Đường dẫn truy cập

Giới trẻ Hà Nội thời kinh tế đất nước tăng trưởng mạnh


Các bạn trẻ trước tòa nhà Vincom, Hà Nội
Các bạn trẻ trước tòa nhà Vincom, Hà Nội

Giới trẻ ở Hà Nội ngày nay có nhiều lựa chọn cho các sinh hoạt văn hoá, cũng như cơ hội học tập và nghề nghiệp hơn, nhưng đồng thời các bạn trẻ cũng trở nên tất bật hơn với nhịp sinh hoạt của một thành phố lớn, với hầu hết những thuận lợi và khó khăn giống như ở các đô thị của các nước phát triển trên thế giới. Từ Hà Nội, phóng viên Tấn Chương có các ghi nhận về sinh hoạt của giới trẻ Hà thành trong bài tường trình sau đây.

“Đi chém gió đâu không? Nhà thờ nhé, hay Nhà hát lớn?”

Đó là cách mà một số bạn trẻ ở Hà Nội rủ nhau đi chơi vào giờ rảnh rỗi.

Bạn Ngọc Lê, tuổi khoảng trên 25, giải thích: “Thanh niên mình thường có cách gọi cho thân mật, kiểu như là mật mã [rủ nhau] lên nhà thờ ngồi uống nước và buôn chuyện, đủ các thứ chuyện, thì hay gọi là ‘chém gió’. Mình có thể giải thích là chém vào không khí, vô hại, không ảnh hưởng đến ai cả. Nói chung là buôn chuyện mà, để thư giãn đầu óc, sau giờ làm, sau giờ học.”

Thành phố Hà Nội đang ngày càng trở nên chật chội hơn vì dân số không ngừng gia tăng. Tuy nhiên các bạn trẻ vẫn luôn tìm ra những địa điểm sinh hoạt, mà bạn Ngọc Lê gọi là “không gian văn hóa của giới trẻ.”

Bạn Ngọc Lê: "Nhà hát lớn, Nhà thờ lớn, Hồ Gươm, những nơi đó hay được gọi là không gian văn hóa của giới trẻ khi họ tụ tập. Những học sinh, những thanh niên đó đa số đều là có học. Chứ đó không phải là nơi tụ tập, chơi bời, mà đó là nơi gọi là giao lưu văn hóa, chia sẻ thông tin, trò chuyện, tán tỉnh nhau của các đôi thanh niên. Mình rất là thích cái chỗ đấy.

Ngoài những khu trung tâm vui chơi, plaza mua sắm, và các complex, vừa điểm tham quan, vừa có các rạp chiếu phim hiện đại. Rồi thì các điểm bowling. Còn có rất nhiều quán bar lành mạnh, mà giới trẻ cũng thích vào vào những giờ cuối tuần, đi cùng bạn bè đến đó giao lưu, tán gẫu. Hoặc là vào các quán cà phê ngồi buôn chuyện, học hành, kết hợp luôn. Bây giờ mình có nhiều điểm tạo điều kiện cho giới trẻ vừa học vừa chơi.

Đó là nhu cầu tất yếu của cuộc sống, khi mà xã hội phát triển, thông tin nó vươn từ thế giới vào Việt Nam rất là nhiều.”

Theo bạn trẻ Ngọc Lê, thì các bậc phụ huynh tại Hà Nội đã phần nào giảm bớt áp lực buộc con cái bằng mọi giá phải lấy cho được bằng đại học:

“Mình nghĩ thì việc học hành ngày nay bớt nặng nề hơn so với trước, khi xã hội chưa phát triển, các phụ huynh yêu cầu con cái phải học cao, phải vào đại học, là một vấn đề rất nặng nề. Bây giờ thì mình nghĩ ở các thành phố lớn các phụ huynh cũng bớt đặt nặng cái vấn đề vào đại học.

Con cái của các gia đình gọi là có thu nhập khá một chút thì họ sẵn sàng cho con cái đi du học. Một phần là để mở mang kiến thức, tham quan đây đó, cũng như là có cơ hội tiếp cận với thế giới văn minh hơn. Thì đấy là một điều rất thuận lợi khi kinh tế Việt Nam phát triển.”

