Đường dẫn truy cập

Hội nghị Trung ương ‘đánh đố’: Toan tính của Tổng Bí thư Tô Lâm trước Đại hội XIV?


Cờ nước và cờ Đảng Cộng Sản Việt Nam. Hình minh hoạ.
Cờ nước và cờ Đảng Cộng Sản Việt Nam. Hình minh hoạ.

Hội nghị Trung ương diễn ra có nửa ngày ở Hà Nội, vào sáng 25/11/2024, được giới quan sát gọi là Hội nghị Trung ương “đánh đố”. Nó không được định danh, không phải là Trung ương bất thường, mà cũng chẳng là Trung ương bình thường…

Chiến lược củng cố

“Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII” – như cách nêu trên truyền thông chính thống (1) – đã thu hút sự quan tâm đặc biệt, không chỉ bởi cách thức tổ chức mà còn bởi những toan tính chính trị tiềm ẩn phía sau. Trong phát biểu khai mạc sáng 25/11/2024, Tổng Bí thư (TBT) Tô Lâm nhấn mạnh hai nội dung chính mà Trung ương cần tập trung thảo luận: tổng kết sớm Nghị quyết số 18 và việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy chính trị, đặc biệt ở cấp Trung ương. Với thời lượng từ khai mạc đến bế mạc rất ngắn gọn, ngay tối cùng ngày, phát biểu bế mạc cũng đã được công bố toàn văn (2) – một tốc độ làm việc được cho là hiếm thấy so với các Hội nghị Trung ương thông thường. Sự kiện này được giới quan sát ở Hà Nội gọi là Hội nghị Trung ương “đánh đố”. Nó diễn ra ngay sau Hội nghị Trung ương 10 (bế mạc hôm 20/9/2024), nhưng đã không được định danh là Trung ương 11. Đây không phải là hội nghị bất thường, mà cũng chẳng mang dáng dấp của một hội nghị bình thường. Điều này phản ánh thực tế rằng hội nghị “bất thường” giờ đây đã trở nên "bình thường" trong nhiệm kỳ của TBT Tô Lâm (3). Phong cách điều hành “vừa chạy vừa sắp hàng” của ông thể hiện một kiểu quản lý dứt khoát, mang dấu ấn cá nhân mạnh mẽ.

Trước đó, chỉ trong vòng một tuần, từ cuộc họp tổng kết Nghị quyết 18 ngày 19/11 do TBT Tô Lâm chủ trì (4) đến Trung ương lần này, cả hệ thống các bộ, ngành, cục, vụ, viện trở nên "náo loạn". Sáng 25/11, Trung ương đã tập trung đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 18, với các đề xuất tinh giản bộ máy động chạm đến hơn 15 cơ quan trung ương. Một số nguồn tin nội bộ cho biết, kế hoạch này không chỉ đơn thuần dừng lại ở giảm biên chế, mà còn đề xuất sáp nhập hoặc giải thể một số bộ ngành, tạo nên cú sốc lớn trên chính trường Ba Đình. Các nguồn tin nội chính còn cho hay, những tính toán gây chấn động nhất hiện nay bao gồm: sáp nhập Ban Đối ngoại vào Bộ Ngoại giao; gộp Ban Kinh tế với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp; sáp nhập Ban Tuyên giáo với Ban Dân vận… Tại thảo luận ở Quốc hội, đại biểu Vũ Trọng Kim cho biết: “Có Bộ trưởng nói với tôi, nếu giảm 30-40% biên chế cũng không ảnh hưởng gì.” (5) Ông nhấn mạnh rằng giảm biên chế không chỉ giúp giảm tình trạng sách nhiễu, mà còn góp phần cải thiện chất lượng cán bộ và tăng lương cho những người thực sự mẫn cán.

Thực tế, Nghị quyết số 18 dù đã được triển khai nhiều năm nhưng vẫn chưa mang lại những kết quả rõ nét. Tuy nhiên, với yêu cầu từ TBT Tô Lâm rằng, các sáp nhập phải hoàn thành trước quý I năm 2025, tốc độ xử lý lần này mang tính quyết liệt bất thường. Nhiều ý kiến cho rằng, đây không chỉ đơn thuần là sự cải cách hành chính mà còn là chiến thuật chính trị của TBT Tô Lâm nhằm củng cố quyền lực, loại bỏ các đối thủ trước thềm Đại hội XIV. Một minh chứng rõ nét là việc cựu Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng Đoàn Quốc hội Vương Đình Huệ – một trong bốn "Tứ trụ" – bị kỷ luật ngay trước Hội nghị. Ông Huệ, sau khi viết đơn xin "về làm người tử tế" 7 tháng trước, vẫn không thoát khỏi án phạt. Bộ Chính trị quyết định cảnh cáo ông vì những sai phạm trong công tác, khiến ông trở thành cựu Chủ tịch Quốc hội đầu tiên bị kỷ luật sau khi rời chức vụ. Trong khi đó, cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng thuộc nhóm "Tứ trụ" – đã không trực tiếp bị xử lý – chỉ chịu sự giám sát chặt chẽ với lý do sức khỏe (6).

Việc phá vỡ “bức tường vô hình” vốn được coi là lá chắn bảo vệ các thành viên Tứ trụ là một bước ngoặt lớn trong chính trường Việt Nam. Từ trước đến nay, các nhân vật thuộc nhóm này thường được đeo “kim bài miễn nhiễm” trước các cuộc thanh trừng nội bộ. Động thái mạnh tay lần này của TBT Tô Lâm không chỉ là sự phá rào mà còn thể hiện quyết tâm xây dựng quyền lực tuyệt đối của ông (7). Dẫu từ góc nhìn nào thì Hội nghị Trung ương lần này là một bước đi chiến lược nhằm củng cố đội ngũ thân tín của TBT Tô Lâm trước Đại hội XIV. Đây được cho là mô hình quyền lực mà TBT Tô Lâm đã áp dụng thành công từ thời ông giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Công an. Nay ông muốn nhân rộng mô hình ấy lên quy mô toàn quốc. Trước những đề xuất cải cách rộng lớn nhằm thu hẹp quy mô chính quyền cả ở trung ương lẫn địa phương, giới phân tích hoài nghi tính khả thi của nó.

Kịch bản chính trị trước Đại hội XIV

Việc tinh giản quyền lực không phải là điều dễ dàng, đặc biệt khi TBT Tô Lâm đang đối mặt với sự phản kháng âm ỉ từ các thế lực nội bộ Đảng. Nổi bật trong số này là nhóm Nghệ An, được xem là hậu cứ chính trị của cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Sự mâu thuẫn không chỉ dừng lại ở cạnh tranh cá nhân mà còn phản ánh các xung đột vùng miền và phe phái chính trị sâu sắc. Nếu ông Tô Lâm không xử lý khéo léo, sự bất mãn có thể lan rộng, trở thành một thách thức nghiêm trọng trước thềm Đại hội XIV (8). Hiện tại, ưu tiên hàng đầu của ông là giành được “suất đặc biệt” để tái cử TBT, vượt qua quy định giới hạn tuổi. Theo thông lệ, ông Tô Lâm sẽ bước sang tuổi 69 vào tháng 1/2026, vượt tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, những diễn biến từ các hội nghị Trung ương gần đây cho thấy quyết tâm của ông trong việc củng cố mạng lưới quyền lực đủ mạnh để bảo vệ vị thế. Đây chỉ là bước đầu trong một cuộc đua quyền lực quyết liệt mà ông đang dẫn dắt.

Hội nghị Trung ương vừa qua là cơ hội để ông Tô Lâm thúc đẩy kế hoạch tái cơ cấu bộ máy và xây dựng mạng lưới nhân sự trung thành. Kể từ khi chuyển từ vai trò Bộ trưởng Bộ Công an sang vị trí TBT, ông đã duy trì phong cách lãnh đạo cứng rắn và kỷ luật như trong ngành công an. Những nhân vật đến từ quê nhà Hưng Yên và các đồng sự tại Bộ Công an ngày càng chiếm giữ các vị trí chiến lược trong hệ thống. Điều này tạo nên một mạng lưới quyền lực khép kín, vừa bảo vệ ông trước các đợt phản công chính trị vừa củng cố vị thế trong nội bộ Đảng. Động thái phục hồi hình ảnh của các nhân vật từng bị lu mờ như Đinh Thế Huynh (người vừa được trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng) cũng được cho là một chiến lược nhằm thu phục nhân tâm và giảm bớt bất mãn trong nội bộ (9).

Tuy nhiên, sự xuất hiện ngày càng rõ của các dấu hiệu bất tuân từ nhóm Quân đội, đặc biệt là dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch nước Lương Cường, đang tạo nên thách thức mới. Sự khác biệt trong quan điểm chính trị giữa ông Tô Lâm và ông Lương Cường, chẳng hạn qua cách tiếp cận với các lãnh đạo quốc tế như Tổng thống đắc cử Donald Trump, cho thấy những vết rạn giữa hai nhóm quyền lực (10). Việc tập trung quyền lực quá mức của ông Tô Lâm có thể dẫn đến mất cân bằng trong hệ thống, khiến các nhóm bị loại bỏ cảm thấy bị cô lập, và từ đó, gia tăng nguy cơ phản kháng ngầm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nội bộ Đảng mà còn có thể gây tổn hại đến lòng tin của công chúng vào tính minh bạch và sự lãnh đạo của Đảng.

Hiện nay, chính trường Việt Nam đang bước vào một giai đoạn đầy biến động. Việc phá bỏ các “vùng an toàn” của những nhân vật từng giữ vị trí trong “Tứ trụ”, kết hợp với chiến lược cải tổ bộ máy mạnh tay, cho thấy quyết tâm thiết lập quyền lực tối thượng của ông Tô Lâm. Tuy nhiên, các phe phái dù yếu thế vẫn có khả năng phản kháng nếu cảm thấy không còn gì để mất. Điều này đặt ra câu hỏi liệu ông Tô Lâm có thể duy trì được thế thượng phong trong giai đoạn đầy bất trắc này hay không. Từ nay đến Đại hội XIV, chính trường Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục chứng kiến những cuộc đấu đá quyền lực khó lường, mở ra một giai đoạn chính trị mới với đầy thách thức lẫn cơ hội đối với nỗ lực cải cách thể chế mà ông Tô Lâm đang theo đuổi.

Tham khảo:

(1) https://baotintuc.vn/thoi-su/khai-mac-hoi-nghi-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-20241125094752171.htm

(2) https://vtv.vn/chinh-tri/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-to-lam-tai-hoi-nghi-trung-uong-dang-khoa-xiii-20241125193124107.htm

(3) https://www.voatiengviet.com/a/7876217.html

(4) https://www.voatiengviet.com/a/neu-tong-bi-thu-to-lam-muon-cach-mang-he-thong-chinh-tri-/7874941.html

(5) https://tuoitre.vn/co-bo-truong-noi-voi-toi-neu-bo-giam-30-40-bien-che-chang-he-han-gi-2024110415431682.htm

(6) https://www.voatiengviet.com/a/ong-hue-ong-thuong-bi-xem-xet-ky-luat-du-da-tu-nguyen-xin-nghi-/7873428.html

(7 và 8) https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/vuong-dinh-hue-ky-luat-to-lam-chinh-tri-vo-van-thuong-11222024091219.html

(9) https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/to-lam-nguyen-tan-dung-nguyen-phu-trong-nhan-su-11262024110029.html

(10) https://www.voatiengviet.com/a/luong-cuong-va-to-lam-toan-tinh-gi-khi-tiep-can-donald-trump-/7869763.html

  • 16x9 Image

    Hoàng Trường

    Hoàng Trường là bút hiệu một nhà báo tại Hà Nội. Tác giả hiện đang công tác tại một tạp chí nghiên cứu tại Việt Nam. Các bài viết của Hoàng Trường là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG