Phạm Xuân Đài
VOA – Bài viết này được nhà báo Phạm Xuân Đài viết và đăng lần đầu trên tạp chí Thế Kỷ 21 số 140, tháng 12 năm 2000, khi Gọng Kìm Lịch Sử của tác giả Bùi Diễm vừa được xuất bản. VOA, được sự đồng ý của tác giả Phạm Xuân Đài, đăng lại bài này nhân ngày cựu Đại Sứ Bùi Diễm qua đời.
***
Nếu Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên là một cuốn Hồi ký chính trị của một người không làm chính trị từng sống trong lòng chế độ cộng sản, thì Gọng Kìm Lịch sử đích thực là hồi ký của một chính trị gia, đứng trong phía quốc gia. Năm 1987 ông đã cho xuất bản cuốn In the Jaws of History viết bằng tiếng Anh, và Gọng Kìm Lịch sử, viết xong vào đầu năm 1999, là hậu thân của cuốn In the Jaws of History, hoàn toàn viết lại bằng tiếng Việt với các tình tiết Việt Nam và thêm một số tài liệu mới tìm thấy.
Ông Bùi Diễm, sinh năm 1923, con trai thứ của học giả Bùi Kỷ, cháu của học giả Trần Trọng Kim, từ tuổi thanh niên, vào đầu thập niên 40, đã tham gia vào phong trào dành độc lập cho Việt Nam. Từ đó ông đi vào cuộc đời hoạt động chính trị, chứng kiến các trôi nổi của lịch sử từ nhiều vị trí đặc biệt: có mặt tại Huế khi nội các Trần Trọng Kim thành lập, yết kiến Quốc trưởng Bảo Đại năm 1949 tại Đà lạt, theo dõi Hội nghị Genève 1954, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng 1965, Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ từ 1967 đến 1972, Quan sát viên đặc biệt tại Hòa đàm Paris 1968, Đại sứ Lưu động 1973-1975.
Tác giả bắt đầu các hồi ức về đời mình ở Chương 2, lúc còn là một học sinh tiểu học nhưng đã mơ tưởng đến những chuyện đi xa, đến những nơi mới lạ để tìm hiểu thế giới rộng lớn, và kết thúc ở Chương 37 với nhan đề “Thay lời kết, Lịch sử còn dài...” Ngay ở Chương 2, ông đã cho thấy ảnh hưởng chính trị đã đến với ông rất sớm khi ông vào học trường trung học tư thục Thăng Long, nơi mà ban giáo sư gồm những tên tuổi như Phan Thanh, Đặng Thái Mai, Hoàng Minh Giám, Trần Văn Tuyên, Võ Nguyên Giáp... và tôi lớn lên trong bầu không khí đó, và dần dần ý thức được rằng dưới bộ mặt phẳng lặng của đời sống học đường là những đợt sóng ngầm đang chuyển động mạnh. Lúc bấy giờ là cuối thập niên 30 của thế kỷ 20, những người yêu nước Việt Nam, dưới nhiều khuynh hướng khác nhau, đang vận động để thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Và từ đó, ông đã từ từ được dắt dẫn tham gia vào một đảng phái quốc gia, đối lập với khuynh hướng cộng sản vào thời đó cũng đang phát triển mạnh.
Lịch sử cuộc đấu tranh cho độc lập nước nhà của người quốc gia Việt Nam trong thế kỷ 20 là lịch sử của sự thất bại. Từ các cuộc khởi nghĩa võ trang và các vận động duy tân hay Đông du của các cụ hồi đầu thế kỷ, đến Việt Nam Quốc Dân đảng của Nguyễn Thái Học, rồi đến các đảng phái quốc gia trong trận thế vừa chống thực dân vừa chống phong trào cộng sản quốc tế quãng giữa thế kỷ, và sau cùng, khi người quốc gia đã có được nửa nước Việt Nam phía Nam lại cũng thất bại khi chống đỡ với cuộc xâm lăng của phe Cộng sản từ phía Bắc tràn xuống. Từ thập niên 40 trở đi thế trận đấu tranh giành độc lập trở nên phức tạp vì sự có mặt của đảng Cộng sản, một đảng cách mạng dày dạn chuyên nghiệp có hậu thuẫn quốc tế và nhất quyết đoạt sự độc tôn, trong khi người quốc gia chỉ tiếp tục các phương thức đấu tranh truyền thống, luôn luôn tỏ ra lép vế trong phương thức và đòn phép, mặc dù tinh thần yêu nước và hy sinh không thiếu.
Gọng Kìm Lịch sử chính là lịch sử của một người quốc gia trưởng thành vào đúng thời điểm gay go nhất mở màn cho sự đụng độ quốc gia - cộng sản, và bị cuốn theo suốt ba mươi năm, luôn luôn ở những vị thế thuận lợi để có thể tham gia vào những hoạt động cao cấp và từ đó có thể có một cái nhìn tổng thể.
Đó là một con người ưu tú và cũng rất nhiều may mắn để có thể sống trọn vẹn trong từng giai đoạn, hoạt động hết mình, gìn giữ đầy đủ tài liệu, để khi kể lại các hoạt động chính trị của đời mình thì những trang hồi ký ấy có thể xem là đặc trưng cho cuộc đời tranh đấu của một con người quốc gia, hoặc một phần của “phe quốc gia.” Tác giả dẫn chúng ta đi từ những năm đầu thập niên 40 với quân Nhật và máy bay Mỹ, các biến cố lớn lao năm 1945, đi tản cư và về lại Hà Nội, giải pháp Bảo Đại, hiệp định Genève, miền Nam với Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa, và đặc biệt, hào hứng và căng thẳng nhất là giai đoạn tác giả làm Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ với các liên hệ phức tạp, đa phương với chính giới Hoa Kỳ, cho mãi tới ngày miền Nam sụp đổ. Vì là hồi ký của một cá nhân, tác giả luôn luôn là một “nhân vật” trong đó, nhưng không phải là một nhân vật trung tâm, đó là điều dễ chịu nhất cho người đọc khi theo dõi một cuốn hồi ký loại này. Qua chuyện kể của mình tác giả giúp chúng ta hiểu rõ về tình hình một giai đoạn, về những biến cố hay nhân vật, với một lối trình bày thấu đáo và một văn phong thành thực, trong sáng.
Năm 1949, 26 tuổi, ông đã hai lần được tiếp xúc với Quốc trưởng Bảo Đại, và đã có những nhận xét: ... sau chuyến đi Đà Lạt, tôi không còn nhiều ảo tưởng về ông như trước nữa. Thực ra về phương diện cá nhân, cũng như nhiều người khác có dịp gần ông tôi có rất nhiều cảm tình đối với ông. Ông là một ông Vua, nhưng cách cư xử của ông đối với mọi người thật là giản dị, bình dân (...) Nhưng về phương diện chính trị thì mặc dầu ông không phải là người khờ khạo hay thiếu hiểu biết, ông không có đức tính của một người lãnh đạo tạo được thời thế thuận lợi cho quốc gia dân tộc, mà chỉ là người chịu đựng cho thời thế xoay vần.
Cả cuộc đời chính trị của cựu hoàng Bảo Đại cho đến khi đóng nắp áo quan có lẽ không ra ngoài nhận xét trên đây từ mấy mươi năm trước của chàng thanh niên Bùi Diễm.
Trong chế độ Ngô Đình Diệm, ngay từ đầu, giống như bao người khác đã từng hoạt động trong các đảng phái quốc gia, Bùi Diễm nhận thấy mình bị loại ra khỏi sinh hoạt chính trị. Chỉ sự mô tả sự kiện ấy, tác giả đã cho thấy một đặc điểm của chế độ nàv, mà người ta thường gọi là gia đình trị.
Chế độ Ngô Đình Diệm dần dần được củng cố, thì bên ngoài chính quyền, các phần tử quốc gia có tinh thần độc lập như chúng tôi, bị dồn vào một thế càng ngày càng khó cựa. Mặc dầu có thiện cảm với ông Diệm ngay lúc ông trở về nước, nhiều người nhận thấy khó mà giúp ông vì chính ông cũng không muốn sự hợp tác đó. (...) Ông Diệm vẫn theo chính sách đóng cửa, và giữ thái độ nghi kỵ nếu không nói là khinh rẻ đối với các giới chính trị, trong khi đó thì ông Nhu lặng lẽ xây dựng một bộ máy để củng cố chế độ. Cũng như nhiều người khác, sau bao nhiêu năm hoạt động tôi thành một người ngoài cuộc, bị loại ra khỏi chính trường.
Đệ nhất Cộng hòa là một cơ hội hiếm có và may mắn cho người quốc gia, nhưng tiếc thay, chế độ không những đã không có lòng đoàn kết mọi người mà lại còn tiến hành chính sách cục bộ nhiều màu sắc gia đình và tôn giáo, loại trừ nhiều thành phần ưu tú đã từng dày dạn đấu tranh, nên khi chế độ đó chấm dứt thì phe quốc gia cũng đã bị phân rã, thương tích khá nhiều. Một tiết lộ ít ai ngờ tới, là phim Chúng Tôi Muốn Sống, một phim chống cộng có giá trị trong thời kỳ đầu của chế độ này, lại do chính tác giả và bạn bè, trong đó có bác sĩ Phan Huy Quát, thực hiện. Dù có sự giúp đỡ về phương diện kỹ thuật của sở Thông tin Hoa Kỳ và sự yểm trợ một số phương tiện của quân đội, phim này hoàn toàn là một phim thương mại có chủ đề chính trị, mà vốn thực hiện thì do tôi xoay xở, rủ người này người khác, vay mượn nơi này nơi khác.
Sau chế độ Ngô Đình Diệm là giai đoạn sôi nổi nhất của tác giả. Chủ trương một tờ báo tiếng Anh, Saigon Post, rồi tham chính, làm bộ trưởng trong chính phủ Phan Huy Quát, rồi Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ. Năm 1963 ông vừa bốn mươi, tuổi vừa chín chắn vừa sung sức cho một người nắm giữ những vị trí then chốt trong chính trị. Thời sự trong những năm sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ thật vô cùng phức tạp, các phe quân nhân đảo chính với chỉnh lý liên tục, xung đột Phật giáo Công giáo, vụ Phật giáo miền Trung, Hoa Kỳ đổ quân vào Việt Nam, rồi Tết Mậu Thân, rồi hòa đàm Paris... một người trưởng thành có để ý đến tình hình vào thời đó đến nay chưa chắc có thể nhớ rõ từng biến cố, cái nào trước cái nào sau, chưa nói đến nguyên nhân và hậu quả mà chỉ có giới am tường chính trị mới có thể nắm được. Có lẽ chưa có một cuốn sách nào trình bày về giai đoạn này rõ ràng hơn khúc chiết hơn là Gọng Kìm Lịch sử. Từ vụ đảo chính tháng 11.1963 trở về sau, biến cố nào xảy ra trên chính trường Việt Nam cũng đều được tác giả kể lại rất đầy đủ chi tiết cùng nguyên ủy. Nếu thời Ngô Đình Diệm tác giả là người “đứng ngoài” thì thời kỳ sau đó ông là người “đứng trong,” cùng các liên hệ quen biết chằng chịt với mọi giới. Chúng ta sẽ bắt gặp những chuyện mà ta không thể ngờ được, ví dụ những đơn vị quân đội Mỹ đầu tiên đổ bộ Đà Nẵng vào ngày 8 tháng 3, 1965, thì chính quyền trung ương Việt Nam không hay biết gì cả, và ngay tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn cũng bị động, lúng túng.
Cũng với cái nhìn đầy đủ và nhạy bén ấy, tác giả đi vào chính giới Hoa Thịnh Đốn, khi được cử làm Đại sứ tại đây vào năm 1966. So với các vị “được làm vua, thua làm đại sứ” tiền nhiệm thì đại sứ Bùi Diễm mới đích thực là một sứ thần đại diện xứng đáng cho Việt Nam nơi một quốc gia đồng minh đang có liên hệ sống chết với nước mình. Qua các hoạt động được mô tả lại, người ta thấy sự quen biết rộng rãi của ông trong chính giới và giới báo chí Hoa Kỳ, sự nhạy bén, sáng suốt và tinh thần trách nhiệm của ông khi phải đối phó liên tục với tình thế biến đổi không ngừng trên chính trường Hoa Kỳ cũng như chiến trường và chính trường Việt Nam. Là một nhà chính trị, ông còn là một học giả, về cuộc chiến Việt Nam, ngoài việc thường xuyên cọ xát trực tiếp với những nhân vật đầu não trong chính quyền Hoa Kỳ thời bấy giờ, ông đã sưu tầm rất nhiều tài liệu liên quan, để mong có thể hiểu được cuộc chiến tranh mà cho đến giờ phút này nhiều người vẫn thấy là còn nhiều bí ẩn.
Cuốn In the Jaws of History gồm 36 chương, khi viết lại bằng tiếng Việt để thành cuốn Gọng Kìm Lịch sử này, tác giả thêm một chương chót, 37, có tựa đề “Thay lời kết, Lịch sử còn dài...” Tác giả cho biết đã viết cuốn trên là để trả lời một số lập luận sai lầm của các nhóm thiên tả hay phản chiến trong dư luận Hoa Kỳ về cuộc chiến tại Việt Nam. Chương viết thêm này là những lời tâm sự của một người Việt Nam quốc gia đã trải qua lịch sử 30 năm từ 1945-1975. Ước vọng của người quốc gia nào cũng là mưu tìm độc lập cho Việt Nam, và rồi xây dựng một đất nước văn minh dân chủ, mà qua hai mươi năm chế độ Cộng hòa ở miền Nam coi như các tiền đề đã tạm đặt xong. Dù phe quốc gia đã thua trong cuộc chiến, lý tưởng của phe quốc gia vẫn đứng vững đến tận ngày nay, và ngày càng trở nên là ước vọng của mọi người Việt Nam chân chính, ngay cả những người một thời đã theo chủ nghĩa cộng sản. Người quốc gia đã tiếp tục giữ gìn truyền thống của dân tộc, nhờ đó mà những giá trị tinh thần còn lưu giữ được đến ngày nay qua cơn hồng thủy điên cuồng của tinh thần vô sản quốc tế mà người cộng sản đã du nhập một cách điên cuồng vào đất nước ta. Phe cộng sản thắng cuộc chiến vì đã đánh thức được cái phần bản năng cướp giật của một khối người bị trị nghèo đói lâu ngày (bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình - Quốc tế ca), đồng thời cũng che phủ lên cái mặt thú vật ấy một cái khăn choàng lý tưởng rất cao đẹp và cũng rất không tưởng.
Phe quốc gia thấy trước được tất cả nguy cơ làm sa đọa con người và cuộc sống ấy, đã chiến đấu, với tất cả hy sinh cao đẹp cũng như sự yếu kém của mình. Cuộc chiến đấu ấy đã giương cao mãi mãi những ước mơ phải đạt tới của dân tộc, cũng là ước mơ bình thường của cả loài người, đã bị chủ nghĩa cộng sản làm vẹo vọ đi trong gần suốt thế kỷ 20. Dù là sau chiến thắng 1975, Cộng sản Việt Nam tiếp tục dìm đất nước trong lạc hậu, nghèo đói và thiếu tự do, nhưng với tình hình thế giới biến chuyển vào thập niên cuối của thế kỷ 20, tác giả lại lạc quan, thấy Việt Nam đã dần dần hội đủ nhân tố để những “đột biến” có thể xảy ra. Lúc bấy giờ lý tưởng của bao thế hệ người quốc gia sẽ được thực hiện trên mảnh đất mà chỉ vì mấy chữ “độc lập, tự do, dân chủ” đã có không biết bao đau thương và xương máu đổ xuống suốt nửa thế kỷ qua.
Gọng Kìm Lịch sử đã tổng hợp được cái nhìn cho một phía, phe quốc gia, phơi bày khá chi tiết các ngóc ngách lịch sử về một giai đoạn gay go nhất. Tác giả hình như đã tự kềm chế rất nhiều tính chất chủ quan thường là có quyền có của thể loại hồi ký, để gắng đem lại sự khách quan cho cuốn sách mà như tên gọi, chính là một phần lịch sử được tái hiện. Phẩm cách của ngòi bút, sự chân thành và uyên bác của tác giả thuyết phục người đọc. Đó là một nhà chính trị có văn tài, bút pháp của ông già dặn mà tươi tắn, khoa học mà tình cảm, phô bày một cái tâm suốt đời thiết tha với nền độc lập của đất nước, đời sống tự do sung sướng cho dân tộc. Hồi ký của ông cho thấy sự dấn thân tận nhân lực của một trí thức ưu tú trong quá khứ, và tiếp tục là một lời kêu gọi và biểu dương cho lý tưởng không bao giờ lỗi thời của người quốc gia.