Đường dẫn truy cập

Việt Nam nâng cấp quan hệ với Pháp để ‘bổ túc quan hệ với Mỹ’


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón Tổng bí thư-Chủ tịch Việt Nam Tô Lâm đến Paris
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón Tổng bí thư-Chủ tịch Việt Nam Tô Lâm đến Paris

Mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mà Hà Nội vừa thiết lập với Paris giúp Việt Nam có thêm hỗ trợ trên Biển Đông nhưng đồng thời có thể linh hoạt hơn trong việc đối phó với Trung Quốc thay vì chỉ dựa vào Mỹ, các nhà phân tích nói với VOA.

Pháp đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện thứ 8 của Việt Nam, và là nước châu Âu đầu tiên có khuôn khổ quan hệ này với Hà Nội, hồi đầu tháng 10 sau khi Hà Nội đã liên tiếp nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất với Mỹ, Nhật và Úc.

Tuyên bố nâng cấp quan hệ do Tổng bí thư-Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố hôm 7/10 ở Paris đánh giá hợp tác an ninh-quốc phòng là một trong những trụ cột quan trọng và cho biết hai nước sẽ phối hợp trong công tác đào tạo sĩ quan trong khi Việt Nam sẽ tạo thuận lợi cho các tàu quân sự Pháp cập cảng Việt Nam nhằm phát triển hợp tác và trao đổi chuyên môn giữa hải quân và lực lượng cảnh sát biển hai nước.

Tuyên bố chung còn cho biết Pháp sẽ tiếp tục thúc đẩy ODA, tức viện trợ phát triển chính thức, cho Việt Nam còn Việt Nam mong muốn hợp tác với Pháp trong cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị, đường sắt, năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng, hydrogen phi carbon, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, logistics, cảng biển, hàng không dân dụng và cáp ngầm dưới biển…

Pháp được xem là cường quốc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì họ có các lãnh thổ hải ngoại trải dài trên hai đại dương này. Hồi năm 2020, Pháp cùng với hai cường quốc châu Âu khác là Anh và Đức đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc để bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Ủng hộ ngoại giao, pháp lý

Trao đổi với VOA từ Paris, Giáo sư Nguyễn Thái Sơn, vốn từng là nhà ngoại giao của Việt Nam Cộng hòa và hiện là cố vấn khoa học cho Viện Địa chính trị Paris, cho biết lập trường của Pháp về Biển Đông như sau: không chấp nhận đường chín đoạn của Trung Quốc; ủng hộ UNCLOS (Công ước quốc tế về Luật Biển); chủ trương tự do hàng hải cũng như hàng không.

“Pháp ủng hộ Việt Nam về ngoại giao và pháp lý nhưng chỉ can dự quân sự tập thể cùng với Mỹ và phương Tây,” ông nói thêm. “Việt Nam ủng hộ Pháp tham gia tuần tra với Mỹ, Anh, Liên Âu để kiềm chế Trung Quốc trên Biển Đông.”

Ông Sơn cho biết Paris đã đề ra chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà theo đó nếu chiến tranh nổ ra ở Biển Đông, Pháp sẽ hợp tác với Mỹ, Nhật, Ấn, Úc để bảo vệ các lãnh thổ hải ngoại cùng 1,6 triệu dân Pháp cư trú ở các lãnh thổ này.

Theo lời chuyên gia này thì Paris có hạm đội ở Thái Bình Dương, có hiệp ước sử dụng hải cảng với Ấn Độ ở Ấn Độ Dương. Hơn 5.000 quân nhân Pháp đang hoạt động trong khu vực, ông cho biết, trong khi Pháp đang tăng cường sản xuất khí giới để xuất khẩu và hiện đang là cường quốc xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới.

Một trong những lĩnh vực hợp tác mới trong khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện, vị giáo sư này chỉ ra, là có khả năng Hà Nội sẽ tìm kiếm khí giới của Pháp để giảm bớt sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga.

“Việt Nam có thể mua thiết bị giám sát Biển Đông, chiến đấu cơ của Pháp. Họ rất thích tàu ngầm Scorpène của Pháp nhưng còn bị kẹt với 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo của Nga nên chưa có thể thay đổi được trong tương lai gần,” ông nói.

Dễ xử hơn với Trung Quốc?

Về mặt chiến lược, nếu như việc Hà Nội nâng cấp quan hệ với Washington khiến Bắc Kinh phải dè chừng thì việc nâng cấp quan hệ của Hà Nội với Paris không khiến Hà Nội lâm vào thế khó xử với Bắc Kinh, cũng theo nhận định của chuyên gia này.

