Khi Việt Nam và Indonesia thống nhất về một hiệp định phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) chồng lấn giữa hai nước vào năm 2022, hai quốc gia Đông Nam Á đã tạo ra một bước đi quan trọng để giải quyết được tranh chấp trên biển giữa các nước láng giềng.
Theo các nhà phân tích, xung đột giữa các nước trong khu vực cùng có tuyên bố chủ quyền trên biển được xem là đã cản trở việc thành lập được một mặt trận thống nhất chống lại các yêu sách bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hiệp định này, tuy nhiên, còn cần phải có sự phê chuẩn của quốc hội của hai nước trước khi có hiệu lực.
Tổng thống Indonesia Prabowo Subiano hôm 15/11 đã cam kết với Chủ tịch nước mới của Việt Nam Lương Cường rằng chính phủ của ông sẽ đẩy nhanh quá trình phê chuẩn hiệp định phân định EEZ vốn đã được thỏa thuận trước đó giữa hai quốc gia.
“Chúng tôi cam kết đẩy nhanh quá trình phê chuẩn vùng đặc quyền kinh tế,” ông Prabowo được hãng thông tấn Indonesia Antara trích lời nói với ông Cường khi gặp mặt bên lề Thượng đỉnh APEC ở thủ đô Lima của Peru. “Tất nhiên, chúng tôi cũng sẽ cần xây dựng các quy định về việc thực hiện (thỏa thuận).”
Indonesia vào năm 2009 đưa ra tuyên bố rằng đã xuất hiện một vùng chồng lấn về vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ khi Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố về việc hoàn tất đàm phán phân định EEZ, việc làm rõ vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Indonesia rất quan trọng, vì đây là cơ sở để xem xét việc các ngư dân Việt Nam bị phía Indonesia cáo buộc “đánh bắt cá trên vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.”
Cùng nhau khai thác
Việt Nam và Indonesia trong nhiều năm đã tìm cách giải quyết các yêu sách chồng lấn về EEZ ở vùng biển xung quanh quần đảo Natuna trên Biển Đông. Mặc dù hai quốc gia đã ký một thỏa thuận về ranh giới thềm lục địa vào năm 2003 nhưng ranh giới EEZ giữa hai nước còn bị tranh chấp, phần lớn là do các quan điểm pháp lý khác nhau về cách thiết lập ranh giới này. Sau 12 năm đàm phán, hai bên đã ký được hiệp định vào tháng 12/2022.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vào tháng 10 năm ngoái đã thúc giục việc phê chuẩn hiệp định phân định EEZ giữa hai nước khi gặp Tổng thống Widodo bên hề Hội nghị Cấp cao ASEAN-GCC tại Ả Rập Xê-út.
Một báo cáo lưu hành nội bộ của Cục An ninh Nội địa thuộc Bộ Công an Việt Nam hồi tháng 5 cho thấy Hà Nội và Jakarta đã bước vào giai đoạn “then chốt” của cuộc đàm phán “Thỏa thuận thực thi áp dụng đối với khu vực chồng lấn quyền tài phán” giữa hai nước.
Theo LS Hoàng Việt của Ban Nghiên cứu Luật biển và hải đảo, để hiệp định này được phê chuẩn, các bên phải đàm phán để đi đến thống nhất trong việc thực hiện các phân định EEZ. Chuyên gia về luật hàng hải quốc tế này cho biết các thỏa thuận kèm theo là rất quan trọng, từ việc khai thác dầu mỏ và khí đốt cho tới hiệp định đánh cá chung.
Nếu Việt Nam và Indonesia đưa được hiệp định này vào thực tế, theo ông Việt, quan hệ hai bên sẽ tốt hơn nhiều và có thể giành được lợi ích kinh tế, bao gồm khai thác hải sản và dầu khí.
Ngoài ra, việc thống nhất được EEZ còn mang lại lợi ích về địa chính trị cho cả Việt Nam và Indonesia “trong bối cảnh Biển Đông căng thẳng mà Trung Quốc luôn vin vào cái gọi là đường lưỡi bò,” theo ông Việt.
Trung Quốc hồi tháng 8 năm ngoái đã đưa ra đường 10 đoạn, bao trùm nhiều hơn vùng biển Đông tranh chấp so với đường lưỡi bò 9 đoạn mà họ đưa ra trước đó, dù đã bị tòa trọng tài quốc tế ở The Hague phán quyết là vô giá trị.
“Đường lưỡi bò này chiếm rất nhiều – không những 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam mà cả vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng nằm trong đường lưỡi bò này,” LS Việt nói. “Và Indonesia cũng vậy, mặc dù Indonesia không liên quan đến việc tranh chấp chủ quyền với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, nhưng Natuna, vùng có nhiều dầu mỏ và khí đốt của họ cũng bị nằm trong đường lưỡi bò này của Trung Quốc.”
Đoàn kết hơn trước Trung Quốc
Trung Quốc và Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) trong hơn 20 năm qua đã tìm cách đưa ra một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông để giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh hải nhưng không thể đi đến một thống nhất nào. Theo LS Việt, Trung Quốc muốn đàm phán với từng nước một thay vì với cả khối, mà theo đó sẽ có lợi cho Bắc Kinh.
“Trung Quốc đang tìm cách chia rẽ ASEAN cũng như tìm cách để chọn ra những thỏa thuận song phương với từng bên – như vậy Trung Quốc sẽ nắm được ưu thế vì là một nước lớn,” LS Việt nói.
Do đó, theo LS Việt, một hiệp định phân định EEZ giữa Việt Nam và Indonesia, trong đó hai bên thống nhất được việc khai thác chung từ dầu khí đến đánh cá, “sẽ là một tiền lệ rất tốt để giải quyết những tranh chấp nội bộ dẫn tới việc hai bên có thể cùng với nhau xem xét cùng đưa ra áp lực đối với Trung Quốc.”
“Thêm nữa, việc Việt Nam và Indonesia cùng hợp tác khai thác dầu mỏ và khí đốt rồi thỏa thuận được vùng đánh cá chung là hành động đáp trả chứng tỏ rằng đường lưỡi bò của Trung Quốc là không có giá trị,” LS Việt nói.
Theo luật quốc tế, vùng đặc quyền kinh tế bao gồm vùng biển trải dài 200 hải lý từ bờ biển của một quốc gia, nơi họ được độc quyền khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong đó.
Jill Goldenziel, giáo sư tại Trường Đại học Quốc phòng Quốc gia Hoa Kỳ, cũng xem hiệp định phân định EEZ mà Việt Nam và Indonesia đã thỏa thuận được là một dấu hiệu cho thấy “các quốc gia láng giềng của Trung Quốc đang tìm cách giải quyết những tranh chấp hàng hải thông qua các tiến trình pháp lý và cuối cùng là theo Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS).”
“Chúng ta đang thấy Indonesia và Malaysia, Indonesia và Việt Nam cùng giải quyết được những tranh chấp hàng hải theo UNCLOS. Việt Nam cũng đã đồng ý đàm phán với Philippines để giải quyết những tuyên bố hàng hàng chồng lấn của họ ở Trường Sa,” bà Goldenziel, cũng là một chuyên gia về luật quốc tế, nói khi ngụ ý đến phản ứng của Việt Nam sau khi Philippines đệ đơn xác định ranh giới ngoài thềm lục địa của họ ở Biển Đông hồi tháng 6.
Nhưng việc các nước láng giềng của Trung Quốc đoàn kết xung quanh UNCLOS đang làm cho Bắc Kinh “khó chịu.”
“Sau khi Indonesia và Việt Nam ký hiệp định (phân định EEZ) và cả sau khi Indonesia và Malaysia ký hiệp định của họ, Trung Quốc đã đưa tàu vào để phản đối. Họ đưa tàu vào khu vực mà đường 9 đoạn chồng lên các ranh giới đó,” GS Goldenziel nói.
Theo vị chuyên gia về luật quốc tế, không chỉ Việt Nam và Indonesia sẽ đoàn kết hơn mà tất cả các bên khác cùng có yêu sách ở Biển Đông dường như đều dùng UNCLOS làm cơ sở để giải quyết các tranh chấp và các ranh giới hàng hải của họ.
Trong cuộc gặp tại Lima hôm 15/11, theo Văn phòng Chủ tịch nước Việt Nam cho biết, ông Prabowo và ông Cường đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Diễn đàn