Ngày 6-12, trên mạng Tuần VN, xuất hiện bài phỏng vấn ông Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc Hội, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, đã nghỉ hưu, với nội dung góp ý, “hiến kế” cho đảng CS nhân Đại hội XI sắp đến. Ông được Tuần VN giới thiệu như một nhà cải cách nổi bật hiện nay.
Cuộc trả lời phỏng vấn rất được dư luận trong ngoài nước chú ý. Trong nước, dòng thông tin trong luồng lờ tịt, báo Nhân dân, báo Quân đội Nhân dân lặng im, chỉ có mạng bauxite, là mạng bị chính quyền lườm nguýt đăng lại.
Quả thật bài trả lời của ông Nguyễn Văn An có nhiều chỗ nhạy cảm, như ông nói, có một số “động chạm”, người đương quyền khó nghe, cần tranh luận thêm.
Quả thật ông nguyên chủ tịch Quốc Hội nhiều lúc đã tỏ ra có tư duy độc lập, nghĩ bằng cái đầu tỉnh táo của chính mình, tự phủ định nhiều quan điểm chính thống mà ông từng bảo vệ, phát biểu tự tin và mạnh mẽ, không sợ đi trệch ra khỏi những giáo điều cứng nhắc cũ. Cho nên bài trả lời phỏng vấn của ông khá hấp dẫn, lôi cuốn, vì cho đến nay còn hiếm.
Xin lược ra dưới đây những tư duy có thể gọi là mới mẻ của ông:
-ông cho rằng trong quan điểm đường lối của đảng đang mắc phải một số “lỗi hệ thống”, nghĩa là những lầm lỗi có hệ thống, “từ gốc lên đến ngọn“, cần “triệt để sữa chữa”.
-ông cho rằng Cách mạng dân tộc dân chủ chưa hoàn thành, mới hoàn thành một nửa: cách mạng dân tộc, còn cách mạng dân chủ thì chưa, cần hoàn thành trọn vẹn đã, rồi mới có thể chuyển lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.
-ông đề nghị đổi tên nước là Nước Việt Nam Dân chủ, chưa nên gọi là nước XHCN;
-ông phê phán rất nhiều lầm lỗi “từ gốc”, “có hệ thống” của chế độ hiện hành, thiếu dân chủ trong đảng, thiếu dân chủ trong xã hội, đảng bao biện quan liêu xa rời quần chúng, Bộ Chính trị ôm đồm độc đoán, xử sự như một “ông Vua tập thể”, thống nhất cả 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
-ông cho rằng ở Liên Xô và Đông Âu, chính quyền Xô viết, XHCN sụp đổ không phải vì can thiệp lật đổ từ bên ngoài, mà chủ yếu là do sự bất mãn của đông đảo đảng viên và nhân dân, muốn từ bỏ những sai lầm có hệ thống, từ gốc lên đến ngọn, xây dựng lên một thể chế dân chủ.
-ông cho rằng cần xác định lại quyền sở hữu tư nhân, không nên nâng sở hữu quốc doanh lên hàng chủ đạo, kìm hãm kinh tế tư nhân phát triển rộng khắp.
Có thể nói với 6 nhận định mới mẻ như thế, ông Nguyễn Văn An đã tự lột xác, đã đổi mới tư duy khá sâu sắc, xứng đáng được nhận 6 điểm son, tách ra khá xa với những nhà lãnh đạo giáo điều thâm căn cố đế như ông Nguyễn Phú Trọng, người thay thế ông trên cương vị Chủ tịch Quốc Hội, mang tên “ông Trọng Lú “, hay “ông Bốn kiên định“ (Kiên định chủ nghĩa Mác – Lenin, kiên định CNXH, kiên định Độc đảng, kiên định quốc doanh là chủ đạo), người đang ngấp nghé ghế tổng bí thư.
Thế nhưng…thật đáng tiếc, suốt 13 trang đầu của cuộc phỏng vấn hay là thế, mới mẻ là thế, mạnh dạn trẻ trung là thế, thì trái lại 2 trang cuối sao mà cổ hủ, sao mà giáo điều, sao mà già nua đến vậy!
