Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ và Trung Quốc nối lại quan hệ quân sự


Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Michael Schiffer đã đề cập tới nhu cầu thực hiện những hoạt động liên lạc thường xuyên để tránh ngộ nhận giữa quân đội hai nước
Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Michael Schiffer đã đề cập tới nhu cầu thực hiện những hoạt động liên lạc thường xuyên để tránh ngộ nhận giữa quân đội hai nước

Trung Quốc và Hoa Kỳ đã đồng ý nối lại các mối quan hệ quân sự sau khi sự tiếp xúc giữa quân đội hai nước bị Bắc Kinh cắt đứt hơn 8 tháng nay vì vụ tranh cãi liên quan tới kế hoạch của Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Thỏa thuận này được Ngũ giác đài loan báo hôm thứ tư, không lâu sau khi các giới chức Hoa Kỳ tìm cách giải tỏa sự quan tâm của Trung Quốc đối với chính sách quay lại Á châu của Hoa Kỳ.

Trong cuộc họp báo ở Ngũ giác đài hôm thứ tư vừa qua, phát ngôn viên Bộ quốc phòng Hoa Kỳ, Đại tá David Lapan, cho biết Trung Quốc đã đồng ý tham dự một phiên họp với Hoa Kỳ tại Hawaii vào trung tuần tháng 10 để bàn về các vấn đề hải quân: và một loạt những cuộc thảo luận khác sẽ diễn ra ở Washington trước cuối năm nay giữa các giới chức quân sự cấp cao của hai nước.

Tuy chưa thể cho biết những cuộc thảo luận và những hoạt động giao lưu khác có được thực hiện lại hay không, Đại tá Lapan khẳng định rằng tình trạng đóng băng của quan hệ quân sự Mỹ-Trung đã kết thúc. Ông nói thêm như sau:

“Mối quan hệ đã quay lại chỗ mà chúng tôi mong muốn. Đó là thực hiện lại những sự tiếp xúc và liên hệ giữa quân đội với quân đội. Và hiển nhiên là chúng tôi hy vọng điều này sẽ tiếp tục. Và như chúng tôi đã nhấn mạnh trong các cuộc họp vừa qua, đôi bên cần phải cố gắng để tránh xảy ra tình trạng “lúc nóng, lúc lạnh.”

Trung Quốc đã đình chỉ quan hệ quân sự với Hoa Kỳ hồi tháng giêng sau khi chính phủ Mỹ phê chuẩn kế hoạch bán cho Đài Loan những loại vũ khí trị giá hơn 6 tỉ đô la. Đó là vụ đình chỉ thứ nhì trong vòng 3 năm mà Trung Quốc thực hiện cũng vì vấn đề bán vũ khí cho Đài Loan.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài VOA, giáo sư Lưu Khanh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ quốc của Viện Nghiên cứu Vấn đề Quốc tế Trung Quốc, đã lập lại lời giải thích của Bắc Kinh về việc này:

“Trong vài năm qua hoạt động giao lưu giữa Hoa Lục và Đài Loan đã trở nên mật thiết hơn và tình hình giữa đôi bên đã hòa hoãn hơn trước rất nhiều. Trong một bối cảnh như vậy mà Hoa Kỳ lại đi bán vũ khí cho Đài Loan thì chẳng khác nào có hai anh em làm hòa với nhau mà người ngoài lại đưa dao cho người em để đâm sau lưng người anh.”

Trong khi đó, các giới chức Hoa Kỳ nói rằng kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan vốn đã được chính phủ của cựu Tổng thống George W Bush thông qua từ nhiều năm trước và họ không hiểu tại sao Trung Quốc lại có phản ứng kịch liệt như vậy.

Các giới chức Ngũ giác đài cũng không ngớt nhấn mạnh tới nhu cầu liên lạc giữa quân đội hai nước trong lúc sức mạnh quân sự của Trung Quốc gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Đại tá Lapan cho biết trong các cuộc thảo luận tại Bắc Kinh đưa tới loan báo hôm thứ tư, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng đặc trách Đông Á, ông Michael Schiffer đã đề cập tới nhu cầu thực hiện những hoạt động liên lạc thường xuyên để tránh ngộ nhận giữa quân đội hai nước. Ông Lapan nói thêm rằng Trung Quốc đã tán đồng ý kiến này:

“Tôi không thể nói thay cho họ. Nhưng chắc chắn là họ tán đồng quan điểm cho rằng những loại hình tiếp xúc như vậy và việc xây dựng mối quan hệ này là chìa khóa để xây dựng niềm tin và tránh xảy ra tình trạng ngộ nhận và tính toán sai lạc.”

