Giới tranh đấu tin rằng Tổng thống Đắc cử Donald Trump và chính quyền mới của ông sẽ tiếp tục lồng ghép các giá trị con người trong quan hệ kinh tế, thương mại; và qua đó có thể khiến giới lãnh đạo Hà Nội thay đổi cách nhìn về nhân quyền cũng như cách ứng xử đối với những thành phần bất đồng chính kiến trong nước.
Một số nhà hoạt động gốc Việt từng tiếp xúc với ông Trump trong nhiệm kỳ đầu của ông bày tỏ sự lạc quan với VOA rằng vị tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đặt lợi ích của người Mỹ lên trên hết trong nhiệm kỳ tiếp theo từ ngày nhậm chức 20/1/2025, trong đó các giá trị hiến định của người Mỹ được xem là điều mà các quốc gia đối tác cần phải tôn trọng.
Những vị khách của Nhà Trắng
“Việc ông Trump thay đổi chương trình nghị sự để tiếp các nạn nhân của các quốc gia cộng sản, mà trong đó tôi là một trong các cá nhân tham dự, từ chỉ 30 phút lên đến gần 2 tiếng đồng hồ, cho thấy ông ấy có quan tâm đến các câu chuyện của các nạn nhân ở các quốc gia cộng sản”, blogger Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, kể lại sự kiện bà được ông Trump mời vào Nhà Trắng năm 2019.
Bà Như Quỳnh nhận định, nhân quyền dưới thời Tổng thống Trump không chỉ phụ thuộc vào một mình cá nhân Tổng thống, “mà còn phụ thuộc vào việc làm chính sách, vận động và các chương trình nghị sự xung quanh để thúc đẩy vấn đề nhân quyền”.
Vào ngày 7/11/2019, bà Như Quỳnh cùng một số nạn nhân bị bạo hành khác từ những quốc gia thuộc chế độ theo chủ nghĩa Cộng sản đã hội kiến với Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng, nhân dịp nhà lãnh đạo Hoa Kỳ tuyên bố chọn ngày 7/11 là ngày Hoa Kỳ tưởng niệm các nạn nhân của cộng sản trên toàn thế giới. Bà Như Quỳnh được chính quyền của ông Trump cho tị nạn chính trị tại Mỹ vào năm 2018 sau khi bị chính quyền Việt Nam tuyên phạt mức án 10 năm tù vào năm 2017 về tội “Tuyên truyền chống phá nhà nước.”
Trước bà Như Quỳnh, hai nhà hoạt đông tự do tôn giáo cho Việt Nam cũng được Tổng thống Trump mời đến Nhà Trắng.
“Ông đã mời chúng tôi đến Phòng Bầu dục, trao đổi với ông về vấn đề nhân quyền, đặc biệt là vấn đề tự do tôn giáo”, Mục sư A Ga thuộc Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên ở North Carolina, Mỹ, thuật lại cuộc gặp ở Nhà Trắng vào ngày 17/7/2019.
“Đợt này ông tiếp tục lên làm tổng thống, tôi rất kỳ vọng vào chính sách của ông đối với nhân quyền cho Việt Nam”.
Mục sư A Ga và đạo hữu Lương Xuân Dương, một tín đồ Cao Đài, cả hai đều sang Mỹ tị nạn chính trị, cùng các nạn nhân bị đàn áp tôn giáo từ 17 quốc gia đã gặp gỡ Tổng thống Trump tại Nhà Trắng để nhà lãnh đạo Hoa Kỳ tìm hiểu về tình hình tự do tôn giáo ở quốc gia của họ.
Trong tuyên bố chung năm 2017 khi ông Trump tiếp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng, hai bên khẳng định: “Lãnh đạo hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người và sự liên hệ giữa quyền con người với an ninh và phát triển bền vững của mỗi quốc gia”.
Sau đó, cũng năm 2017, khi Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang tiếp ông Trump tại Hà Nội, tuyên bố chung viết: “Lãnh đạo hai nước ghi nhận tầm quan trọng của việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người”.
Ông Trump và Tự do Tôn giáo
Nhận định về nhiệm kỳ đầu của tổng thống Trump, ông Grover Joseph Rees, cựu đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Đông Timor, nguyên quyền đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, chia sẻ với VOA: “Tổng thống Trump, trong nhiệm kỳ đầu tiên, đã thực hiện rất tốt về một số vấn đề nhân quyền, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến các Kitô hữu bị đàn áp.”
“Tôi nghĩ Ngoại trưởng đề cử Marco Rubio là một lựa chọn tuyệt vời. Và ông ấy, với tư cách là một thượng nghị sĩ, rất am hiểu về vấn đề nhân quyền, đặc biệt là ở các nước cộng sản”, ông Rees, hiện là cố vấn cấp cao của tổ chức phi chính phủ BPSOS ở Mỹ, đưa ra nhận xét.
Marco Rubio và Việt Nam
Blogger Mẹ Nấm nhận định, vì Việt Nam cần được Mỹ đưa ra khỏi danh sách nền kinh tế phi thị trường (NME) và danh sách Theo dõi Đặc biệt về Tự do Tôn giáo (SWL), “chính sách nhân quyền sẽ được thúc đẩy” với những đại diện trong nội các mới, đặc biệt là Thượng nghị sĩ Marco Rubio, người được ông Trump đề cử vào vị trí Ngoại trưởng.
“Lập trường cứng rắn của ông ấy [Rubio] cùng với sự thúc đẩy của cộng đồng người Mỹ gốc Việt sẽ trở thành những hình thức có lợi cho người dân trong nước và giúp cải thiện tình hình nhân quyền trong nước”, bà Như Quỳnh kỳ vọng.
Đi xa hơn khi xét đến mối quan hệ tổng thể giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, luật sư Vũ Đức Khanh ở Canada viết cho VOA: “Dưới thời Donald Trump, Marco Rubio sẽ có cơ hội định hình tương lai của quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam. Sự lãnh đạo của ông cần dung hòa nhu cầu hợp tác chiến lược với việc thúc đẩy các giá trị phổ quát..."
Đánh giá về nhiệm kỳ đầu của ông Trump, trang tin tức DW hôm 18 tháng 11 dẫn lời giới hoạt động nhân quyền quốc tế nhận xét rằng ông Trump được biết là khá thờ ơ với việc lên tiếng về nhân quyền. Nhưng câu chuyện bây giờ có thể khác, với ông Marco Rubio, có thành tích lâu dài trong việc đấu tranh cho nhân quyền ở Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam, được đề cử vào vị trí ngoại trưởng.
“Khi ở Quốc hội, Thượng nghị sĩ Rubio liên tục lên tiếng về nhân quyền trên khắp châu Á và Thái Bình Dương, phản ánh mối quan tâm thực sự của ông trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong khu vực này, và người ta hy vọng điều đó sẽ tiếp tục nếu ông trở thành ngoại trưởng”, ông Phil Robertson, giám đốc Tổ chức Ủng hộ Nhân quyền và Lao động Châu Á, nói với trang DW hôm 18/11.
Với tư cách là thượng nghị sĩ Mỹ, ông Rubio là đồng tác giả của hầu hết mọi dự luật quốc hội về nhân quyền liên quan đến Việt Nam.
Năm 2020, ông kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ định Việt Nam là “quốc gia cần quan tâm đặc biệt” về việc vi phạm tự do tôn giáo, đồng thời lưu ý rằng “cách duy nhất để nhận ra toàn bộ tiềm năng của mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam là thúc ép họ thực hiện các bước nghiêm túc” để cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
“Việt Nam là một đối tác an ninh quan trọng trong khu vực nhưng hồ sơ nhân quyền của họ vẫn là trở ngại cho việc tăng cường quan hệ”, ông Rubio viết trong thư gửi Ngoại trưởng Pompeo. “Vì vậy, chúng tôi trân trọng yêu cầu ông nêu trực tiếp những vấn đề này với chính phủ Việt Nam và xem xét việc áp đặt các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky Toàn cầu đối với các cá nhân vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”.
Gần đây, khi trả lời một câu hỏi của VOA liệu bản thân có sẽ tiếp tục ủng hộ Đài Loan như ông đã làm trong quá khứ, ông Rubio trả lời: “Tổng thống là người sắp đặt chính sách đối ngoại, và công việc của chúng ta tại Bộ Ngoại giao là thi hành chúng.”
Nhân quyền trong gọng kìm kinh tế
“Trong nhiệm kỳ trước, Tổng thống Trump cũng nói nhiều về chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội và quyền lực của hai ý thức hệ này là chỉ dành riêng cho giới cầm quyền thay vì hướng đến công lý và bình đẳng cho người dân. Chúng tôi chia sẻ quan điểm đó và hy vọng việc chống lại ý thức hệ này cũng bảo vệ các giá trị và tự do cho nước Mỹ, bên cạnh đó cũng ảnh hưởng đến vấn đề nhân quyền cho Việt Nam”, bác sĩ Trần Quốc Hưng ở Texas, Mỹ, thuộc tổ chức Liên minh vì Dân chủ Việt Nam, bày tỏ kỳ vọng.
Bác sĩ Hưng đặt vấn đề nhân quyền trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ. Ông viện dẫn những chỉ trích của ông Trump trước đây với Việt Nam, về vấn đề thương mại, phá giá, thao túng tiền tệ... để đặt nhân quyền trong gọng kìm kinh tế.
“Thuế quan có thể tạo ra khó khăn cho một quốc gia như Việt Nam, quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ. Khó khăn kinh tế này có thể buộc nhà cầm quyền phải xem xét lại chính sách của họ, trong đó có chính sách liên quan đến nhân quyền và dân chủ.”
Các tổ chức nhân quyền quốc tế như Theo dõi Nhân quyền (HRW), Ân xá Quốc tế (AI), Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), Phóng viên Không Biên giới (RFS) ghi nhận tình hình nhân quyền ảm đạm của Việt Nam, nơi có hơn 120 tù nhân chính trị và nhà báo độc lập đang bị giam cầm chỉ vì họ lên tiếng chỉ trích ôn hòa.
Chính phủ Hoa Kỳ vào các dịp khác nhau, kể cả trong các cuộc tiếp xúc cấp cao chính thức và gặp riêng với lãnh đạo Việt Nam, thường loan tin rằng họ có đề cập đến vấn đề nhân quyền, xem đây là một trong những ưu tiên của Washington.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về viễn cảnh Thượng nghị sĩ Rubio sẽ là ngoại trưởng Mỹ và thành tích của ông sẽ có ý nghĩa gì về vấn đề nhân quyền của Việt Nam, nhưng chưa được trả lời.
Diễn đàn