Có cảm giác như một vận động viên chạy về gần đến đích bỗng…hết hơi, bỏ cuộc! Đó là khi ông nói đến chế độ một đảng, chế độ độc đảng ở nước ta, và hiến kế làm thế nào để thực hiện dân chủ rộng rãi trong chế độ một đảng. Lập luận của ông không có gì mới. Đó là “ không phải cứ độc đảng là mất dân chủ, không phải cứ đa đảng là có dân chủ“.
Ông hiến kế với đảng : trong các cuộc bầu cử trong đảng cũng như ngoài xã hội, đảng để cho các đại biểu tự do ra ứng cử và mỗi người đưa ra chương trình, cương lĩnh riêng của mình. Cứ như cuộc tranh cử sơ bộ của riêng đảng Cộng hòa hay của riêng đảng Dân chủ ở Hoa Kỳ!
Xin thưa nhà cải cách trứ danh Nguyễn Văn An, ông nói rất đúng là không phải cứ đa đảng là tự nhiên có dân chủ, nhưng xin ông chỉ cho mọi nguời rõ là có chế độ độc đảng nào có dân chủ, và dân chủ thật sự, rộng rãi như ông mong muốn chưa? ở Liên Xô cũ? ở Đông Âu? ở Cuba? ở Lybia? ở Miến Điện? ở Trung Quốc hiện tại?
Đây vẫn là quan điễm “nền dân chủ một đảng” mà nữ đại biểu Quốc Hội Tôn nữ Thị Ninh từng đi bán rao ở châu Âu và Hoa kỳ hồi 2001 nhưng ế ẩm, chỉ mua vui cho thiên hạ.
Vậy thì hơn 160 nước thực hiện đa đảng phổ cập trên thế giới là dại, là dốt, là sai, ngu cả hay sao?
Ông Nguyễn Văn An nhận ra những lỗi lầm tận gốc, có hế thống, nhưng bài giải của ông lại không đụng đến gốc, không nhằm sửa cả hệ thống, chỉ sửa ở hiện tượng. Ông là ông lang đoán khá đúng bệnh nhưng không đưa ra thuốc chữa.
Ông lại quay trở lại là một nhà cải cách nửa vời, thực tế vẫn là một nhà bảo thủ ôm chặt lấy nền độc quyền đảng trị. Trong trả lời phỏng vấn ông kêu gọi đại hội đảng XI hãy sửa chữa triệt để những lỗi có hệ thống – ông nhắc đi nhắc lại 4 lần chữ “triệt để”, nhưng xem ra ông không có chút tinh thần cải cách triệt để nào cả. Chỗ mà mọi nhà dân chủ chân chính đang ra công đột phá chính là đi đến đồng thuận cao về xây dựng một nền dân chủ đa nguyên đa đảng trong trật tự và luật pháp.
Cái tệ độc đảng là chỗ yếu nhất của đảng CS, không có lực kiềm chế, lực kiểm soát, lực cân bằng, lực ganh đua, nên đảng mới sa sút, rã rời, bị quần chúng khinh miệt vì tham nhũng, biến chất. Có lực cân bằng, ganh đua đảng CS buộc phải giữ gìn tư cách, giữ gìn thế lãnh đạo vô tư đúng đắn.
Ở phần cuối ông có đề cập đến việc xây dựng một Luật về Đảng, chỉ riêng cho Đảng CS (!), một trò vui giải trí vì chỉ một đảng độc quyền thì cần gì đến luật. Đất nước cần cấp bách là thực thi quyền lập hội do Hiến pháp bảo vệ, và xây dựng Luật về đảng, bảo đảm cho các đảng hợp pháp đều bình đẳng, cùng ganh đua và hợp tác để phục vụ xã hội, lấy cử tri làm trọng tài, lấy số phiếu bàu làm thước đo tín nhiệm, như mọi nước văn minh và phát triển.
Thành ra đọc hết cả bài trả lời phỏng vấn, hóa ra ông Nguyễn Văn An ở phần đầu cãi nhau với chính ông An ở phần cuối, khi ông nêu lên việc cấp bách là triệt để sửa chữa tận gốc những lỗi lầm, để cuối cùng không dám đụng đến độc quyền đảng trị là sai lầm gốc gác có hệ thống cần triệt để loại bỏ trước tiên.
Người ta gọi đó là biện luận vòng vo, không nhất quán, tiền hậu bất nhất, tự mình cãi nhau với chính mình.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.