Tuyên bố vừa qua của Ngoại trưởng Hillary Clinton về ‘quyền lợi quốc giá của Hoa Kỳ trong việc giải quyết vấn đề biển Nam Trung Hoa (tức biển Đông) lại trở thành tâm điểm của cuộc thảo luận do CSIS và Trường Báo chí Schieffer thuộc Đại học Công giáo Texas đồng tổ chức.
Trợ lý Kurt Campbell nói rằng bà Clinton chỉ ‘nhấn mạnh lại quan điểm bấy lâu nay của Hoa Kỳ về một giải pháp hoà bình, ngoại giao, tự do lưu thông hàng hải và các cơ hội phát triển kinh tê' tại vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc và một số quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương một lần nữa lại khẳng định quan điểm trung dung của Washington.
Ông Campbell nói: “Từ trước tới nay, Hoa Kỳ không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp này. Tuy không phải là một trong các nước liên quan, nhưng Hoa Kỳ có quyền lợi quốc gia đối với việc duy trì tự do lưu thông hàng hải ở vùng biển này. Trong những năm vừa qua, chúng tôi chứng kiến sự tăng mạnh các sự vụ liên quan tới các nước khác nhau từ đánh bắt cá cho tới các dự án khai thác năng lượng tiềm năng. Điều chúng tôi quan ngại là tình thế như vậy có thể làm leo thang căng thẳng, đe doạ tới hoà bình và ổn định của khu vực."
Phát biểu trước hàng trăm người tham dự, mà theo ban tổ chức, có cả đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và Việt Nam, ông Campbell cho biết, các nước trong khối ASEAN thông báo cho Hoa Kỳ rằng ‘đã có các cuộc đối thoại mới giữa Trung Quốc và các nước tranh chấp biển Đống'.
Giới chức này nói rằng chính quyền Washington ‘muốn các bên theo đuổi giải pháp ngoại giao và bình tĩnh giải quyết tranh chấp'.
Ông Campbell cho biết: “Hoa Kỳ tin rằng cách thức tốt nhất để giải quyết tranh chấp là thông qua đối thoại. Hồi năm 2002 khi ASEAN và Trung Quốc đồng ý cùng nhau giải quyết những vấn đề có thể phát sinh (thông qua Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông). Chúng tôi nghĩ đó là một bước đi đầu tiên quan trọng. Chúng tôi muốn một số yếu tố trong thoả thuận đó được làm rõ hơn để trở thành nền tảng đối thoại. Với tuyên bố của bà Clinton, mục tiêu của Hoa Kỳ là tạo ra một môi trường ổn định, dễ đoán định, cũng như thúc đẩy đối thoại. Trong các tuyên bố của mình, chúng tôi không nêu tên bất kỳ nước nào, và chúng tôi không có ý định làm leo thang căng thẳng ở khu vực biển Đông”.
Trước phản ứng gay gắt của Trung Quốc thời gian qua cũng như việc cuộc hội thảo tập trung vào tuyên bố của bà Clinton đưa ra tại Diễn đàn An ninh Khu vực ở Hà Nội hồi tháng Bảy vừa qua, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ kêu gọi mọi người ‘nhìn rộng hơn về mối quan hệ giữa Washington và các nước ASEAN'.
Ông Campbell cũng viện dẫn hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Hoa Kỳ đầu tiên diễn ra tại Mỹ hồi tuần trước, trong đó đưa ra cam kết chung về một loạt các vấn đề liên quan tới sông Mekong, tình trạng biến đổi khí hậu hay các sáng kiến hợp tác thương mại, kinh tế.
Cho dù tuyên bố chung sau hội nghị tại thành phố New York không đề cập cụ thể tới tranh chấp biển Đông, nhưng nhấn mạnh tới ‘tầm quan trọng của việc giải quyết hoà bình các tranh chấp cũng như sự ổn định khu vực, an ninh hàng hải, thương mại không bị cản trở, tự do lưu thông hàng hải theo đúng các nguyên tắc của luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển.
Về ý kiến cho rằng Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á và Washington không nêu rõ vấn đề biển Đông trong tuyên bố chung là ‘nhượng bộ Trung Quốc', ông Ernest Bower, Cố vấn cao cấp đồng thời là Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Chiến lược, cho biết ông ‘ủng hộ sự kiềm chế của Hoa Kỳ.
Ông Bower nhận xét: “Tôi nghĩ điều này phù hợp với tình hình ở Đông Nam Á. Hoa Kỳ không buộc các quốc gia trong khu vực rơi vào thế khó xử. Các quốc gia ở khu vực này sẽ đối mặt với tình thế này trong hai hay thậm chí mười năm tới. Họ đã phải đối phó với một nước Trung Quốc hàng trăm năm qua. Tôi nghĩ các quốc gia này đánh giá cao lập trường kiên định của Hoa Kỳ cũng như việc Washington không quá thúc ép họ trong vấn đề biển Đông”.
Mới đây, chính quyền Bắc Kinh đã lên tiếng ‘phản đối sự can dự của các quốc gia không liên quan vào vấn đề biển Đông.
Trung Quốc bấy lâu nay vẫn phản đối việc quốc tế hoá tranh chấp lãnh hải này đồng thời nhấn mạnh tới việc đàm phán song phương với các bên tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
‘Biển Nam Trung Hoa: Một chỉ dấu quan trọng về hợp tác an ninh châu Á trong thế kỷ 21’ là chủ đề của một cuộc thảo luận tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Chiến lược (CSIS) ở thủ đô Washington. Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ông Kurt Campbell, cho biết, Washington quan ngại về căng thẳng gia tăng tại vùng biển tranh chấp, và chờ đợi ‘chính sách ngoại giao bình tĩnh thay thế các cảm xúc nóng vội. Mời quý vị theo dõi tường thuật của Nguyễn Trung sau đây.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1