Các nhà lập pháp Georgia hôm 14/12 bầu Mikheil Kavelashvili, một người chỉ trích kịch liệt phương Tây, làm tổng thống, đưa ông lên thay thế một người đương nhiệm thân phương Tây trong bối cảnh các cuộc biểu tình lớn chống lại chính phủ về việc dừng các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu của nước này vào tháng trước.
Động thái của đảng cầm quyền Giấc mơ Georgia nhằm đóng băng quá trình gia nhập EU cho đến năm 2028 đã đột ngột dừng một mục tiêu quốc gia lâu đời được ghi vào hiến pháp của nước này và việc đó đã gây ra sự phẫn nộ rộng rãi ở Georgia, nơi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự ủng hộ áp đảo cho việc tìm kiếm tư cách thành viên EU.
Ông Kavelashvili, một cựu cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, có quan điểm chống phương Tây mạnh mẽ, thường là thuyết âm mưu. Trong các bài phát biểu trước công chúng năm nay, ông đã nhiều lần cáo buộc rằng các cơ quan tình báo phương Tây đang tìm cách đẩy Georgia vào cuộc chiến với Nga, quốc gia đã cai trị Georgia trong 200 năm cho đến năm 1991.
Hàng trăm người biểu tình đã tụ tập trong khi tuyết rơi nhẹ bên ngoài quốc hội trước cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống. Một số người chơi bóng đá trên phố bên ngoài và giơ thẻ đỏ hướng về phía tòa nhà quốc hội, một sự ám chỉ chế giễu đến sự nghiệp thể thao của ông Kavelashvili.
Một người biểu tình có tên Vezi Kokhodze mô tả cuộc bỏ phiếu là "phản quốc" chống lại những gì ông cho là mong muốn hòa nhập với phương Tây của người Georgia.
"Cuộc bầu cử hôm nay thể hiện mong muốn rõ ràng của hệ thống là đưa Georgia trở lại cội nguồn Liên Xô", ông nói.
Các tổng thống Georgia được bầu bởi một nhóm cử tri gồm các đại biểu quốc hội và đại diện của chính quyền địa phương. Trong số 225 cử tri có mặt, 224 người đã bỏ phiếu cho ông Kavelashvili, vốn là ứng cử viên duy nhất được đề cử.
Tất cả các đảng đối lập đã tẩy chay quốc hội kể từ cuộc bầu cử vào tháng 10, trong đó kết quả chính thức cho thấy đảng Giấc mơ Georgia giành được gần 54% số phiếu bầu, nhưng phe đối lập cho rằng đó là gian lận.
Ông Kavelashvili đã được Bidzina Ivanishvili, một cựu thủ tướng tỷ phú, đề cử vào chức vụ tổng thống mang tính nghi lễ vào tháng trước. Ông Ivanishvili được nhiều người coi là nhà lãnh đạo tối cao của đất nước và đã có động thái thắt chặt quan hệ với nước láng giềng Nga, điều mà các cuộc thăm dò cho thấy nhiều người Georgia không thích.
Ông Kavelashvili là lãnh đạo của nhóm Quyền lực Nhân dân, một nhóm ly khai chống phương Tây của đảng cầm quyền, và là đồng tác giả của luật về "các tác nhân nước ngoài" vốn yêu cầu các tổ chức nhận được hơn 20% nguồn tài trợ từ nước ngoài phải đăng ký là tác nhân nước ngoài gây ảnh hưởng và áp dụng các khoản tiền phạt nặng đối với các hành vi vi phạm.
Tổng thống sắp mãn nhiệm Salome Zourabichvili, một người thân EU và chỉ trích đảng cầm quyền Giấc mơ Georgia, đã tự định vị mình là một nhà lãnh đạo của phong trào phản đối và tuyên bố bà sẽ vẫn là tổng thống sau khi nhiệm kỳ của bà kết thúc. Bà coi quốc hội là bất hợp pháp do cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử tháng 10.
Trong một bài đăng trên X ngay trước cuộc bỏ phiếu, bà Zourabichvili nói rằng cuộc bầu cử của người kế nhiệm bà là "một sự chế nhạo đối với nền dân chủ".
Các đảng đối lập đã nói rằng họ sẽ tiếp tục coi bà Zourabichvili là tổng thống hợp pháp, ngay cả sau khi ông Kavelashvili nhậm chức vào ngày 29/12.
Trong một cuộc họp báo sau cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Irakli Kobakhidze đã chúc mừng ông Kavelashvili và gọi tổng thống sắp mãn nhiệm là "tác nhân" của các thế lực nước ngoài không xác định.
Quan hệ với phương Tây xấu đi
Georgia trong nhiều thập kỷ đã được coi là một trong những quốc gia kế thừa Liên Xô theo đường lối ủng hộ phương Tây và dân chủ nhất, nhưng mối quan hệ với phương Tây đã trở nên tồi tệ trong năm nay, với việc đảng Giấc mơ Georgia áp đặt luật lệ về các tác nhân nước ngoài và quyền của người LGBT mà những người chỉ trích cho rằng lấy cảm hứng từ Nga và hà khắc.
Các nước phương Tây đã lên tiếng báo động về sự thay đổi chính sách đối ngoại rõ ràng và sự chuyển hướng độc đoán của Georgia, với việc EU đe dọa trừng phạt vì đàn áp các cuộc biểu tình khiến hàng trăm người bị bắt.
Kể từ khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine, đảng Giấc mơ Georgia đã có động thái cải thiện quan hệ với Nga, vốn là quốc gia ủng hộ hai khu vực ly khai của Georgia và đã đánh bại Georgia trong cuộc chiến kéo dài 5 ngày vào năm 2008.
Hàng chục nghìn người biểu tình đã tập trung bên ngoài tòa nhà quốc hội vào ban đêm trong hơn 2 tuần qua. Một số người đã ném pháo hoa vào cảnh sát trong khi lực lượng này đã sử dụng vòi rồng và hơi cay để giải tán các cuộc biểu tình.
Chính phủ đã nhiều lần tuyên bố các cuộc biểu tình là nỗ lực dàn dựng một cuộc cách mạng ủng hộ EU và giành quyền lực một cách bạo lực.
Bộ Nội vụ Georgia cho biết hơn 150 sĩ quan đã bị thương trong các cuộc biểu tình.
Diễn đàn