Trong chương trình Hỏi đáp Y học tuần này, thính giả Đỗ Văn Kiên, ở Hà Nội, gửi về câu hỏi thắc mắc về trường hợp nghi mắc xương cá từ hai năm trước.
“Cháu tên Đỗ Văn Kiên năm nay 22 tuổi.
Thưa bác sĩ và chương trình,
Tháng 11 năm 2012, do không cẩn thận nên cháu bị hóc xương cá (xương sườn của con cá), khi đó cháu không đi khám ngay mà cháu đã nuốt một cục cơm, với hy vọng xương cá sẽ trôi xuống dạ dày, nhưng sau khi cháu nuốt cục cơm ấy thì cháu cảm thấy đau, cảm giác như cái xương cá đã cắm vào cổ họng, hay đâu đó chỗ gần thực quản. 10 ngày sau, cháu đã đi nội soi và chụp X quang nhưng kết quả là không có dị vật.
Suốt gần 2 năm qua, cháu cảm thấy cái xương cá nó vẫn còn cắm trong cổ cháu, chỗ lõm ở cổ, ở cuống họng.
Năm 2013 cháu cũng đi nội soi họng và chụp X Quang thì cũng không thấy dị vật.
Tháng 7 năm 2014, khi cháu hắt xì thì cảm thấy cái xương nó làm cháu khó chịu nhiều hơn, nên cháu đã đi nội soi họng, chụp X quang họng, siêu âm họng, siêu âm tuyến giáp, nội soi dạ dày nhưng kết quả là không có dị vật. Các bác sĩ kết luận cho cháu là bị "viêm hang vị dạ dày, trào ngược axit dạ dày, viêm amydal cấp," nhưng cháu dùng thuốc của các bác sĩ thì không thấy đỡ hơn chút nào, nên cháu đã ngưng dùng thuốc.
Ngày 20/09/2014 cháu xuống bệnh viện Tai Mũi Họng Trung Ương khám và nội soi thì cũng không phát hiện dị vật. Các bác sĩ ở viện này chẩn đoán là cháu bị "viêm họng mãn tính." Qua vài ngày dùng thuốc rồi mà cháu vẫn không thấy đỡ, cháu thấy cái xương cá nó vẫn tồn tại trong họng của cháu, cháu cảm thấy rất khó chịu trong cổ họng, tức ngực, thiếu ô xy.
Không biết cái xương cá còn tồn tại trong cổ họng của cháu hay cháu đã bị mắc bệnh gì ạ? Ở Việt Nam thì bệnh viện nào có thể thăm khám tốt nhất cho cháu ạ?
Cháu mong nhận được sự tư vấn của các bác sĩ ạ.
Cháu xin chân thành cảm ơn Bác sĩ ạ!”
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Ở đây có hai vấn đề: chuyện mắc xương cá rất thường gặp và chuyện tại sao triệu chứng mắc xương cá dai dẳng đến hai năm mà bác sĩ không giải quyết được. Cũng như mọi khi, đây là một tình huống khá phức tạp, vì đã kéo dài, và câu trả lời cũng sẽ không đơn giản và nhanh chóng được. Tôi xin có những nhận xét sau đây:
1) Lúc chúng ta nuốt thức ăn, phần sau của lưỡi (lưỡi là một cơ bắp) đẩy lọn thức ăn vào phía sau, đẩy xuống hầu (họng, pharynx), với hai cái hạch a-mi-đan (tonsils) đứng hai bên. Cho nên đa số xương (xương cá, xương gà hoặc vật nhọn gì khác) nếu có mắc vướng, sẽ mắc vướng vào phần sau lưỡi, vào hai hạch a-mi-đan, hoặc vào vách phía sau của họng, nếu rọi đèn xem xét kỹ sẽ thấy. Chỉ một số ít đi xa hơn, vướng mắc vào thực quản (esophagus), một số khác theo đồ ăn đi vào dạ dày, hoặc xa hơn. Dạ dày chứa acid chlorhydric (HCl) rất mạnh, thường xương cá sẽ bị tiêu hoá. Tuy nhiên trong 1% các trường hợp nuốt vật lạ như xương cá, xương gà, vật lạ có thể bị kẹt vào một nơi nào đó từ thực quản tới ruột già, nhất là ở đoạn cuối của ruột non (ileum), có khi làm bác sĩ định bệnh là viêm ruột thừa, viêm phúc mạc, vì chính bệnh nhân cũng không biết mình từng nuốt phải xương. (1)
2) Một khảo cứu theo dõi 71 người bị nghi là có mắc xương cá công bố năm 1989 cho biết những người này nuốt đau sau khi ăn cá và họ nghĩ là họ bị mắc xương nên phải vào phòng cấp cứu xem xét, khám nội soi và chụp hình X quang. Chỉ có 15 người tìm được xương hóc, 13 trường hợp hóc ở lưỡi, họng, nếu rọi đèn xem xét kỹ sẽ thấy. Số còn lại, 58 người ( 79%), không tìm thấy xương cá. Chỉ có 5 trường hợp thấy xương cá trên X quang (vì xương cá mỏng và nhỏ, lại phần lớn là sụn, không cản quang). Có nghĩa là không thấy trên phim X quang không có nghĩa là không có hóc xương. Cũng như soi miệng hay nội soi cũng không thấy hết được những xương hóc. Cần kết hợp cả hai phương tiện, cộng với theo dõi lâm sàng. Chỉ còn 4 người còn có triệu chứng sau 2 tuần. (2)
3) Điều này là một vấn đề khó xử cho bác sĩ điều trị, vì nếu có hóc xương, ví dụ trong thực quản, lủng thực quản (perforation of the esophagus), gây nhiễm trùng sau đó, mà bác sĩ không giải quyết, có thể tai hại, hay đe dọa tính mạng bệnh nhân.