Việc giảm căng trong liên hệ quân sự Mỹ-Trung được loan báo tiếp theo một số hành động của Hoa Kỳ mà các nhà quan sát cho là có mục đích giải tỏa quan tâm của Bắc Kinh đối với chính sách quay lại Á châu của Mỹ.

Trong một cuộc hội thảo tại Washington hồi đầu tuần này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á, ông Kurt Campbell tuyên bố rằng những hành động của Mỹ trong thời gian gần đây ở Đông Á hoàn toàn không có ý định kiềm chế Trung Quốc:

“Chúng tôi hoàn toàn không có ý định ngã về phe nào hoặc gây thêm căng thẳng ở biển Nam Trung Hoa. Chính sách này đại diện cho mong muốn thực hiện đối thoại và xây dựng một mức độ khả đoán. Tôi cũng muốn nói thêm là Ngoại trưởng Clinton đã trình bày lập trường của Hoa Kỳ một cách rất rõ ràng tại Diễn đàn Khu vực ASEAN. Bà Ngoại trưởng đã phát biểu như vậy sau khi một số quốc gia, hơn 10 quốc gia, đã lên tiếng về nhu cầu duy trì hòa bình và ổn định ở biển Nam Trung Hoa.”

Một số các nhà quan sát cho rằng thái độ tương đối hòa hoãn của Washington phát sinh từ vị thế kinh tế ngày càng kém so với sự lớn mạnh nhanh chóng của Trung Quốc - là nước mới đây đã qua mặt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn hàng thứ nhì thế giới.

Tiến sĩ Tất Thành Vũ, Chủ biên tạp chí “Kỹ thuật Mũi nhọn” ở Đài Loan, nhận định như sau:

“Hoa Kỳ xem Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh rất mạnh trong tương lai, thậm chí còn mạnh hơn Liên Sô của thời Chiến tranh Lạnh. Vì vậy chính phủ của Tổng thống Obama biết rất rõ là kinh tế của Mỹ sẽ gặp nhiều điều bất lợi trong trường hợp tiến hành một cuộc đối đầu trường kỳ với Trung Quốc về mặt quân sự. Sự đối kháng như vậy còn có thể gây ra mâu thuẫn về ngoại giao và chính trị với các nước đồng minh.”

Tiến sĩ Tất Thành Vũ cũng lưu ý rằng mọi người chớ nên quá lạc quan về sự giảm căng trong mối quan hệ quân sự Mỹ-Trung. Ông cho rằng quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh sẽ không ngớt gặp căng thẳng, chủ yếu là vì vấn đề Đài Loan. Ông nói:

“Hoa Kỳ cũng biết rằng khi họ bán vũ khí cho Đài Loan thì Trung Quốc chắc chắn sẽ phản đối. Trung Quốc cũng hiểu là Hoa Kỳ không thể không bán vũ khí cho Đài Loan – một phần là để kiếm lời và một phần là để gầy dựng một thế lực nhằm kiềm chế Trung Quốc. Trung Quốc biết rõ như vậy. Hiện nay chuyện này đã trở thành một chuyện bình thường, “một loại phim dài nhiều tập”: hễ anh bán thì tôi phản đối, rồi sau đó không lâu đôi bên lại làm hòa với nhau.”

Trong khi đó, một giới chức quân sự cao cấp của Việt Nam cho biết Biển Đông tiếp tục là “một vấn đề nóng”, thu hút sự quan tâm của nhiều nước, nhưng vấn đề này sẽ không được mang ra bàn thảo một cách cụ thể tại một hội nghị an ninh đa quốc mà Việt Nam sắp tổ chức.

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+), qui tụ 10 nước ASEAN và 8 nước đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Ấn độ, New Zealand, Australia, Nga và Hoa Kỳ, sẽ diễn ra ở Hà Nội vào ngày 12 tháng 10.

Theo tin của báo chí Việt Nam, trong cuộc viếng thăm Hoa Kỳ trong tuần này, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cho biết các nước ASEAN đã đồng ý với nhau là các vấn đề cụ thể sẽ không nằm trong nghị trình của hội nghị này, và thay vào đó các nước sẽ chỉ thảo luận về những vấn đề an ninh tổng quát, trong đó có an ninh biển.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG