Hiếu: Tôi là Thanh Hiếu, tôi quan tâm đến vận mệnh chủ quyền của đất nước, nên tôi tham gia chương trình.
Thắng: Tôi là Thắng, đang công tác trong Sài Gòn. Tôi cũng quan tâm nhiều đến vấn đề của đất nước. Tôi thường làm ăn và tiếp xúc nhiều với người Trung Quốc. Tôi cũng tìm hiểu và đọc khá nhiều về ngôn ngữ, văn hóa Trung Quốc.
Tâm: Tôi là Quang Tâm, ở Nghệ An. Là một công dân đất nước Việt Nam, tôi luôn quan tâm đến những biến đổi của đất nước. Tôi cũng đã tìm hiểu các thông tin một cách đa chiều và khách quan nhất về chủ đề chúng ta đang nói chuyện.
Trà Mi: Cảm ơn các anh rất nhiều đã dành thời gian tham gia chủ đề thảo luận ghi nhận cảm nghĩ của thanh niên Việt Nam về mối quan hệ Việt-Trung và vấn đề Biển Đông. Trước tiên, nói về mối quan hệ nhân kỷ niệm 60 năm bang giao và cũng là Năm Hữu nghị của hai nước, xin ghi nhận ý kiến của các bạn, những người trẻ Việt Nam nghĩ gì về mối quan hệ này?
Thắng: Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam từ trước đến nay, kẻ thù mà Việt Nam phải chống lại nhiều nhất là kẻ thù từ phương Bắc. Trên thực tế, đối với Việt Nam, Trung Quốc vẫn là nước mà mình phải vừa đối xử mềm mỏng về ngoại giao vừa phải kiên quyết để đảm bảo mọi thứ về chủ quyền. Trước nay, trong tất cả các giai đoạn lịch sử, quan hệ Việt-Trung là mối quan hệ được nói đến nhiều nhất, được giới lãnh đạo Việt Nam để ý nhiều nhất, và cũng là mối quan hệ mà tất cả người dân Việt Nam phải để ý nhất. Mặc dù trong các giai đoạn chiến tranh với Mỹ, Nhật, Pháp, số người chết do chiến tranh gây ra nhiều hơn nhiều so với cuộc chiến tranh năm 1979 với Trung Quốc, song những gì người Việt Nam nghĩ về người Trung Quốc thì rõ ràng tồi tệ hơn nhiều so với tất cả ý nghĩ về các cuộc chiến tranh, về các nước đã xâm lược đất nước Việt Nam ngày trước.
Trà Mi: Đó là ý kiến của anh Thắng, thế còn anh Hiếu thì sao?
Hiếu: Tôi nghĩ rằng quan hệ Việt-Trung có bề dày lịch sử hàng ngàn năm nay. Chúng ta luôn phải đấu tranh với người Trung Quốc, rồi sau đó lại phải tìm cách quan hệ hòa hoãn với họ. Bây giờ mình thấy như Đài Loan hay Nhật Bản ở sát cạnh Trung Quốc nhưng họ có sự độc lập, tự chủ rất kiên cường do thể chế chính trị của họ.
Trà Mi: Tóm lại, ý của các anh cho rằng Trung Quốc đối với Việt Nam là một người bạn đáng gờm mà Việt Nam vừa bang giao vừa luôn phải dè chừng. Thế còn ý của anh Tâm có gì khác không?
Tâm: Mối quan hệ Việt-Trung từ xưa đến nay là một mối quan hệ đầy nhiêu khê và biến động. Với chế độ của Việt Nam và Trung Quốc giống như nhau là chế độ cộng sản, họ bang giao liên kết với nhau rất sớm, nhưng đầy nhiêu khê, như cuộc chiến tranh biên giới chẳng hạn. Trong quá trình bang giao của hai đảng cộng sản, tôi thấy đất nước Việt Nam của chúng tôi có rất nhiều mất mát to lớn. Chẳng hạn như về đất đai, Việt Nam đã mất một số nơi.
Trà Mi: Nhân anh vừa nhắc tới những cái gọi là “nhiêu khê” và thử thách, xin hỏi thăm các bạn ở đây, theo các bạn ghi nhận, chơi với người anh em khổng lồ Trung Quốc, Việt Nam có những thuận lợi và thử thách như thế nào về mọi mặt, từ kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục…? Mời các anh phân tích rõ hơn.