Cùng với đà tăng trưởng kinh tế mạnh liên tiếp nhiều năm liền của Việt Nam, cơ hội nghề nghiệp cho giới trẻ tại thủ đô Hà Nội cũng trở nên phong phú hơn. Theo bạn Ngọc Lê thì điều này giúp giới trẻ có thể đạt đến mơ ước nghề nghiệp của mình.

“Hà Nội là thủ đô, kinh tế phát triển, lượng người tập trung về đây đông, sinh viên ở các tỉnh rất nhiều. Do đó nhìn chung khi họ ra trường, tìm được cái nghề phù hợp chưa thực sự đáp ứng được mong đợi, với cái mức lương chưa tương xứng với công sức mà họ bỏ ra học tập, cũng như công sức mà họ bỏ ra gọi là đầu tư vào sự nghiệp.

Kể cả học thấp hay cao, ai cũng muốn có một công việc tốt và nhiều tiền. Bất cứ ai cũng thế. Nhưng đối với người giỏi thì họ luôn mong muốn được tham gia vào các tập đoàn lớn, tập đoàn quốc tế, nơi mà họ được thể hiện hết khả năng và kiến thức của họ, có nghĩa là thể hiện cái đam mê, khát vọng được cống hiến, và được vươn ra thế giới. Tất nhiên họ cũng sẽ mong muốn được học cao lên nữa, không chỉ là tốt nghiệp đại học. Còn những sinh viên và những người có học lực bình thường, thì họ cũng muốn có một công việc gọi là ổn định.”

Bạn Nguyễn Đình Bắc vừa tốt nghiệp đại học, hiện chưa tìm được việc làm ổn định, nhưng luôn tỏ ra khao khát vươn lên trong nghề nghiệp.

Bạn Nguyễn Đình Bắc: “Việc làm tạm của cháu hiện nay là trông xe cho nhân viên công ty. Cháu tốt nghiệp đại học rồi, ngành công nghệ thông tin.

Trước mắt là cháu nghĩ là kiếm đồng tiền. Không bao giờ mà giàu nhanh được. Tức là phải lấy kinh nghiệm đã. Những người học ở Việt Nam kể cả có bằng giỏi cũng không bằmg một cái bằng của nước ngoài. Người ta phải học ở nước ngoài hai, ba năm nữa. Trường cho đi đào tạo như bên Singapore, hay bên Trung Quốc hay bên Nhật, xong về làm mới lên được.”

Và kể cả đến việc lập gia đình, giới trẻ ở thành phố lớn thứ hai của Việt Nam này thường cũng phải tìm cho mình cái thời điểm thích hợp trong bước tiến của sự nghiệp.

Như nhận xét của bạn Ngọc Lê: “Tất nhiên là tùy quan điểm, cũng như về công việc thì mỗi người đều có một mong muốn lập gia đình ở những độ tuổi khác nhau.

Nhưng nhìn chung thì đối với nữ thường lập gia đình ở đội tuổi sau khi tốt nghiệp đại học, để yên tâm làm ăn. Vì nếu đang làm ăn, và đang trên đà tiến triển mà họ lập gia đình thì họ sẽ bị chững lại. Như thế rất khó cho họ trong sự nghiệp. Họ cứ lập gia đình sớm, sau đó bằt đầu có sự ngiệp cũng chưa muộn. Nữ thì khoảng tầm độ tuổi 24 hay 25.

Còn đối với thanh niên thì khoảng tầm độ tuổi 30. Đa số 30 thì họ đã chín chắn về sự nghiệp, chín chắn về suy nghĩ, ổn định về tài chính, và cũng như có địa vị trong xã hội. Thì cũng từ đó họ luôn muốn có một gia đình. Như thế họ cảm thấy vững chắc, yên tâm.”

Trong dịp kỷ niệm thành phố một ngàn năm mới đây, Hà Nội bày tỏ quyết tâm không ngừng đẩy mạnh sự phát triển của thủ đô nghìn năm văn hiến. Và như vậy giới trẻ Hà Nội lại càng có nhiều cơ hội thăng tiến hơn nữa.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG