Đường dẫn truy cập

TQ tìm cách đối trọng sức mạnh hải quân của Mỹ ở Thái Bình Dương


Sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc đang tạo ra những mối quan tâm cho Hoa Kỳ và các nước láng giềng ở Á châu. Theo tường thuật của thông tín viên Stephanie Ho của đài chúng tôi ở Bắc Kinh, các chuyên gia quân sự Á châu nói rằng Trung Quốc xem các chương trình quân sự của họ như một phương tiện chính để kiềm chế sức mạnh của Hoa Kỳ ở vùng tây Thái bình dương. Mời quí thính giả theo dõi Duy Ái trình bày thêm một số chi tiết sau đây.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc đang phát triển một loại phi đạn đạn đạo có khả năng đánh trúng những hàng không mẫu hạm ở cách xa hơn 1.500 kilomét.

Chương trình phát triển vũ khí này được tiến hành trong lúc Trung Quốc đã có sẵn một hệ thống phi đạn khá mạnh mẽ, trong đó có hơn 1 ngàn 500 phi đạn nhắm vào Đài Loan, đảo quốc mà Bắc Kinh xem là một phần lãnh thổ của mình.

Ngoài ra, theo các chuyên gia của Ngũ giác đài, Trung Quốc cũng đang xúc tiến kế hoạch xây dựng chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên để có thể gia nhập hàng ngũ một số ít oi các quốc gia trên thế giới có khả năng phóng chiếu sức mạnh của mình trên các vùng biển quốc tế.

Trong lúc các giới chức chính phủ Trung Quốc ít khi đề cập tới những kế hoạch quốc phòng của nước họ, một số chuyên gia an ninh Á châu nghĩ rằng có hai lý do chính thúc đẩy Trung Quốc tiến hành các chương trình phát triển phi đạn và xây dựng hàng không mẫu hạm.

Lý do thứ nhất là Đài Loan – phần đất đã tách khỏi Trung Quốc từ năm 1949, khi lực lượng Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch chạy sang Đài Loan sau khi bị lực lượng Cộng Sản của Mao Trạch Đông đánh bại trong cuộc nội chiến Quốc-Cộng. Trung Quốc nhiều lần đe dọa sử dụng vũ lực để giành lại quyền kiểm soát nếu Đài Loan tuyên bố độc lập. Hoa Kỳ hứa sẽ giúp đỡ Đài Loan trong trường hợp đảo quốc theo chế độ dân chủ này bị tấn công.

Ông Ngô Tâm Bá là giáo sư môn quan hệ quốc tế của Đại học Phục Đán ở Thượng Hải.

Ông Ngô cho biết như sau về việc này: "Đây là một phần của kế hoạch của Trung Quốc nhằm phát triển khả năng răn đe trên biển. Nếu xung đột xảy ra trong vùng eo biển Đài Loan và Hoa Kỳ muốn can thiệp thì phương tiện chính để Hoa Kỳ can thiệp là dùng tới hàng không mẫu hạm. Vì thế cho nên, với mục đích tự bảo vệ lấy mình, Trung Quốc phải tìm cách làm cho hàng không mẫu hạm của Mỹ lo sợ mà không dám tiến vào vùng biển Đài Loan để can dự vào vụ xung đột ở đó. Vì vậy, tôi nghĩ rằng răn đe là mục đích chính của chương trình phát triển phi đạn của Trung Quốc."

Giáo sư Ngô Tâm Bá nói thêm rằng Trung Quốc cũng muốn chế tạo hàng không mẫu hạm để có thể bảo vệ các tuyến đường biển vì hoạt động vận chuyển hàng hải đóng một vai trò sinh tử đối với nền kinh tế thiên về xuất khẩu của Trung Quốc.

Ông Denny Roy, một nhà nghiên cứu của Trung tâm Đông-Tây ở Hawaii, cho biết rằng ông không ngạc nhiên về việc Trung Quốc phát triển các loại phi đạn đạn đạo tầm xa để bảo vệ cho những gì mà họ xem là lợi ích của mình.

Ông Roy nói thêm: "Trung Quốc đã có kỹ năng chuyên môn trong việc phát triển phi đạn từ lâu cho nên việc họ dựa vào phi đạn như một cách để chống lại sức mạnh của Hoa Kỳ là một việc tự nhiên. Đối với Trung Quốc thì việc chế tạo phi đạn chống hàng không mẫu hạm dễ dàng hơn nhiều so với việc xây dựng một hạm đội chiến đấu lấy hàng không mẫu hạm làm trung tâm."

Hoa Kỳ và nhiều nước khác tỏ ý nghi ngờ về ý đồ của Trung Quốc vì họ cho rằng hiện nay quốc gia đông dân nhất thế giới này chưa cần tới hàng không mẫu hạm hay các loại phi đạn mới vì quyền lợi của họ không gặp phải một sự đe dọa thật sự nào cả. Tuy nhiên, giáo sư Ngô Tâm Bá của Đại học Phục Đán cho rằng tiền bạc cũng là một lý do khiến Trung Quốc muốn chế tạo hàng không mẫu hạm.

Ông Ngô nói:"Một lý do khiến Trung Quốc tiến hành kế hoạch chế tạo hàng không mẫu hạm là giờ đây họ đã có khả năng tài chánh. Chế tạo hàng không mẫu hạm tốn rất nhiều tiền. Trong quá khứ Trung Quốc không có khả năng để chi tiêu những khoản tiền lớn như vậy. Bây giờ, nhờ vào sự phát triển của kinh tế mà Trung Quốc đã có được khả năng để xây dựng một sức mạnh thật sự dựa vào hàng không mẫu hạm."

Ông James Nolt là một chuyên gia về quan hệ Hoa Kỳ-Đông Á của Viện Chính sách Thế giới (World Policy Institute) ở New York. Từ năm 2007 tới nay ông sống ở thành phố Nam Kinh với tư cách là người đứng đầu phân hiệu Nam Kinh của Đại học Công nghệ New York. Ông nói rằng cho dù Trung Quốc chế tạo được hàng không mẫu hạm đi nữa thì họ vẫn phải mất nhiều thập niên mới đuổi kịp Hoa Kỳ về số lượng hàng không mẫu hạm và kiến thức chuyên môn trong việc vận hành các tàu này.

Ông Nolt cho biết: "Việc có được một hàng không mẫu hạm hoạt động có hiệu quả đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật và huấn luyện cùng với khả năng vận hành. Đây là những thứ mà Trung Quốc phải mất nhiều năm mới có được, nếu họ quyết định chế tạo hàng không mẫu hạm. Và ngay cả trong trường hợp họ có một chiếc hàng không mẫu hạm thì một chiếc sẽ không đủ để làm cho cuộc diện thay đổi một cách đáng kể."

Mặc dù vậy, các nước láng giềng của Trung Quốc, bao gồm những nước Đông Nam Á phản đối đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với những hòn đảo ở biển Nam Trung Hoa, đã kín đáo bày tỏ mối quan tâm về sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc.

Các giới chức Hoa Kỳ nói rằng họ không biết rõ quân lực Trung Quốc mạnh tới mức nào và họ đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc tiết lộ nhiều hơn về năng lực quân sự và ý định của mình.

Ông Denny Roy của Trung tâm Đông-Tây ở Hawaii nói rằng Trung Quốc muốn giữ bí mật vì họ tự xem họ là một nước yếu hơn.

Ông Roy nói: "Trung Quốc tự biết là họ còn kém xa Hoa Kỳ về mặt quân sự vào lúc này. Họ nghĩ rằng Hoa Kỳ đã hành động rất đỗi phi lý khi đòi hỏi là những hoạt động phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc phải có tính chất minh bạch nhiều hơn. Xét từ vị thế của Trung Quốc, họ cần phải dấu không cho Hoa Kỳ biết được những nhược điểm của họ."

Bắc Kinh đã bác bỏ phúc trình mới nhất của Ngũ giác đài và nói rằng văn kiện này thổi phồng quá độ điều mà họ gọi là “sự tăng cường một cách bình thường khả năng quân sự và quốc phòng của Trung Quốc.”

Bộ Quốc phòng Trung Quốc không cung cấp thông tin cụ thể nào về tiến độ của chương trình phát triển loại phi đạn chống hàng không mẫu hạm. Tuy nhiên, không lâu sau khi bản phúc trình của Ngũ giác đài được công bố, một tờ báo lớn của Trung Quốc là tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) đã cho đăng một bài xã luận để hô hào Trung Quốc phát triển một loại phi đạn chống chiến hạm và những loại vũ khí khác mà họ gọi là “hàng mẫu sát thủ”. Bài viết nói thêm rằng Trung Quốc phải xây dựng điều mà họ mô tả là một sức mạnh răn đe khả tín để đương cự với sức mạnh của hải quân Mỹ ở Thái bình dương.

Trong những tháng gần đây Trung Quốc cũng đã ngày càng lớn tiếng hơn trong việc đòi hỏi các chiến hạm của Hoa Kỳ tránh xa những vùng biển rộng lớn mà họ tự xưng là có chủ quyền. Những vùng này bao phủ hầu như toàn bộ Hoàng Hải, biển Đông Trung Hoa, và biển Nam Trung Hoa.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG