Đường dẫn truy cập

Ông Thayer: bất đồng về chủ quyền tại biển Đông khó giải quyết


Ông Thayer: bất đồng về chủ quyền tại biển Đông khó giải quyết
Ông Thayer: bất đồng về chủ quyền tại biển Đông khó giải quyết

Những vụ tranh chấp chủ quyền ở biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam gọi là Biển Đông rất khó giải quyết và tình hình đã trở nên xấu đi vì khả năng chấp hành các đòi hỏi của Trung Quốc đang trên đà gia tăng và những mưu toan của nước này nhằm ngăn chận những nỗ lực của Việt Nam để hình thành một mặt trận thống nhất.

Đó là nhận định mà Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về vấn đề Việt Nam của Đại học Quốc phòng Australia, đã trình bày hôm thứ 5 (11-11-2010) tại cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 2 tổ chức ở Sài Gòn.

Theo tường thuật của hãng tin Bloomberg, giáo sư Thayer cho rằng “vấn đề đòi hỏi chủ quyền sẽ tiếp tục khó giải quyết” và “tính chất thiếu minh bạch của Trung Quốc đã tạo ra những nghi vấn chính đáng về ý đồ chiến lược của họ.”

Giáo sư Thayer cho biết rằng trong năm nay Việt Nam đã tăng cường những nỗ lực để đạt được thỏa thuận về một qui tắc hành xử có tính ràng buộc ở Biển Đông. Một tuyên bố năm 2002 ký kết giữa Trung Quốc và khối ASEAN kêu gọi các bên liên hệ giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng đường lối hòa bình và tránh thực hiện những hành động có thể gây thêm căng thẳng.

Ông Thayer nói rằng Trung Quốc “đã tìm cách ngăn chận những nỗ lực của Việt Nam, là nước đang giữ chức chủ tịch của khối ASEAN, nhằm hình thành một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc ở Biển Đông.”

Tháng 7 vừa qua, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố tại hội nghị của Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Hà Nội rằng việc thông qua đường lối ngoại giao đa phương để giải quyết vụ tranh chấp ở Biển Đông là “quyền lợi quốc gia” của Hoa Kỳ. Tuyên bố này đã gặp phải sự phản bác kịch liệt của Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì. Trung Quốc lâu nay vẫn chủ trương là giải quyết vụ tranh chấp này bằng đường lối song phương.

Theo giáo sư Thayer, trong thời gian qua Trung Quốc đã liên tục bắt giữ các tàu đánh cá của Việt Nam và ban hành các lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, và hiện chưa rõ là phải chăng Trung Quốc đã nâng cao vị thế của vùng biển này tới mức gọi là “lợi ích cốt lõi” ngang tầm với Đài Loan và Tây Tạng với ngụ ý là sẽ sử dụng vũ lực để bảo vệ quyền lợi của mình.

Theo báo chí Việt Nam, cuộc hội thảo ở Sài Gòn do Học viện Ngoại giao (thuộc Bộ Ngoại giao) và Hội Luật gia Việt Nam đồng tổ chức trong hai ngày thứ 5 và thứ 6, qui tụ gần 70 học giả đến từ các nước vùng Đông Nam Á, Trung Quốc, Australia, Canada, Ấn độ, Nhật Bản Nam Triều Tiên, Hoa Kỳ và các nước thuộc Liên hiệp Âu châu. Hội thảo lần này là sự tiếp nối của Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ nhất tổ chức ở Hà Nội vào năm 2009.

Nguồn: Bloomberg, VOV

VOA Express

XS
SM
MD
LG