Huy: Tôi là Huy, ở Sài Gòn.
Sơn: Tôi là Sơn, cũng ở Sài Gòn.
Ninh: Mình là Ninh, ở thành phố Hà Nội.
Trà Mi: Trong số các bạn ở đây, ai đã từng trực tiếp xem qua trích đoạn của bộ phim này trên mạng?
Huy: Tôi đã xem trailer của phim, cũng như các bài phản ảnh về phim này, ngay cả trên các báo trong nước. Tôi thấy dàn diễn viên này trang phục y chang của Trung Quốc chứ không phải của người Việt Nam. Nông dân Việt Nam trước đây không mang giày. Trong phim họ được cho mang giày vải của Trung Quốc, đội nón chụp của Trung Quốc. Người Việt Nam truyền thống xa xưa để tóc búi tó phía sau đầu, đội khăn đóng, trong phim thì khác. Áo của nông dân Việt Nam là áo nâu. Trong phim, áo nông dân may theo kiểu chéo qua như đồng phục học võ, màu sắc lại đa dạng, tay áo lại dài.
Trà Mi: Đó là nhận xét của Huy về phần phục trang. Ngoài Huy, các bạn khác có đã xem qua các đoạn trailer của bộ phim này chưa?
Ninh: Tôi cũng đã xem qua các trailer phim trên mạng rồi. Phim được thể hiện trong bối cảnh, đạo cụ của một trường quay hoành tráng của Trung Quốc, không phù hợp với bối cảnh Việt Nam thời xưa. Cho nên, tôi thấy nó hơi lố bịch.
Trà Mi: Ninh nhận xét về khung cảnh, về phim trường. Huy thì nhận xét về phục trang và cách hóa trang. Sơn, nhận xét của bạn ra sao?
Sơn: Em chưa coi trailer phim, nhưng đã đọc các bài nhận xét và xem các hình ảnh về bộ phim. Phim hoàn toàn do người Trung Quốc thực hiện, từ các diễn viên quần chúng, thiết kế phục trang, phim trường, đến kịch bản cũng bị Trung Quốc sửa đổi hết. Nó đúng là bộ phim mà Việt Nam bỏ tiền, Trung Quốc làm hết, trong khi đây là phim lịch sử của Việt Nam.
Trà Mi: Điều này có gì không hợp lý chăng vì ai cũng biết điều kiện ngành điện ảnh Việt Nam hiện nay còn thiếu thốn và chưa phát triển về nhiều mặt. Cho nên để làm một bộ phim hay, thu hút khán giả, thì việc nhờ đạo diễn nước ngoài hoặc nhờ sự hỗ trợ của nước ngoài cũng là điều tất nhiên? Vì sao các bạn lại phản đối?
Huy: Cái không hợp lý là như vầy. Đồng ý là ngành điện ảnh Việt Nam còn chậm so với những nước khác, nhưng mình là chủ đầu tư. Bên thi công phải làm theo ý của chủ đầu tư. Đằng này bộ phim 19 tập đầu tư hơn trăm tỷ đồng mà lại không thể hiện được quá trình lịch sử hình thành từ lúc loạn 12 sứ quân cho tới khi Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long. Phần mở đầu, khúc loạn 12 sứ quân không đúng trong lịch sử Việt Nam. Trong lịch sử giai đoạn này chỉ có 3 cuộc giao tranh, chủ yếu là giao tranh nhỏ thôi, chứ không có cảnh chém giết tùm lum như trong phim Đường tới thành Thăng Long này.
Trà Mi: Các bạn có ý kiến nào khác bổ sung ý Huy vừa nêu ra không?
Ninh: Vấn đề nghiên cứu để xây dựng, đạo diễn bộ phim này, tôi thấy chưa tỉ mỉ và kỹ lưỡng. Phải làm sao toát lên được lịch sử của Việt Nam, phải nghiên cứu về kiến trúc của Việt Nam thời kỳ đó có những cung điện nguy nga hay không, chẳng hạn. Tôi cảm thấy bộ phim này phóng đại quá mức, không hợp lý so với quá trình diễn tiến lịch sử của Việt Nam. Chính cái yếu tố Trung Hoa ở đây đã bị tô đậm lên. Cho nên, khán giả xem có cảm giác đây là phim lịch sử của Tàu, chứ không phải phim lịch sử Việt Nam.
Trà Mi: Sơn có ý kiến như thế nào?
