Đức, tiếng Anh.
Trước khi chết ông để lại những lời căn dặn sâu sắc cho toàn đảng, được coi là những lời di chúc quý báu, được các nhà lý luận trẻ đúc kết thành «Mười điều cảnh báo của Đặng Tiểu Bình».
Những cảnh báo quan trọng nhất của ông là:
-phân hóa lưỡng cực giàu nghèo trong xã hội là một nguy cơ cực lớn,
mầm mống của nổi loạn giữa các vùng, các dân tộc, giữa trung ương và các địa phương, khi phân hóa giai cấp trở nên sâu sắc, bất công trong xã hội lan tràn chỉ vì lợi ích phân bổ không đều;
-phải làm cho cả cộng đồng dân tộc cùng hưởng lợi ích của phát triển, của sự giàu có, không để ai quá nghèo, không để ai quá giàu, đó là CNXH mang màu sắc Trung Quốc, không đạt thì nguy;
-để cho phân hóa lưỡng cực xảy ra, gây mầm cho xã hội bất an, cho hỗn loạn, cho sự nổi loạn của quần chúng, sẽ là thất bại hiển nhiên của công cuộc cải cách, đã được cảnh báo trước;
-nông dân vẫn chiếm quá nửa số dân, coi nhẹ phát triển nông thôn, nông nghiệp, nông dân sẽ là một nguy cơ lâu dài tệ hại nhất, là thất bại chiến lược hiển nhiên của cải cách;
-thành tựu trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa… đều phải làm cho toàn dân ở khắp nơi cùng hưởng, không đạt thì xã hội thoái hóa nguy hiểm;
-riêng giáo dục là lĩnh vực then chốt, là sự nghiệp lớn nhất, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội;
-nguy cơ lớn nhất nếu có sẽ là đến từ nội bộ đảng, lãnh đạo không gương mẫu, đảng viên hết tận tụy, mất bản chất cách mạng thì nguy cơ cực lớn;
-cải cách thể chế chính trị không đi song song với cải cách kinh tế, không theo hướng dân chủ và pháp chế, sẽ là nguy cơ sụp đổ của chế độ…
-về đối ngoại, đường lối là mở cửa, là hội nhập. Cần thấy rõ những nhược điểm, yếu kém của ta. So với các nước, tuy ta có tỷ lệ phát triển cao, nhưng chất lượng yếu, tính theo đầu người còn kém rất xa. Cần có 30 năm hay hơn nữa mới kịp họ hiện nay. Về quân sự cũng vậy. Ta có quân đông, bộ binh mạnh, nhưng không quân, hải quân rất nhỏ, yếu. Vài chục năm nữa, ta hãy thu mình lại, nghiến răng mà phát triển. Đừng để lộ ý đồ. Hãy giữ một thế khiêm tốn. Kiêu căng, không lượng sức mình là có hại.
Trong những buổi họp cuối cùng của Đảng ủy Quân sự trung ương năm 1996, Đặng căn dặn kỹ, còn gặp riêng Giang Trạch Dân để nói sát tai, rằng: « Hãy biết tự chế, để không tiết lộ tham vọng và làm cho kẻ khác canh phòng ta»; «ta phải biết nhẫn nhục, che dấu mục đích tối hậu»; «ta phải biết kiên trì chờ đợi thời cơ»; «ta còn phải có mưu cao, nói một đằng làm một nẻo».
Cuối cùng Đặng tóm tắt phương châm đối ngoại là: «Thao quang, dưỡng hối», là che dấu ánh sáng, nuôi dưỡng bóng tối. Nghĩa là làm việc âm thầm, phát triển kín đáo, nghi binh, lừa dối địch thủ cho họ mất cảnh giác, bị bất ngờ, sẽ không kịp trở tay. Đặng khuyên: «Ta phải làm như ta không có tham vọng gì về quân sự, ngân sách quân sự giữ kín, cứ như ta bằng lòng với nguyên trạng…». Có người dịch phương châm trên là «ẩn mạnh, phô yếu», nghĩa là mấy chục năm hãy làm như ta yếu lắm, che dấu chỗ ta mạnh lên.
Đặng cũng có lần răn đe lãnh đạo của đảng CS Trung Quốc rằng kinh nghiệm « Đại nhảy vọt», «Cách mạng văn hóa» thời Mao cho thấy Trung Quốc là người khổng lồ to xác, nếu trượt chân ngã là đau, nguy hiểm, khó gượng dậy như một người bình thường. Lời răn xuất phát từ thực tế sinh động, hiển nhiên, đau xót thời Mao.
Thế mà Hồ Cẩm Đào đã quên lời dặn của quân sư họ Đặng. Kiêm nhiệm cả 3 chức to nhất: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng ủy Quân sự trung ương, Hồ đã huênh hoang khoác lác, lớn tiếng dọa giải phóng Đài Loan bằng vũ lực, dàn thêm hàng trăm tên lừa dọc bờ biển Quảng Đông, công khai khoe căn cứ hải quân cho tầu ngầm nguyên tử ở phía Tây đảo Hải Nam đã hoàn thành, tuyên bố bừa biển Nam Hải (biển Đông của Việt Nam) là thuộc địa bàn cốt lõi (sinh tử ) của Trung Quốc, không ai được bàn cãi!
Viên tướng Trì Hạo Điền đã về hưu, nhân vật diều hâu nổi tiếng liền viết bài phổ biến trên mạng Sina.com của Tân Hoa Xã huênh hoanh về tham vọng trong tầm tay của Trung Quốc. Nào là «thế kỷ 21 là thế kỷ của Trung Hoa»; «Đảng CS Trung Quốc là lực lượng lãnh đạo thế giới»; nào là «dân tộc Hán là dân tộc siêu đẳng, cao hơn hẳn dân tộc Nhật Nhĩ Man của Đức thời Hitler». Thật là kinh khủng khi tướng Trì hò hét như điên: «Con cháu chúng ta được quyền làm chủ đất Hoa Kỳ để có không gian sống cho một dân tộc siêu đẳng», «dù cho giết 100, hay 200 triệu người Mỹ tuy có tàn nhẫn, nhưng là con đường duy nhất để bảo đảm sinh tồn cho dân ta», «như Mác đã dạy bạo lực là động lực của lịch sử», «chiến tranh là bà Mẹ để đẻ ra kỷ nguyên Trung Quốc lãnh đạo thế giới khi đất Trung Quốc khô cằn chỉ nuôi được 500 triệu dân». Tướng diều hâu này còn dọa là «Trung Quốc đi tắt, không cần đến bom nguyên tử, Trung Quốc đang có vũ khí sinh hóa – vi trùng, chỉ cần những làn gió là giết hàng triệu sinh mạng»!
Thế là Hồ Cẩm Đào và nhóm bộ hạ hiếu thắng, ngựa non háu đá của ông ta đang phản lại những lời di huấn tâm huyết mang tính ngăn ngừa của quân sư thượng thặng Đặng Tiểu Bình. Tất cả các think tank (túi khôn ) ở phương Tây đã và đang nghiên cứu kỹ những động thái chiến lược mới của Bắc Kinh. Vì sao viên đại sứ Tàu ở Hà Nội dám răn đe thẳng ngoại trưởng Phạm Gia Khiêm là «hợp tác thì có lợi, chống đối thì thất bại»? Vì sao Vương Hàn Lĩnh lãnh đạo của Viện khoa học xã hội Trung Quốc đến Việt Nam dám dọa rằng «các anh sẽ hứng chịu xung đột bằng vũ lực và chiến tranh, không tốt cho tương lai», và ngạo mạn khẳng định: «Việt Nam đến năm 1885 vẫn là thuộc quốc của Trung Quốc».
Thế là tự mình Trung Quốc đã phơi bày hết tham vọng ngông cuồng của họ. Họ đã phô bày tất cả ruột gan, tham vọng bá chủ toàn cầu bằng bạo lực hung hãn điên loạn nhất. Họ đã đưa tàu chiến đến biển Đông, đến biển Nhật Bản, đến Ấn Độ Dương, diễu võ dương oai. Họ đã đứng sau lưng hỗ trợ cho Bắc Triều Tiên đánh đám tàu chiến của Nam Triều Tiên. Họ vẫn hỗ trợ, khuyến khích ngầm Bắc Triều Tiên sản xuất vũ khí hạt nhân. Họ còn cho tàu ngầm cắm cờ đỏ 5 sao vàng dưới đáy Thái Bình Dương để xí phần tài nguyên đáy biển một vùng rộng lớn. Họ đã làm cho cả khối Đông Nam Á giật mình, cảnh giác.
Rõ ràng cái phương châm khôn ngoan của quân sư họ Đặng đã bị Hồ Cẩm Đào vứt bỏ, do kiêu ngạo, chủ quan, duy ý chí, ngông cuồng và mạo hiểm khi lực bất tòng tâm, sức quân sự còn quá non, quá yếu, phải chừng 15 năm nữa lực lượng không quân và hải quân mới ngấp nghé bằng Mỹ hiện nay – mà khi ấy lực lượng của Mỹ sẽ tăng đến mức cao nữa.
Do đó những lời đe doạ ngông cuồng của thế lực hiếu chiến chẳng đe, chẳng dọa được ai.
Và gậy ông đã đập lưng ông. Mỹ đã mạnh mẽ khẳng định trở ngay lại biển Đông, trở lại ngay Thái Bình Dương, trở lại ngay Ấn Độ Dương, trở lại ngay châu Á trên thế mạnh. Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ được tăng cường và có mặt thường xuyên ở vùng biển Nhật Bản và Tây Thái Bình Dương.Tổng thống Barack Obama đích thân đi thắt chặt quan hệ chinh trị, kinh tế, quân sự với các nước đồng minh châu Á – Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản và Nam Triều Tiên.
Thế là Trung Quốc bị hố, bị tẽn tò, bị hẫng, bị cô lập.
Cho nên họ phải dịu giọng, phải xuống thang. Họ đã thanh minh, không còn coi bỉển Đông là vùng cốt lõi như Tây Tạng, Đài Loan, mà là vùng quan trọng. Họ phải thuyết phục Bắc Triều Tiên trở lại họp 6 bên. Có thể nói kỳ này người khổng lồ chưa vấp ngã lăn kềnh để khó lòng vươn dậy. Người khổng lồ vừa vấp nhẹ, bị trượt vỏ chuối, mất thăng bằng, bị chúi mũi. Mất tư thế. Đau. Ăn một đòn cảnh cáo nghiêm khắc cho kẻ chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng, Mất đà, mất sức.
Cũng là một thất bại nặng, rất nặng, hiển nhiên về chính trị, về chiến lược.
Thất bại nặng nhất của Trung Quốc là từ nay Hoa Kỳ không còn coi Trung Quốc là đối tượng hợp tác bình đẳng, chia sẻ trách nhiệm trong công việc chung của thế giới.
Trung Quốc từ nay được nhận định đúng là một đất nước độc đoán, tước đoạt quyền tự do của công dân và là một nhân tố vô trách nhiệm, bành trướng, gây rối, reo rắc mầm chiến tranh trên thế giới, cần giám sát chặt, cần kịp thời ngăn chặn những mưu đồ, tham vọng từ trong trứng.
Chính nhiều học giả, viên chức có trách nhiệm cao ở Trung Quốc đã nhận xét: chưa phải lúc để nhe nanh, múa vuốt, khi nanh còn non, vuốt còn mềm, khi người khổng lồ thật ra còn có đến 10 gót chân A-sin!
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.