4) Trong trường hợp chúng ta bàn ở đây, bệnh nhân đã được bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng tại bệnh viện khám, chụp hình X quang và nội soi ít nhất là 4 lần, là điều hiếm xảy ra cho một trường hợp như vậy. Nội soi, cũng như X quang cũng có những cơ nguy (risk) của riêng nó.
Hơn nữa, nếu bệnh nhân bị nghi hóc xương thật sự lúc ban đầu, có ba kịch bản đã xảy ra:
a) Xương đã đi qua đường tiêu hoá
b) Xương còn đâu đó, mà không gây biến chứng gì cả ngoài việc làm bệnh nhân nuốt đau, cho đến hai năm sau.
Khả năng này khó xảy ra (xác suất rất thấp), vì nếu còn sót xương và gây biến chứng (ví dụ gây áp xe họng, lủng thực quản) đa số triệu chứng xuất hiện trong hai tuần đầu.
c) Không còn mắc xương, nhưng bệnh nhân bị ám ảnh bởi cơn đau do biến cố mắc xương.
5) Globus sensation;( globus pharyngeus; globus hystericus)
Một số bệnh nhân khá đông có cảm giác dai dẳng rằng một vật gì đó (một cục đàm, cục bướu hay vật lạ) hiện diện trong họng của mình, chạy lên xuống trong cổ, lúc nhiều lúc ít, nhưng không đau, nuốt không khó trong lúc bác sĩ khám, theo dõi, và thử nghiệm thì không thấy gì bất thường cả.
Trước đây người ta gọi là globus hystericus vì người ta nghĩ đây là hiện tượng hysteria, trong đó một rối loạn trên bình diện tâm lý được biểu hiện thành một triệu chứng vật thể (psycho-somatic manifestation).
Hiện nay,, người ta nghĩ rằng, bệnh này cũng có những cơ sở vật thể, về sinh lý (physiologic) cũng như cơ thể học (anatomic). Bệnh có thể đi đôi với bệnh tràn dịch dạ dày lên thực quản (gastroesophageal reflux) hay bệnh viêm họng (viêm hầu, viêm thanh quản (laryngopharyngitis).
6) Chúng ta không thể chẩn đoán trên chương trình này được. Tuy nhiên, theo vị thính giả mô tả, các dấu hiệu có vẻ chủ quan nhiều hơn là khách quan, nêu lên khả năng về yếu tố tâm lý sâu xa hơn là cảm giác cái xương cá vẫn còn đó. Vd: “cháu thấy cái xương cá nó vẫn tồn tại trong họng của cháu, cháu cảm thấy rất khó chịu trong cổ họng, tức ngực, thiếu oxy.”
Có một tình trạng mà y giới nay gọi là "health anxiety" ("lo âu về sức khoẻ") hay hypochondria (bệnh tưởng), làm bệnh nhân chú tâm quá nhiều về một vấn đề sức khoẻ nào đó với những triệu chứng mà y giới không thể nào giải thích được. Những người này lo âu quá nên không sinh hoạt, làm ăn bình thường, cộng thêm các tốn kém, các cơ nguy do họ phải đi khám nhiều bác sĩ khác nhau, chịu nhiều thủ thuật (nội soi, thử máu, thử thịt, giải phẫu) không cần thiết, không phối hợp giữa các bác sĩ, nên có thể lập đi lập lại vô ích, hay ngược chiều (trống đánh xuôi, kèn thổi ngược).
Tóm lại, có lẽ đến lúc vị thính giả nên tìm đến bác sĩ gia đình hay nội thương, đem theo tất cả kết quả các lần khám trước đây, để bác sĩ đánh giá toàn bộ, bao quát hơn (xét về khía cạnh tâm lý, thể chất cũng như xã hội của mỗi người bệnh; holistic approach) với vấn đề sức khoẻ của bệnh nhân. Có thể bs cần chữa những bệnh liên hệ, nếu có. Ví dụ dùng thuốc proton inhibitor như omeprazole (Prilosec, Prevacid), đổi cách ăn uống để giảm triệu chứng tràn dịch thực quản, là bệnh có thể làm viêm họng mãn tính, xót ruột, cho cảm giác đàm trong cổ.
Hy vọng bác sĩ gia đình cũng chăm chú hơn về những lo âu của bệnh nhân (ví dụ, bệnh nhân có người trong gia đình chết vì tai biến liên hệ đến cổ họng, đường tiêu hoá). Bác sĩ cũng có thể tư vấn, dùng tâm lý trị liệu, dùng những thuốc để trị dấu hiệu lo lắng quá đáng, hay trị trầm cảm (depression) nếu có.
Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền.
1) Sheng-Der Hsu, De-Chuan Chan, Yao-Chi Liu
Small bowel perforation caused by fish bone.
http://www.wjgnet.com/1007-9327/11/1884.pdf
2) Knight and Lessler. Fishbones in the throat
Archives of Emergency Medicine, 1989, 6, 13-16
http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1285551/pdf/archemed00021-0021.pdf
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền.
-----------------------------------------
Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại dành cho mục Hỏi đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ Ba và thứ Năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi qua điện thư ở địa chỉ Vietnamese@voanews.com.