Sơn: Em thấy vấn đề ở đây là đạo diễn Trung Quốc đang cố gắng xâm chiếm văn hóa của mình, thay đổi văn hóa Việt thành văn hóa Trung Quốc. Những nét lịch sử của Việt Nam bị thay đổi mang tính “Trung Quốc” có thể sẽ gây hiểu nhầm cho giới trẻ chưa học lịch sử một cách kỹ lưỡng.
Huy: Đúng đúng, tôi đồng ý với ý kiến của bạn Sơn. Lệ thuộc về văn hóa coi như là mất nước. Mà việc này từ thời cha ông xưa của ta đã cố gắng gìn giữ vì Trung Quốc luôn muốn xóa đi văn hóa Việt Nam. Bằng chứng là những gì liên quan đến sử liệu Việt Nam bao nhiêu lần Trung Quốc qua đô hộ, họ đều đốt sạch hết. Thành ra cho tới giờ ở Việt Nam vẫn bị mập mờ về trang phục của vua chúa ngày xưa, cách hành quân ..v..v.. Tất cả đều bị họ xóa nhòa hết, đốt sạch hết. Đó là âm mưu của họ từ thời xưa tới tận bây giờ. Chẳng hạn như trong bộ phim này, phần nói về cuộc kháng chiến chống quân Tống lần thứ nhất của vua Lê Hoàng hoàn toàn sai lệch lịch sử. Khi quân Tống lăm le xâm chiếm nước Đại Việt, nhà tiền Lê đã gấp rút chuẩn bị kháng chiến và đã làm nên một trận thắng giòn giã trong lịch sử Việt Nam là trận Bạch Đằng và Tây Kết. Trong phim lại thể hiện rằng khi Lê Hoàng dẫn quân đi, nhà sư Vạn Hạnh đón đầu dặn dò vua là không được đánh, án binh bất động, giặc tự tan, đưa tới một cảnh phim khác là Lê Hoàng ra lệnh cho quân sĩ rằng ai đánh quân Tống thì chém đầu. Việc này làm lệch đi tất cả những gì hào hùng của lịch sử, của cha ông Việt Nam ta, một hành động không thể chấp nhận được.
Trà Mi: Đó là lý do vì sao lúc nãy Sơn có nói rằng nếu người trẻ không hiểu biết lịch sử Việt Nam mà xem qua bộ phim này có thể hiểu sai lệch lịch sử.
Sơn: Đúng vậy, bộ phim này chứng tỏ sự xâm chiếm văn hóa của Trung Quốc đang thể hiện một cách âm thầm, lặng lẽ.
Trà Mi: Đó là những suy nghĩ của các bạn xung quanh bộ phim này. Tóm lại một lời cảm nhận tổng quát, các bạn nhận xét về bộ phim này như thế nào?
Ninh: Tôi thấy có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau, nhưng hầu như đều phản đối, không hài lòng với ý nghĩa của bộ phim đặc biệt khi nó ra đời đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Nó đã làm nhiều người thất vọng. Những nhà quản lý văn hóa cũng phải lưu tâm đến vấn đề này.
Trà Mi: Ninh cảm thấy thất vọng. Một bộ phim lịch sử, một trong những tác phẩm hoành tráng nhất, được đầu tư công phu nhất ở Việt Nam, vừa định ra mắt đã gặp phải những phản ứng như vậy. Các bạn có cảm thấy chút chất Việt nào trong bộ phim ngoài những chất Hoa đậm nét như thế không?
Huy: Chất Việt trong bộ phim chỉ thấy được ở phục trang của vai Thái Hậu còn giống người phụ nữ Việt Nam. Ngoài ra, ngay cả triều phục của vua Lý Công Uẩn, con rồng vẽ cũng sai nữa. Con rồng thời nhà Lý khác hẳn trong phim này.
Sơn: Anh Huy nói trang phục của bà Thái Hậu còn có vẻ giống Việt Nam? Tôi không đồng ý, áo của vai này là áo tứ thân. Áo tứ thân hồi xưa là thường dân nghèo không đủ vải mới dùng nhiều mảnh vải ghép lại may áo tứ thân mặc. Cho nên áo này là dành cho dân thường. Còn Hoàng Hậu không mặc áo tứ thân.
Huy: Ý tôi muốn nói là ít ra nó còn giống Việt Nam chút xíu ở điểm này, chứ vấn đề phục trang cho từng giai cấp trong bộ phim này đều bị xóa nhòa.
Sơn: Hoàn toàn sai lệch cả.
Trà Mi: Có ý kiến cho rằng nếu bộ phim này không xuất hiện giữa bối cảnh của những làn sóng chống Trung Quốc liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền như hiện nay, thì có lẽ nó đã không gặp những phản ứng chỉ trích mạnh mẽ như thế này. Các bạn nghĩ sao về nhận định đó?
Huy: Thật ra tôi cũng cảm thấy rất mừng khi có nhiều ý kiến phản đối bộ phim này. Giới trẻ và những người có tâm với đất nước cũng còn rất nhiều. Bộ phim này chỉ là một ngòi nổ cho những người bị ức chế lâu ngày về vấn đề lệ thuộc Trung Quốc, để họ cất tiếng nói một cách vừa ôn hòa, vừa khẳng định mạnh mẽ rằng Việt Nam chúng tôi cho dù là đất nước nhỏ, nhưng chúng tôi có bản sắc và lịch sử hào hùng 4000 năm. Dù trong đó đã có 1000 năm đô hộ của đất nước Tàu lân bang, nhưng chúng tôi không mất đi bản sắc.
Trà Mi: Anh Huy cũng cho rằng vì bộ phim này xuất hiện không đúng lúc nên mới gặp sự phản ứng mạnh mẽ như vậy, giả sử nó xuất hiện trước hoặc sau thời điểm nóng, tranh cãi, nhạy cảm như hiện nay thì có lẽ khán giả Việt Nam chấp nhận nó dễ dàng hơn. Ý kiến của Ninh và Sơn có khác không?
Ninh: Tôi đồng ý với Huy. Cho dù là một quốc gia nhỏ bé và nghèo nhưng chúng ta vẫn phải có chủ quyền và bản sắc của mình. Cho nên khi làm phim, chúng ta cũng phải nghiên cứu kỹ lưỡng để làm sao nó toát lên được bản sắc văn hóa. Đặc biệt chúng ta phải hãnh diện, tự hào là người Việt Nam. Các nhà quản lý văn hóa khi duyệt bộ phim này phải nghiêm túc xem xét, chứ không phải vì một sức ép nào đó mà bỏ qua và đưa trình chiếu bộ phim này. Vừa rồi lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, nếu không có sức ép của dư luận, không có tiếng nói của những người yêu nước thì chắc bộ phim này cũng đã được nhanh tay đưa ra trình chiếu. Cho nên, những người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ yêu nước, nên mạnh dạn đứng lên nhìn nhận và có tiếng nói để giữ nước, xây dựng, và phát triển đất nước. Nếu chúng ta chỉ trông chờ vào sự phát triển mà không lo giữ nước thì chúng ta sẽ mất nước lúc nào không biết.
Trà Mi: Mời ý kiến của Sơn.
Sơn: Dù là lúc đầm ấm hay lúc đang căng thẳng như hiện nay, chuyện xâm thực văn hóa là điều không thể chấp nhận được. Nếu mình cứ để họ thay đổi mình như vậy thì khác gì mình bị mất gốc từ từ, riết rồi người Việt trở thành người Hán. Như vậy mất nước lúc nào cũng không biết.
Trà Mi: Bài học mà các nhà làm phim, giới quản lý, và khán giả Việt Nam rút ra từ bộ phim này là gì? Làm thế nào có thể làm những bộ phim lịch sử hay và thuần Việt trong điều kiện eo hẹp của ngành điện ảnh nội địa? Mời các bạn đón nghe góp ý của khán giả trẻ trong nước trong buổi tái ngộ tuần sau trên Tạp chí Thanh Niên của đài VOA.
Trà Mi cũng xin mời quý thính giả tham luận với các vị khách mời của chương trình về đề tài này, trong chuyên mục Tạp chí Thanh Niên trên website www.voatiengviet.com, trên trang Facebook ở địa chỉ http://www.facebook.com/VOATiengViet , hoặc trên trang Yahoo 360 độ của VOA tại http://vn.360plus.yahoo.com/voavietnam/.
Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong phần thảo luận tiếp theo trên Tạp chí Thanh Niên, vào giờ này, tối thứ ba tuần sau. Trà Mi thân ái kính chào quý thính giả.
Bộ phim truyền hình nhiều tập mang tên “Lý Công Uẩn- Đường đến thành Thăng Long” nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội bị báo chí và dư luận lên án mạnh mẽ là mang đậm chất Trung Hoa sau khi một vài trích đoạn quảng cáo được tung lên mạng, khiến phim không được trình chiếu như dự kiến. Cảm nhận của giới trẻ về bộ phim cổ trang lịch sử có vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng đang gây nhiều tranh cãi này ra sao? Mời các bạn cùng Tạp chí Thanh Niên ghi nhận qua cuộc trao đổi với 3 khán giả trẻ từ hai thành phố lớn ở hai miền Nam-Bắc.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1