Nga đang rút quân khỏi tiền tuyến ở miền bắc Syria và khỏi các đồn trú đóng ở dãy núi Alawite nhưng không rời khỏi hai căn cứ chính của họ tại quốc gia này sau khi Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ, theo bốn quan chức Syria nói với Reuters.
Việc lật đổ ông Assad, người cùng với người cha quá cố của mình – cựu Tổng thống Hafez al-Assad – tạo dựng lên một liên minh chặt chẽ với Moscow, đã đặt tương lai của các căn cứ của Nga, gồm căn cứ không quân Hmeimim ở Latakia và cơ sở hải quân Tartous, vào sự không chắc chắn.
Cảnh quay vệ tinh từ ngày 13/12 cho thấy có vẻ như có ít nhất hai chiếc Antonov AN-124, một trong những máy bay chở hàng lớn nhất thế giới, tại căn cứ Hmeimim với phần đầu máy bay mở ra, dường như đang chuẩn bị chất hàng.
Một quan chức an ninh Syria đồn trú bên ngoài cơ sở này cho biết rằng có ít nhất một máy bay chở hàng đã bay ra ngoài hôm 14/12 để đến Libya.
Các nguồn tin quân sự và an ninh Syria có liên lạc với phía Nga cho Reuters biết rằng Moscow đang rút quân khỏi tiền tuyến và rút một số thiết bị hạng nặng cùng các sĩ quan cấp cao của Syria.
Nhưng theo các nguồn tin, vốn yêu cầu giấu tên do tính nhạy cảm của sự việc, Nga không rút khỏi hai căn cứ chính và hiện không có ý định làm như vậy.
Một số thiết bị cũng như các sĩ quan cấp cao của quân đội Assad đang được chuyển trở lại Moscow nhưng mục tiêu ở giai đoạn này là tập hợp lại và triển khai lại theo diễn biến trên thực địa, theo một sĩ quan cấp cao của quân đội Syria có liên hệ với quân đội Nga cho Reuters biết.
Một quan chức cấp cao của phe nổi dậy thân cận với chính quyền lâm thời mới nói với Reuters rằng vấn đề về sự hiện diện của quân đội Nga tại Syria và các thỏa thuận trước đây giữa chính phủ Assad và Moscow không được thảo luận.
"Đây là vấn đề của các cuộc đàm phán trong tương lai và người dân Syria sẽ có tiếng nói cuối cùng", quan chức này cho biết, đồng thời nói thêm rằng Moscow đã thiết lập các kênh liên lạc.
"Các lực lượng của chúng tôi hiện cũng đang ở rất gần các căn cứ của Nga tại Latakia", quan chức này nói mà không giải thích thêm.
Điện Kremlin cho biết Nga đang thảo luận với những người cai trị mới của Syria về các căn cứ của họ ở đây. Bộ Quốc phòng Nga không trả lời yêu cầu bình luận về ghi nhận của Reuters.
Một nguồn tin giấu tên của Nga cho biết các cuộc thảo luận với những lãnh đạo mới của Syria vẫn đang diễn ra và Nga không rút khỏi các căn cứ của mình.
Reuters không thể ngay lập tức xác định được liệu thủ lĩnh phiến quân Syria Ahmad al-Sharaa – hay còn gọi là Abu Mohammed al-Golani – nhìn nhận tương lai lâu dài của các căn cứ của Nga như thế nào.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã can thiệp vào cuộc nội chiến Syria năm 2015 để hỗ trợ ông Assad khi phương Tây kêu gọi lật đổ ông, đã cấp cho ông Assad quyền tị nạn tại Nga sau khi Moscow giúp ông chạy khỏi Syria hôm 8/12.
Các căn cứ Nga ở Syria
Moscow đã ủng hộ Syria kể từ đầu Chiến tranh Lạnh và đã công nhận nền độc lập của nước này vào năm 1944 khi Damascus tìm cách lật đổ chế độ thực dân của Pháp. Phương Tây từ lâu đã coi Syria là vệ tinh của Liên Xô.
Các căn cứ ở Syria là một phần không thể thiếu trong sự hiện diện quân sự toàn cầu của Nga: căn cứ hải quân Tartous là trung tâm sửa chữa và tiếp tế duy nhất của Nga ở Địa Trung Hải, trong khi Hmeimim là một trạm trung chuyển chính cho hoạt động quân sự và lính đánh thuê ở Châu Phi.
Theo các nguồn tin tình báo phương Tây và quân đội Syria, Nga cũng có các trạm nghe lén ở Syria, được điều hành cùng với các trạm tín hiệu của Syria.
Cơ sở Tartous có từ năm 1971 và sau khi Nga can thiệp vào cuộc nội chiến để giúp ông Assad, Moscow đã được cấp hợp đồng thuê miễn phí trong 49 năm vào năm 2017.
Yoruk Isik, một nhà phân tích địa chính trị có trụ sở tại Istanbul và cũng là người điều hành trang tin Bosphorus Observer, nhận định rằng Nga có thể đã gửi máy bay chở hàng ra khỏi Syria qua Kavkaz, sau đó đến căn cứ không quân Al Khadim ở Libya.
Một nhà báo của Reuters cho biết rằng trên đường cao tốc nối căn cứ không quân Hmeimim với căn cứ ở Tartous, có thể nhìn thấy một đoàn xe chiến đấu bộ binh và xe hậu cần của Nga đang hướng về phía căn cứ không quân.
Đoàn xe đã dừng lại do một trong những chiếc xe của đoàn bị trục trặc, với những người lính đứng cạnh xe và đang sửa chữa sự cố.
"Cho dù là Nga, Iran hay chính phủ trước đây vốn đã áp bức chúng tôi và phủ nhận quyền của chúng tôi ... chúng tôi không muốn bất kỳ sự can thiệp nào từ Nga, Iran hay bất kỳ sự can thiệp nước ngoài nào khác", Ali Halloum, một người dân đến từ Latakia và sống tại Jablah, nói với Reuters.
Tại Hmeimim, Reuters nhìn thấy những người lính Nga đi bộ xung quanh căn cứ như bình thường và máy bay phản lực trong nhà chứa máy bay.
Hình ảnh vệ tinh do Planet Labs chụp vào ngày 9/12 cho thấy ít nhất ba tàu trong hạm đội Địa Trung Hải của Nga – gồm hai khinh hạm có tên lửa dẫn đường và một tàu chở dầu – neo đậu cách Tartous khoảng 13 km về phía tây bắc.
Diễn đàn