Trong chương trình Hỏi đáp Y học tuần này, thính giả đài VOA Nguyên Đăng gửi câu hỏi tới thắc mắc về chứng nhổ nước bọt ra máu.
“Kính thưa Bác sĩ,
Tôi bị chứng bệnh nhổ nước bọt ra máu. Đi khám, bác sĩ nói là 'Hội chứng dạ dày và Viêm mũi họng cấp mủ.'
Bác sĩ cho tôi uống các loại thuốc sau đây: (10 Klacid, (2) Pantolon, (3) Gastropulgite, (4) Tellfast, và (5) Rhumenol.
Sau khi uống 10 ngày không khỏi, tôi hỏi -- bác sỹ nói là chưa hết, và tiếp tục uống Klacid thêm 7 ngày nữa, và Pantolon và Gastropulgite phải uống 1 tháng. Tôi đã uống 17 ngày rồi vẫn không khỏi, vẫn nhổ nước bọt ra máu. Tôi cảm thấy rất lo.
Kính nhờ bác sỹ tư vấn cho tôi biết bệnh tình của tôi thế nào, có nguy hiểm không.
Tôi xin cám ơn.”
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Chúng ta không thể căn cứ trên một triệu chứng để có ý kiến về một trường hợp cá biệt. Bệnh nhân đang được dùng thuốc:
(1) Kháng sinh loại macrolide là clarithromycin (Klacid),
(2) Một thuốc ức chế bơm proton (PPI) trong mục đích giảm sản xuất acid trong dạ dày (Pantoloc),
(3) Thuốc Gastropulgite gồm 2 chất chống acid và attapulgite có mục đích che chở niêm mạc dạ dày và ruột non (Attapulgite de Mormoiron hoạt hóa 2,5g +Gel Aluminium hydroxide và magnesium carbonate được sấy khô 0,5g.),
(4) Thuốc Telfast kháng histamine, chống dị ứng (fexofenadine, Allegra),
(5) Và cuối cùng Rhumenol, thuốc "cảm" kết hợp thuốc loratadine chống dị ứng, thuốc dextromethorphan chống ho và thuốc acetaminophen làm giảm đau.
Có lẽ bác sĩ muốn trị viêm mũi, viêm loét bao tử, đồng thời giúp cho bệnh nhân bớt dị ứng và bớt ho. Tuy nhiên tôi không biết về "hội chứng dạ dày và viêm mũi họng cấp mủ" nên tôi không thể bàn về hội chứng này được. Sau đây tôi chỉ xin đưa ra một số nhận xét vể triệu chứng nhổ nước bọt ra máu mà thôi.
Máu trong nước bọt có thể từ:
1) Các bộ phận trong miệng: thường gặp nhất là nướu răng chảy máu do viêm, nhiễm trùng nướu răng, hay một u bướu của nướu răng. Người Việt chúng ta không giữ gìn răng kỹ lắm, ví dụ không đi nha sĩ cạo vôi răng, không floss răng, không chải răng đúng cách, hay hút thuốc lá và uống rượu, là những điều gây tổn thương cho nướu răng, dễ bị những bệnh chung quanh răng (bệnh chu nha, periodontal disease).
2) Người thiếu vitamin C (scurvy) có thể sưng nướu răng và chảy máu, cũng như dễ chảy máu những nơi khác. Khác với đa số các sinh vật khác, chúng ta không tổng hợp vitamin C được. Vitamin C lại cần thiết cho chất collagen trong mô liên kết xương và mạch máu. Do mạch máu bị yếu đi, người thiếu vitamin C dễ chảy máu, nhất là trong niêm mạc miệng.
3) Chảy máu nướu răng (cũng như chảy các nơi khác như mũi, da, khớp xương) cũng có thể do máu không đông bình thường. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân, vd như máu không đông bình thường do di truyền, do ung thư phá huỷ các tiểu bản (platelet, tế bào nhỏ trong máu kết tụ khi cần hàn gắn các vết thương, làm ngưng chảy máu).
4) Máu từ trên mũi chảy xuống ("chảy máu cam"): do bệnh nhân móc mũi, cạy mũi; do viêm mũi dị ứng, các mạch máu nhỏ trong Kiesselbach's plexus dễ bị vỡ làm chảy máu; u bướu, hay do những nguyên nhân làm máu khó đông kể trên.
5) Máu chảy từ hệ tiêu hoá: thực quản (esophagus), dạ dày bị loét, ói máu (hematemesis). Một số loét do vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori); được chữa trị bằng kháng sinh như clarithromycin kèm với PPI và một số thuốc khác. Máu chảy từ dạ dày nếu đáng kể có thể gây ra ói máu, kèm theo những triệu chứng như phân đen (melena), thiếu máu (giảm lượng hồng cầu; anemia). Theo như tôi biết ít khi thấy máu trong nước miếng vì loét dạ dày hay đầu ruột non ( đầu tá tràng, duodenal bulb ulcer).
6) Máu từ phổi lên miệng lúc ho (hemoptysis, coughing blood). Nguyên nhân có thể là nhiễm trùng phổi. Như trong bệnh lao (tuberculosis), bệnh nhân có thể không có triệu chứng rõ rệt lắm khi phát hiện ho ra máu. Các bệnh viêm phổi khác có thể kèm theo triệu chứng cấp tính hơn như sốt nóng cao, đau lồng ngực như trường hợp viêm phổi do phế cầu trùng (pneumococcus). Ung thư phổi cũng có thể làm chảy máu. Người hút thuốc lá, hay sống trong môi trường ô nhiễm dễ bị ung thư phổi hơn người không hút.
Nói tóm lại, nếu nhổ nước miếng có máu kéo dài thì nên tìm nguồn xuất phát của máu.
1) Bác sĩ gia đình cần biết bệnh sử, khám tổng quát toàn bộ cơ thể.
2) Cụ thể nên khám kỹ mũi và họng.
3) Cần đi nha sĩ khám răng và nướu răng nếu nướu sưng và có khả năng chảy máu từ đó.
4) Nếu nghi bệnh ở dạ dày hay ruột có thể cần thử nghiệm tìm H. pylori, chẩn đoán hình ảnh hay nội soi thực quản và dạ dày. Xét nghiệm xem có máu trong phân hay không (occult blood).
5) Bệnh lao (tuberculosis) phổ biến ở VN và cần định bệnh chính xác; có thể cần thử lao tố (tuberculin skin test); chụp X quang phổi, hoặc có khi CT scan phổi nếu cần chi tiết hơn.
6) Có thể phải thử máu (đếm hồng cầu, công thức máu, PT, PTT, etc) xem có yếu tố gì làm máu không đông bình thường hay không: như ung thư máu, giảm tiểu cầu, các yếu tố đông máu.
Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
-----------------------------------------
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.
Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại dành cho mục Hỏi đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ Ba và thứ Năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi qua điện thư ở địa chỉ Vietnamese@voanews.com.