“Trung Quốc không ngại cạnh tranh với Pháp ở Đông Dương vì Pháp không phải là siêu cường như Mỹ trong khi Pháp không chủ trương ngoại giao đối đầu như Mỹ,” ông phân tích.

“Đây là bước đi rất đúng vì Việt Nam cần có quan hệ chiến lược với Pháp và Liên Âu để bổ túc cho quan hệ với Mỹ, Nhật, Ấn vì Việt Nam không còn có thể trông cậy vào Nga vốn đã suy yếu và lệ thuộc vào Trung Quốc.”

Một chuyên gia theo dõi tình hình Biển Đông là Thạc sỹ Hoàng Việt, giảng viên tại Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, cũng nhận định với VOA rằng việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Pháp ‘sẽ giảm sức ép với Hà Nội của việc nâng cấp quan hệ với Mỹ’.

“Khi nâng cấp quan hệ với Mỹ, Việt Nam đã chịu rất nhiều sức ép từ Trung Quốc,” ông giải thích. “Việt Nam có thể nhân dịp này chứng tỏ họ không chỉ nâng cấp quan hệ với Mỹ mà còn với nhiều nước khác.”

Nhất là trên Biển Đông, nếu Bắc Kinh ‘vô cùng nhạy cảm’ với quan hệ giữa Hà Nội với Washington thì quan hệ với Pháp vẫn giúp Hà Nội thách thức yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc nhưng ‘không tạo cớ cho Trung Quốc gây hấn’, vẫn theo lời ông Hoàng Việt.

“Một trong những lý do Bắc Kinh làm căng với Manila là họ nghĩ Mỹ đứng đằng sau xúi giục Philippines đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông,” ông chỉ ra.

“Pháp là cường quốc tương đối, không quá gay gắt như Mỹ, sự đối đầu Mỹ-Trung không ảnh hưởng nhiều đến quan hệ Việt-Pháp nên Pháp là đối tác Việt Nam có thể thúc đẩy quan hệ tốt hơn.”

Việt Nam thúc đẩy quan hệ với Pháp giúp Việt Nam tăng cường sức mạnh cả về chiến lược lẫn thực tế đồng thời nếu có thêm nhiều quốc gia lên tiếng ủng hộ Việt Nam trước hành vi của Trung Quốc thì Trung Quốc ‘cũng phải cân nhắc phần nào’, ông Việt cho biết.

“Quan điểm của Việt Nam là muốn quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông, nên có nhiều nước can dự thì rõ ràng là tốt hơn cho Việt Nam,” ông nói và cho biết Pháp cũng như các nước châu Âu đều đề cao luật pháp quốc tế trong khi tàu chiến của các nước Mỹ, Anh, Pháp đều thách thức yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc.

Cáp ngầm và tàu hỏa cao tốc

Cũng theo lời ông Việt, nếu Hà Nội có thể được Paris chuyển giao một số công nghệ vũ khí thì hệ thống phòng thủ của họ ‘sẽ mạnh hơn’ và cho rằng Hà Nội có thể cần tàu đổ bộ Mistral của Pháp.

Ngoài ra, ông cũng chỉ ra một lĩnh vực mà Việt Nam rất cần sự hợp tác với Pháp là xây dựng cáp ngầm trên biển trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh quyết liệt trong việc kiểm soát cáp ngầm dưới Biển Đông.

Khi được hỏi liệu Paris có quá bận tâm vào cuộc chiến ở Ukraine nên lơ là khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hay không, ông Hoàng Việt cho rằng ‘Pháp và châu Âu không bao giờ quên mối đe dọa từ Trung Quốc’.

Bên cạnh an ninh-quốc phòng, ông Nguyễn Thái Sơn cho rằng một ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong quan hệ với Pháp là ‘công nghệ cao cấp’, trong đó có công nghệ hàng không, không gian và tàu hỏa cao tốc vì ‘Việt Nam muốn Pháp giúp thăng bằng quan hệ với Trung Quốc’.

“Pháp đồng ý bán máy bay Airbus và các hãng Safran (hãng sản xuất động cơ máy bay) và Thales (tập đoàn hàng không, không gian Pháp) có thể muốn lập nhà máy tại Việt Nam,” ông nói và cho biết Việt Nam muốn Pháp tham gia xây dựng tuyến đường sắt cao tốc TGV từ Hà Nội đến Hải Phòng trong khi chỉ để Trung Quốc xây dựng tuyến đường sắt từ Vân Nam đến Hà Nội.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG