Dịch giả và nhà thơ danh tiếng Dương Tường, người có công chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học lớn của thế giới như “Cuốn theo chiều gió” cũng như mang văn hóa Việt ra thế giới, được người thân, bạn bè và những độc giả hâm mộ ông tiễn đưa lần cuối trong lễ tang của ông tại Hà Nội hôm 1/3.
Ông Dương Tường, người cũng đã dịch Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du ra tiếng Anh, qua đời ngày 24/2 sau khi dành hơn hai tháng cuối đời tại Bệnh viện Quân y 108 ở Hà Nội, để lại người vợ và ba người con. Ông mất sau một thời gian điều trị do tuổi cao, sức yếu, thọ 91 tuổi.
Chị Vũ My Lan, người gọi ông Dương Tường là bố nuôi và là con gái ruột của nhà văn Vũ Thư Hiên, cho biết lễ tang của ông diễn ra tại Nhà tang lễ Quốc gia ở Trần Thánh Tông với hàng trăm người, chủ yếu là giới văn sỹ, đến viếng. Chị My Lan cùng bố đẻ chị mang theo vòng hoa tiễn biệt với dòng chữ “Vũ Thư Hiên khóc Dương Tường” tới lễ tang hôm 1/3.
Trên trang Facebook cá nhân, nhà văn Vũ Thư Hiên, tác giả cuốn hồi ký “Đêm giữa ban ngày” bị cấm lưu hành ở Việt Nam, bày tỏ nỗi buồn khi biết tin người mà ông gọi là “bạn ruột” ra đi hôm 24/2. Nhà văn từng bị chính quyền Việt Nam bỏ tù trong vụ án “Xét lại chống Đảng” cuối thập niên 1960 đầu thập niên 1970, viết rằng “Dương Tường ơi! Thế là mày đã bỏ bạn bè mà nhẹ bước ra đi rồi…Tao gạt nước mắt vẫy tay tiễn mày lên đường.”
Nhiều người trong giới văn sỹ cũng bày tỏ cảm xúc của mình trên mạng xã hội khi biết tin dịch giả Dương Tường ra đi.
Nhà văn Phạm Thị Hoài, người đang sống lưu vong ở Đức, gọi ông là “bạn văn đầu tiên” và “nhà phê bình đầu tiên” của bà. “Vĩnh biệt ông, Dương Tường, nhà thơ, dịch giả, người bạn đường và người bạn lòng của văn nghệ sỹ nhiều thế hệ,” bà viết trong một đăng tải trên trang Facebook cá nhân hôm 24/2.
Trong cuộc đời của mình, ông Dương Tường, người tự học tiếng Anh và tiếng Pháp khi trong quân ngũ, dịch hơn 50 tác phẩm từ nhiều thứ tiếng của nhiều nền văn học, trong đó có Mỹ, Nga, Đức và Nhật Bản. Một số tác phẩm nổi tiếng mà ông biên dịch còn gồm có “Đồi gió hú” của Emily Bronte, Anna Kerenina của Lev Tolsstoy và nhiều vở kịch của văn hào Shakespeare.
Nhà thơ và dịch giả Dương Tường, có tên thật là Trần Dương Tường, sinh ra và lớn lên ở Nam Định rồi sau đó học trung học ở Hà Nội. Ông theo kháng chiến và tham gia cùng quân Bắc Việt năm 1949. Sau khi giải ngũ năm 1955, ông trở thành phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam. Từ năm 1967 đến khi về hưu năm 1979, ông làm biên dịch tại “Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam” của chính quyền Hà Nội. Sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục theo đuổi sự nghiệp văn chương của mình.
Chị My Lan cho biết điều mà chị nhớ nhất về bố nuôi của chị là “khát khao được làm việc, được cống hiến” của ông. Trong những năm cuối đời, ông Dương Tường gần như không nhìn thấy gì, theo chị My Lan cho biết và nói rằng ông vẫn tiếp tục cố gắng để hoàn tất việc dịch Truyện Kiều.
“Để dịch Kiều phần cuối, bố (Dương Tường) phải nhờ một bạn trẻ đọc từng đoạn Kiều và ghi âm lại, từ đó bố dịch từng đoạn theo trí nhớ sau khi nghe đoạn nghi âm,” chị My Lan nói và cho biết ông “cũng phải học viết lại từng chữ, nối các chữ thành từ và viết sao cho thẳng hàng khi mắt hầu như không còn nhìn thấy gì.”
Chị My Lan ca ngợi ông là “tấm gương về vượt lên số phận, nhích từng chút một qua khó khăn, tha thiết với đời, tha thiết với người.”
Phiên bản Truyện Kiều bằng tiếng Anh của ông Dương Tường được ca ngợi là đã góp công đưa văn học Việt Nam ra thế giới.
Ông sáng tác gần 40 bài thơ tình, trong đó nổi tiếng nhất là “Tình khúc 24.”
Ngoài giới văn nghệ sỹ, những người biết và ngưỡng mộ nhà thơ-dịch giả Dương Tường cũng bày tỏ nỗi buồn trước tin ông ra đi.
“Con người này, khi sống không phải kẻ quảng giao, không quá nhiều bằng hữu, nhưng tôi tin trong lòng mỗi độc giả Việt Nam vẫn giữ lại hình ảnh ông, con người tần tảo/tận tụy mang tới cho cuộc đời này nhiều nhứt có thể những gì tinh sạch đẹp đẽ trong chọn lựa của ông,” cựu phóng viên báo Thanh Niên Ngô Thị Kim Cúc viết trên trang Facebook cá nhân.
Diễn đàn