Ngày 10-12 vừa qua, đúng vào dịp kỷ niệm 62 năm Ngày công bố bản Tuyên ngôn Nhân quyền 10-12-1948, tại thủ đô Oslo của Na Uy đã diễn ra lễ trao giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2010.
Nhà đấu tranh bất khuất cho Nhân quyền Lưu Hiểu Ba là nhân vật chính trong buổi lễ đã không thể có mặt vì đang ngồi tù với bản án 11 năm với tội danh «âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân».
Vợ ông cũng không được sang Na Uy nhận giải thay mặt chồng vì bà đang bị quản thúc. Nhà bà bị công an bao vây suốt mấy ngày nay.
Có nhiều nước được mời sang Na Uy dự lễ đã công khai từ chối, cố tình lẩn tránh. Chính những kẻ này đã được công luận thế giới điểm rõ mặt nhất mấy ngày nay.
Đó trước hết là bộ mặt giận dữ, trâng tráo, hàm hồ của chính quyền độc đảng Bắc Kinh. Họ cay cú gọi những người xét giải Nobel là «những tên hề». Trước đó họ hăm dọa, ngăn cản chính phủ Na Uy không nên để cho Ủy ban Nobel chọn ông Lưu Hiểu Ba, vì theo họ ông là một «tên tù hình sự có tội ». Họ không hiểu rằng ở một nước dân chủ các tổ chức xã hội luôn độc lập với chính quyền.
Việc họ quản thúc vợ ông Lưu, ngăn cản bà xuất ngoại, còn bao vây nhà bà, tra hỏi, cấm cản bạn bè đến chúc mừng, thăm hỏi là thái độ gấp ba lần thấp hèn. Thấp hèn thứ tư nữa là họ cấm không cho báo đài trong nước nói đến việc ông Lưu được thưởng. Thấp hèn thứ 5 là họ lập tường lửa từ giữa tháng 11, mọi từ Lưu và Hiểu trên mạng đều bị ngăn chặn, cả tin đó bị xóa bỏ. Thấp hèn thứ 6 là họ vội phịa ra «Giải thưởng Khổng Tử Hòa bình» và trao giải trước ngày 10 tháng 12 nhằm đánh lạc hướng, nhưng thật vô duyên, chẳng có ai để ý.
Trò hề thứ 7 của họ mới vô duyên thậm. Đó là kêu gào toàn thế giới tẩy chay, qua miệng lưỡi uốn éo của bà phát ngôn Khương Du, dám khẳng định là đa số nước trên thế giới tẩy chay «trò hề Oslo», và «mọi nước có chủ quyền quốc gia đều khước từ lời mời đến Oslo». Bà ta còn dở trò dậm dọa, cong cớn: «Nước nào đến dự sẽ hứng chiụ những hậu quả».
Thật ra chỉ có 16 nước từ chối đến Oslo dự lễ. Điểm mặt, phần lớn là những nước độc đoán, dị ứng nặng với nhân quyền, nhẵn mặt với thế giới. Đó là Iran, Iraq, Saudi Arabia, là Sudan, là Afghanistan, Kazakhstan, là Venezuela, là Serbia, là Tunisia và Maroc, và tất nhiên là có cả Nga, Cuba, và Việt Nam. Riêng Nga là nước có tật giật mình, từng phản đối việc tặng giải Nobel Hòa bình cho nhà vật lý hạt nhân Andrei Sakharov hồi 1975, lúc ấy ông Sakharov cũng bị tù, bà vợ Élenna đang ở Mỹ đến nhận thay chồng. Thật là đáng hổ thẹn cho 16 kẻ khiếm diện; họ càng bị vạch bộ mặt không sạch sẽ về nhân quyền.
Đáng chú ý là lúc đầu có tên của Philippines trong danh sách không đẹp đẽ này, nhưng vào ngày 8-12, Manilla cải chính là không có thái độ như thế.
Cuối tháng 10, báo chí Bắc Kinh hý hửng loan tin buổi lễ trao giải Nobel năm nay bị hủy vì không biết sẽ trao cho ai nhận. Nay họ bị tẽn tò to. Lễ càng thêm hấp dẫn, đang truyền đến triệu triệu người xem tivi, đọc báo, nghe truyền thanh khắp 5 châu 4 biển, hình trên chiếc ghế danh dự bỏ trống được trang trọng đặt tấm Bằng tặng thưởng lớn in nhiều màu với tên ông Lưu Hiểu Ba, kèm theo là lời tuyên bố của Chủ tịch Giải Nobel Th. Jagland: «Chính vì ông Lưu bị cấm đến đây mà việc trao tặng ông giải Nobel Hòa bình càng là cần thiết».
Nhân dịp này, báo chí quốc tế lại chỉ mặt 4 nước đã từng không cho công dân nước mình đến đây nhận giải, đó là Đức Quốc xã, nước Liên Xô cộng sản, nước Miến Điện độc tài quân phiệt và nay là Trung Quốc độc đảng.
Bộ mặt của chính quyền độc đảng Việt Nam trong sự kiện quốc tế nổi bật này cũng thật đáng buồn. Trước đó, việc một khôi nguyên giải Nobel Hòa bình khác là bà Aung San Suu Kyi được trả tự do cũng không mảy may được cho dân biết trên báo và đài. Vẫn là cái trò bịt tai, bịt mắt nhân dân trong thời buổi truyền thông nhanh nhậy. Sự kiện Lưu Hiểu Ba cũng vậy. Vẫn phải theo lệnh Bắc Kinh. Thật khốn khổ cho Ban Tuyên huấn và Bộ Thông tin Truyền thông. Mà giải thích ra sao? Vì ông Lưu là một tội phạm hình sự, âm mưu lật đổ chính quyền! Thì cũng như anh Điếu Cày, như chị Lê Thị Công Nhân… âm mưu lật đổ chính quyền, dù họ chẳng có tấc sắt trong tay. Nhưng người dân vẫn biết, biết rõ, biết đầy đủ, vì càng cấm càng gợi tò mò, vẫn theo câu châm ngôn dân dã:
Những người đảng ghét, dân yêu
Ngẫm ra không ít bậc «Siêu anh tài»
Những người đảng đến vỗ vai
Xem ra phần lớn là loài bất nhân…
Đảng đàn em ghét ông Lưu Hiểu Ba vì đảng đàn anh dạy thế. Do đó mà Việt Nam không có mặt ở Oslo với thế giới để chia vui với cả loài người tiến bộ, chuộng tự do, yêu dân chủ, để Việt Nam vì không dám tham dự nên càng bị lộ mặt không sạch sẽ, bị chỉ tố cáo vi phạm nhân quyền với chính nhân dân mình, đồng bào mình, giống Trung Quốc như đúc vậy.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.