VOA: Xin Tiến sĩ tóm tắt kế hoạch điện hạt nhân của Việt Nam.
TS Vương Hữu Tấn: Đầu năm thủ tướng đã thông qua định hướng phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam. Định hướng đó xác định rất rõ rằng năm 2020, tổ máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ đưa vào vận hành phát điện thương mại với công suất khoảng 1 ngìn megawatt, năm 2025 sẽ có 8 ngìn megawatt điện hạt nhân chiếm khoảng 7% tổng công suất phát điện của Việt Nam, và đến năm 2030, sẽ có từ 15 đến 16 ngìn megawatt, chiến khoảng 10,3% tổng công suất phát điện của Việt Nam.
Và thủ tướng cũng đã phê duyệt quy hoạch 8 địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam .
VOA: Thưa Tiến sĩ, tại sao lại phải phát triển năng lượng hạt nhân, trong lúc nhiều nước đang hướng đến phát triển năng lượng sạch, như năng lượng mặt trời, hay năng lượng gió?
TS Vương Hữu Tấn: Việt Nam phát triển điện hạt nhân, nhưng không có nghĩa là không phát triển năng lượng mặt trời hay năng lượng gió. Mà Việt Nam phải phát triển đồng thời cả điện hạt nhân, và những năng lượng như năng lượng mặt trời hay năng lượng gió.
Các nước trên thế giới hiện nay rất nhiều nước đã quay lại với kế hoạch phát triển rất mạnh điện hạt nhân. Những cường quốc như Mỹ cũng quay lại phát triển rất mạnh, hay là Nga, Nhật Bản, Pháp. Thậm chí Anh bây giờ cũng đã đặt hàng đến Pháp để phát triển điện hạt nhân.
Có thể nói xu thế phát triển điện hạt nhân trong những năm đầu của thiên niên kỷ mới này có một sự phục hồi rất mạnh mẽ trên phạm vi thế giới.
Theo những thông tin mà chúng được biết, trên 60 nước đang phát triển như Việt Nam đã đề xuất với cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế giúp đỡ để xây dựng chương trình phát triển điện hạt nhân.
VOA: Ông có thể cho biết 8 địa điểm, hay chưa thể công bố?
TS Vương Hữu Tấn: Các địa điểm đã công bố rồi, đó là ở Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Ninh Thuận – 5 tỉnh với 8 địa điểm.
VOA: Thưa Tiến sĩ, tiêu chuẩn nào để định ra những địa điểm đó?
TS Vương Hữu Tấn: Tất nhiên là có 2 bộ tiêu chí. Tiêu chí thứ nhất liên quan đến vấn đề an toàn, địa chất, địa hình địa mạo, rồi vấn đề đảm bảo cung cấp nước làm mát, rồi nước phục vụ cho việc xây dựng và vận hành nhà máy. Rồi tiêu chí về vấn đề kinh tế, như phải gần khu tiêu thụ hoặc gần lưới điện quốc gia, ví dụ như vậy.
Trên cơ sở những tiêu chí đó, những nghiên cứu sơ bộ của Việt Nam đã đưa những vị trí đó vào quy hoạch. Sau khi vào quy hoạch rồi, để mà làm nhà máy điện hạt nhân mình phải có những nghiên cứu sâu hơn nữa, khoan, rồi các số liệu địa chất địa hình. Trên cơ sở đó, mình sẽ quyết định vị trí đó có đáp ứng được yêu cầu hay không.
VOA: Thưa ông, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ đặt tại đâu?
TS Vương Hữu Tấn: Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, tức là nhà máy điện hạt nhân số 1 sẽ làm tại Phuớc Dinh, tỉnh Ninh Thuận, cách Phan Rang 20 cây số về phía nam. Và chính phủ đã quyết định dành cho Nga làm đối tác xây dựng.
VOA: Thưa Tiến sĩ, tại sao là Nga chứ không là Hoa Kỳ, hay một thành viên của NATO chẳng hạn, kể cả Trung Quốc, nếu chúng ta có hy vọng giá thành rẻ hơn?
TS Vương Hữu Tấn: Tất nhiên làm điện hạt nhân gắn liền với rất nhiều yếu tố, kể cả chính trị, kinh tế. Thường tuổi thọ của nhà máy điện hạt nhân là cả trăm năm. Cho nên quan hệ giữa các nước rất là quan trọng. Cá quan hệ mang tính chất đối tác, chiến lược lâu dài. Có thể nói Việt Nam và Nga là hai nước đã có quan hệ lịch sử, truyền thống rất lâu rồi.
Và một điểm quan trọng nữa là công nghệ của Nga là một công nghệ tốt, và nhiều nước đã nhập của Nga, ví dụ như Trung Quốc, Iran, và một số nước đông Aâu cũng đã nhập công nghệ của Nga.
VOA: Thưa Tiến sĩ, các dự án điện hạt nhân rất tốn kém. Ví dụ như hợp đồng với Nga, trị giá hợp đồng lên đến 5 tỉ đôla. Ai tài trợ cho các dự án này?
TS Vương Hữu Tấn: Thường đối tác sẽ cung cấp tài chánh. Ví dụ như hiện nay chính phủ Nga cam kết cung cấp 100% tổng hợp đồng của dự án, phần còn lại Việt Nam sẽ thu xếp.
VOA: Thưa ông, hình thức hợp tác để triển khai dự án này – Việt Nam sẽ là chủ hoàn toàn hay liên doanh?
TS Vương Hữu Tấn: Việt Nam sẽ là chủ hoàn toàn của nhà máy.
VOA: Như vậy Việt Nam sẽ tham gia khâu nào trong tiến trình xây dựng để đưa nhà máy đi vào hoạt động?
TS Vương Hữu Tấn: Hiện hiệp liên chính phủ mới xác định một cái khung thôi, tức là tổng thầu sẽ là cơ quan của Nga. Và trên cơ sở đó họ sẽ phân định một số việc cho các nhà thầu, các cơ quan của Việt Nam có đủ điều kiện trên cơ sở phải đảm bảo được chất lượng theo tiêu chí, thì mới được tham gia.
VOA: Khi nhà máy đi vào hoạt động thì đơn vị nào đứng ra vận hành nhà máy?
TS Vương Hữu Tấn: Tập đoàn điện lực Việt Nam, EVN.
VOA: Khi nhà máy được giao cho Việt Nam, thì Việt Nam sẽ vận hành hoàn toàn hay vẫn đi từng bước?
TS Vương Hữu Tấn: Tất nhiên hợp đồng này sẽ là hợp đồng chìa khóa trao tay. Phía Nga sẽ xây dựng và chuyển giao cho Việt Nam để vận hành. Tất nhiên thì phải có một số năm. Chẳng như Trung Quốc phải mất 5 năm, rồi các chuyên gia Nga mới rút được. Việt Nam thì tôi cũng chưa biết. Sau đó trong quá trình mình sẽ bàn thảo cụ thể là sau bao nhiêu năm thì các chuyên gia sẽ rút hoàn toàn và Việt Nam sẽ làm chủ hoàn toàn. Cái đó sẽ được thảo luận sắp tới.
VOA: Thưa Tiến sĩ, khi nhà máy đi vào hoạt động thì sẽ đặt đến vấn đề nhiên liệu. Ai sẽ cung cấp nhiên liệu cho nhà máy?
TS Vương Hữu Tấn: Đấy là một trong 6 điều kiện của Việt Nam khi đàm phán về xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Nga đã đáp ứng, tức là Nga đảm bảo sẽ cung cấp đủ nhiên liệu cho toàn bộ vòng đời của nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam.
VOA: Thế còn kế hoạch sản xuất nhiên liệu hạt nhân của Việt Nam?
TS Vương Hữu Tấn: Tất nhiều điều đó không có nghĩa là Việt Nam sẽ từ bỏ cái việc sản xuất nhiên liệu. Trong định hướng của thủ tướng về quy hoạch phát triển điện hạt nhân có nói rằng về lâu dài chúng ta cũng phải tìm các công nghệ chế tạo nhiên liện. Tức là chúng ta nhập khẩu uranium đã làm giàu của nước ngoài về, và mình sẽ xử lý các bó nhiêu liệu đó để cung cấp nhiên liệu về mặt lâu dài cho điện hạt nhân Việt Nam.
VOA: Xin ông cho biết rủi ro của nhà máy điện hạt nhân, và kế hoạch ứng phó, đối phó?
TS Vương Hữu Tấn: Công trình nào cũng có những rủi ro, thì tất nhiên cũng phải có những nghiên cứu về những vấn đề đó để giảm thiểu những rủi ro. Đối với công trình nhà máy điện hạt nhân thì người ta quan tâm nhiều nhất là vấn đề về an toàn. An toàn là để tránh xảy ra những sự cố trong vận hành sau này. Thì từ lúc thiết kế, mình cũng phải quan tấm đến vấn đề đó. Trong quá trình xây dựng chúng ta cũng phải quan tâm đến vấn đề đó. Và sau đó là đội ngũ cán bộ vận hành, bảo dưỡng cũng phải quan tâm, để đảm bảo sao cho dự án phải an toàn.
Đấy là một mục tiêu rất quan trọng của dự án khi hợp tác với Nga, bởi vì đây là dự án đầu tiên của Việt Nam, cho nên đấy là một quan tâm rất lớn của lãnh đạo cũng như cán bộ.
VOA: Khi nói đến rủi rỏ, thì thông thường trong kinh tế hay trong các công trình xã hội, người ta thường liên tưởng đến vấn đề bảo hiểm. Các công trình nhà máy điện hạt nhân như thế này có được bảo hiểm hay không, và ai là người đứng ra bảo hiểm?
TS Vương Hữu Tấn: Đối với tại nạn rủi ro hạt nhân thì nó có một công ước riêng về bồi thường thiệt hại hạt nhân. Hiện nay Việt Nam đang nghiên cứu, chưa tham gia công ước này. Tôi Nghĩ rằng Việt Nam cũng sẽ sớm tham gia công ước.
VOA: Thưa ông, kế hoạch điện hạt nhân của Việt Nam có gặp những ý kiến chống đối hay không, ở trong nước lẫn nước ngòai?
TS Vương Hữu Tấn: Tôi có thể nói dự án điện hạt nhân đạt được sự đồng thuận rất cao. Ví dụ như ở địa phương ninh thuận chẳng hạn, hội đồng nhân dân tập hợp ý kiến của đại biểu nhân dân ba cấp, là hoàn toàn ủng hộ chủ trương này. Và trên cơ sở đó mới kiến nghị với quốc hội, và ngày 25 tháng 11 năm ngoái quốc hội đã thông qua. Nói chung nhân dân địa phương rất ủng hộ.
VOA: Có những thông tin nói rằng Hoa Kỳ đang nghiên cứu đến việc sẽ giúp Việt Nam triển khai các dự án tinh chế nhiên liệu hạt nhân, điều đó đúng không?
TS Vương Hữu Tấn: Hiện nay giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký biên bản ghi nhớ năm vừa rồi, và hiện hai bên đang đàm phán để tiến tới ký hiệp định hợp tác về sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình theo quy định của luật Mỹ, gọi là hiệp định 1-2-3. Tất nhiên cái khung của hiệp định cũng theo những quy định chung của thế giới, liên quan đến những quy định về bảo đảm về an ninh, rồi vấn đề tái chế hay làm giàu. Tôi nghĩ theo những quy định chung thì Việt Nam sẽ không làm giàu và không tái chế, chứ không có những trường hợp ngoại lệ là Hoa Kỳ cho Việt Nam làm những cái này, và cấm các nước khác làm những cái đó. Chắc là không có chuyện đó.
Việt Nam đang đẩy mạnh kế hoạch phát triển điện hạt nhân để đến năm 2030 có thể sản xuất đến 10% sản lượng điện quốc gia. Từ Hà Nội, phóng viên Tấn Chương của ban Việt ngữ đài VOA mời quý vị cùng theo dõi cuộc trao đổi với Giáo sư-Tiến Sĩ Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam, về kế hoạch điện hạt nhân của Việt Nam.