Hiếu: Bây giờ máy móc thiết bị của Trung Quốc nhập vào Việt Nam rất nhiều. Ngoài ra, mình còn phải nhập cả vật liệu, công nghệ sản xuất từ Trung Quốc. Rõ ràng nền kinh tế Việt Nam bị lệ thuộc vào Trung Quốc rất nhiều. Nếu quan hệ ngoại giao với Trung Quốc không tốt đẹp, Trung Quốc có thể ngừng dòng máy móc, công nghệ, thiết bị sang Việt Nam, thì số lượng lớn công nghệ, dây chuyền của Việt Nam sẽ bị đình đốn tai hại. Đây cũng là một sức ép rất lớn của Trung Quốc. Họ đã xâm nhập vào nền kinh tế Việt Nam như một lưỡi gươm ngầm trong người mình. Nếu có chuyển biến gì, họ ngưng lại là mình rất là khổ sở.
Trà Mi: Anh Hiếu vừa nhắc tới thử thách về mặt kinh tế. Anh Thắng có ghi nhận như thế nào?
Thắng: Tôi nghĩ quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc có rất nhiều điểm mình cần phải để ý. Chính trị, kinh tế, và văn hóa là 3 vấn đề không tách rời nhau. Về chính trị, lãnh đạo hai bên có bàn đến 16 chữ vàng và 3 điều “Lý tưởng tương thông-Văn hóa tương đồng-Vận mệnh tương quan” do ông Hồ Cẩm Đào nói ra. Việt Nam có vấn đề gì, Trung Quốc cũng rất khó nghĩ. Còn Trung Quốc có vấn đề gì, Việt Nam cũng khó có thể sống được. Về chính trị, rõ ràng là quan hệ giữa hai bên khá chặt chẽ. Sau khi Liên Xô tan rã, Trung Quốc là nơi duy nhất còn lại mà Việt Nam có thể dựa dẫm được. Cho nên, sau khi Liên Xô tan rã, Việt Nam đã phải lập tức tìm cách ve vãn lại mối quan hệ cũ với Trung Quốc. Về văn hóa, sau ngàn năm Bắc thuộc thì nền văn hóa Trung Quốc còn tồn tại sâu đậm nhất trong lòng người Việt Nam hiện nay. Hai điểm này khiến hai bên có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau, nhất là trong người dân. Còn đối với lãnh đạo thì dĩ nhiên, tác phong cầm quyền của người Việt Nam bắt chước của người Trung Quốc. Về kinh tế thì như anh Hiếu vừa nói. Tôi cho rằng trong thời điểm hiện nay, cũng có nhiều điểm mình có thể tận dụng được những cái của Trung Quốc. Nếu mình có khả năng vận dụng được thì tốt. Trong trường hợp mình bị động, bị nó cuốn theo, thì đấy là một điều dở và mình cần phải để ý. Trung Quốc từ trước nay đang vận động thành lập hành lang kinh tế để mở rộng ảnh hưởng dần bằng việc mở rộng kinh tế trên mọi mặt đời sống xã hội, các ngành nghề, công nghiệp, nông nghiệp, khoáng sản vv.v.v.. Họ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam không chỉ về vật tư thiết bị, mà còn ảnh hưởng cả về mặt an ninh, năng lượng, lương thực, đầu nguồn, về rừng, về biển…v..v…Rõ ràng mối quan hệ kinh tế Việt-Trung là một vấn đề không thể coi nhẹ. Người Trung Quốc sử dụng kinh tế làm đội quân đi trước. Bản chất thực dân của Trung Quốc ngày nay khác hẳn so với bản chất thực dân ngày xưa của người Pháp, Tây Ban Nha, hay Châu Âu vốn xưa kia sử dụng việc truyền giáo, đưa những người truyền giáo đi đến các thuộc địa mới. Còn Trung Quốc ngày nay sử dụng kinh tế. Bằng việc mở rộng kinh tế, họ vừa có được những lợi ích về kinh tế, vừa mở rộng được về chính trị. Họ có thể bất chấp mọi thủ đoạn. Việt Nam hiện nay cũng là một nơi mà họ đang thí điểm.
Trà Mi: Anh Tâm có gì bổ sung thêm ngoài những gì anh Thắng và anh Hiếu vừa trình bày?
Tâm: Trong quan hệ Việt-Trung có 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Cái mối quan hệ mà đảng cộng sản hai bên đặt ra này, tôi không biết có thay mặt cho nhân dân hai nước hay không, mà lại hợp tác “toàn diện”.
Trà Mi: Vâng nhưng thời đại toàn cầu hóa hiện nay nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự hợp tác, vậy có gì không ổn trong việc hợp tác với Trung Quốc?
Tâm: Có khi đến một lúc nào đó hai đất nước sẽ thành một. Sự hợp tác “toàn diện” giữa Việt Nam với Trung Quốc, theo tôi, đó là một câu hỏi lớn.
Thắng: Tôi nghĩ rằng trong suốt chiều dài lịch sử, chỉ có giai đoạn Việt Nam kháng chiến chống Pháp và đầu giai đoạn kháng chiến chống Mỹ là những lúc có cảm tưởng là quan hệ Việt-Trung là quan hệ “anh-em” nhất và thân tình nhất. Những quãng thời gian còn lại đều giống như quan hệ giữa một đất nước thiên triều với một đất nước nhược tiểu. Việt Nam phải khẳng định “hợp tác toàn diện” với Trung Quốc để có thể ổn định được đất nước, đỡ được mối lo từ phương Bắc.
Hiếu: Bất cứ cuộc hợp tác nào đều có mặt lợi, mặt hại, nhưng lợi bao nhiêu, hại bao nhiêu mới là điều đáng nói.
Trà Mi: Đó cũng là câu hỏi Trà Mi đặt ra rằng chơi với người anh em Trung Quốc thì thuận lợi hay thử thách nhiều hơn đối với phía Việt Nam?
Hiếu: Tôi cho rằng quan hệ với Trung Quốc khi mình ở thế yếu hơn thì hoàn toàn không bao giờ có lợi, nhất là khi họ mạnh hơn mình về mọi mặt và họ có tham vọng chứ không phải thân thiện gì. Sự thân thiện ngoại giao, chẳng qua là vì họ có một thể chế chính trị tương đồng giữa hai đảng, hai nước với nhau.
Trà Mi: Theo anh, thử thách lớn nhất trong mối quan hệ với Trung Quốc là gì?
Hiếu: Thử thách lớn nhất là Việt Nam phải làm sao giữ được nguyên vẹn chủ quyền lãnh thổ, sức sống của riêng mình, không bị lệ thuộc để họ dẫn dắt. Họ thích cho mình ốm, thì mình ốm, cho mình yếu, thì mình yếu. Quan hệ với ai đi nữa, mình cũng phải giữ được nội lực của mình, không bị lệ thuộc về kinh tế, chính trị. Ngoài ra, quan hệ với một nước lớn đầy tham vọng và dã tâm như Trung Quốc, mình phải có những biện pháp bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình.
Trà Mi: Còn thuận lợi lớn nhất của Việt Nam khi bắt tay với người anh em Trung Quốc là gì?
Thắng: Về mặt thuận lợi và khó khăn, theo tôi, tương đương nhau. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, đối với mình, khó khăn nhiều hơn. Khó khăn lớn nhất là khi chơi với Trung Quốc, chúng ta phải luôn luôn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Mới đây, tôi đọc được trên mạng những người bạn Trung Quốc nói rằng hiện nay Trung Quốc và Việt Nam rất tức nhau nhưng vẫn cần chơi với nhau. Khi Việt Nam bị Mỹ ve vãn hoặc lung lạc về phương Tây thì Trung Quốc rơi vào thế cô. Ngược lại, Trung Quốc quay mặt với Việt Nam thì rõ ràng kinh tế và chính trị của Việt Nam bị ảnh hưởng. Việt Nam là một đất nước độc đảng do đảng cộng sản cầm quyền, và quan hệ với Trung Quốc là mối quan hệ bắt chước. Hễ Trung Quốc làm gì, Việt Nam làm theo cái đấy. Tôi nghĩ đây không phải là một điều thuận lợi.
Trà Mi: Ba người bạn trẻ từ ba miền đất nước vừa chia sẻ cảm nhận và phân tích những thuận lợi và khó khăn trong mối quan hệ Việt-Trung. Quan điểm của các bạn nghe đài ra sao? Các bạn có thể để lại ý kiến ngay bên dưới bài này trong chuyên mục Tạp chí Thanh Niên trên trang web www.voatiengviet.com, hoặc trên trang Facebook của VOA. Trà Mi rất mong được đón nhận ý kiến tham luận đông đảo của quý vị và các bạn.
Trong buổi gặp gỡ tuần sau trên Tạp chí Thanh Niên, các bạn trẻ của chúng ta sẽ thảo luận về vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông giữa hai nước Việt-Trung hiện đang gây chú ý công luận quốc tế. Mời quý vị và các bạn đón nghe. Trà Mi xin chào tạm biệt quý vị.
Hai nước cộng sản anh em Việt Nam và Trung Quốc kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao song phương và Năm Hữu nghị Việt-Trung 2010 giữa bối cảnh căng thẳng về tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông đang có chiều hướng tăng cao. Cảm nghĩ của giới trẻ Việt Nam về mối quan hệ Việt-Trung và vấn đề Biển Đông ra sao? Đó cũng là chủ đề thảo luận trên Tạp chí Thanh Niên hôm nay, với sự góp mặt của 3 thanh niên rất quan tâm đến vấn đề này, hiện đang sinh sống tại ba miền đất nước: Hiếu từ Hà Nội, Thắng ở Sài Gòn, và Tâm tại Nghệ An.