Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Byron Dorgan, một đảng viên Dân chủ đại diện cho tiểu bang North Dakota đã nhân vụ mất tích đầy bí ẩn của luật sư Trung Quốc tranh đấu Cao Trí Thịnh để nhấn mạnh đến vấn đề ngày càng nghiêm trọng trong một phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ hôm qua về các tù nhân chính trị ở Trung Quốc.
Ông Dorgan nói: “Năm ngoái, ông Cao đã bị mật vụ bắt cóc từ nhà sau khi vợ và hai đứa con nhỏ của ông rời khỏi Trung Quốc để xin tỵ nạn ở Hoa Kỳ. Lúc đó, người ta chỉ biết là ông đã mất tích. Nay thì chúng ta biết được rằng trong hơn 1 năm trời, mật vụ đã đẩy ông từ địa điểm này đến địa điểm khác và ông đã bị hành hạ cả thể chất lẫn tâm lý.”
Ông Dorgan hiện là chủ tịch Uỷ ban Thanh tra Quốc hội về Trung Quốc, nói rằng sau những lời của các nhà lập pháp Hoa Kỳ, của ủy ban của ông và vì sự chú ý của toàn thế giới, ông Cao đã được tha trong thời gian khoảng 2 tuần vào tháng 3 trước khi lại bị lực lượng an ninh Trung Quốc bắt đi một lần nữa.
Ông Dorgan cho biết: “Việc nhà nước buộc ông phải mất tích cho thấy nhà nước hoàn toàn coi thường pháp trị và các quyền của cá nhân con người.”
Nhà chức trách Trung Quốc đã cho biết rất ít thông tin có liên quan đến tình trạng của ông Cao, nhưng nhấn mạnh rằng vụ này đang được xử lý theo đúng luật pháp của Trung Quốc.
Ông Cao nổi tiếng nhờ bênh vực các nạn nhân của những vụ hành nghề y tế sái quấy và các chủ đất bị truất quyền sở hữu. Những nhà hoạt động, các chuyên gia pháp lý và giới ủng hộ nhân quyền nói rằng ông chỉ là một trong số ngày càng nhiều những người ở Trung Quốc bị nhắm làm mục tiêu, trong đó có những người muốn bầy tỏ ý kiến trên mạng, những người làm việc cho các tổ chức phi chính phủ hay các luật sư muốn đại diện cho thân chủ của mình.
Ra điều trần truớc cùng một ủy ban, ông Joshua Rosenzweig, giám đốc của Quỹ Đối Thoại, nói rằng một vụ trấn át ngày càng mạnh ở Trung Quốc đã nhắm mục tiêu vào các nhóm sắc tộc thiểu số, những người chỉ trích chính phủ và đặc biệt là những người tranh đấu cho nhân quyền.
Ông Rosenzweig nói: “Kể từ khoảng đầu năm 2008, đã có những dấu hiệu rõ ràng là tiến bộ trước đó hướng tới pháp trị ở Trung Quốc đã khựng lại hoặc còn bị đảo ngược và càng ngày càng có nhiều bằng chứng rằng một cuộc trấn át đang được xúc tiến.”
Từ hơn 1 thập niên, Quỹ Đối Thoại của ông Rosenzweig đã thu thập tài liệu về vụ bắt giam các cá nhân ở Trung Quốc bị bỏ tù vì lên tiếng bầy tỏ quan điểm chính trị hay tôn giáo. Ông nói bằng chứng của vụ trấn át có thể nhìn thấy qua sự gia tăng các vụ truy tố cá nhân về tội gây nguy hiểm cho an ninh nhà nước.
Ông Rosenzweig nói tiếp: “Một loại trọng tội bao gồm những vi phạm được định nghĩa một cách độc đoán và mơ hồ như ly khai, kích động lật đổ chính quyền và chuyển lậu bí mật nhà nước cho các thực thể ở nước ngoài.”
Ông Rosenzweig nói những vụ bắt giữ vì gây nguy hiểm cho bí mật nhà nước tăng hơn gấp đôi trong năm 2008, và những vụ bắt giữ vì gây nguy hiểm cho an ninh nhà nước đã được thực hiện trong năm 2008 và 2009 nhiều hơn so trong thời gian năm năm trước đó.
Ông Vạn Diên Hải, một người nổi tiếng hoạt động cho bệnh AIDS đã trốn khỏi Trung Quốc cùng với gia đình trước đây trong năm, nói rằng sự trợ giúp từ nước ngoài là cấp thiết.
Ông Vạn cho biết: “Các lực lượng dân chủ xã hội dân sự Trung Quốc đang phát triển nhanh và tôi cho rằng đây là thời điểm chủ chốt cho các xã hội tây phương góp một bàn tay cho những người bênh vực nhân quyền, các tổ chức xã hội văn minh và các đảng dân chủ ở Trung Quốc.”
Ông Vạn nói ông rời khỏi Trung Quốc khi thấy rõ rằng nhà cầm quyền sắp có hành động bắt giữ ông.
Bà Sophie Richardson, một chuyên gia về Trung Quốc của tổ chức Human Rights Watch ở thủ đô Washington, nói rằng việc bỏ tù vì chính trị đã xuống đến các mức thấp nhất về tính độc đoán và những vụ việc mới đây nêu bật cách thức bất cứ ai cũng có thể bị truy tố.
Bà Richardson nói: “Tất cả các hành vi có thể bị nhà nước trả thù bằng một hình thức nào đó. Thành quả về kinh doanh của bạn hôm nay có thể trở thành một gánh nặng vào ngày mai. Lời kêu gọi chấm dứt bạo động của bạn hồi năm ngoái có thể đưa bạn đến tình thế nguy ngập hôm nay. Việc bạn tán đồng chính phủ vào bất kỳ thời điểm nào không phải là một bảo đảm cho một đời sống không bị sách nhiễu.”
Bà Richardson nói sự phát triển của xã hội văn minh, pháp trị, một chế độ vững chắc và thương mại công bằng sẽ lâm nguy chừng nào mà những người chia sẻ các quan điểm đó ở Trung Quốc bị chính phủ của họ coi là những tiềm năng đe dọa. Bà kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ hãy xem xét tình hình kỹ hơn.
Bà Richardson nói thêm: “Hoa Kỳ phải hết sức quan tâm về việc chính phủ Trung Quốc xách nhiễu công dân của họ. Chỉ khi nào sự bất đồng một cách ôn hoà được dung dưỡng, thì nước này mới có thể được coi là minh bạch hay ổn định được.”
Bà Richardson nói Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton phải đưa ra một phát biểu mạnh và rõ ràng về mối quan tâm của Washington đối với môi trường nhân quyền ở Trung Quốc. Bà Richardson cũng kêu gọi Tổng thống Barack Obama gặp các cựu tù nhân chính trị Trung Quốc ở Tòa Bạch Ốc để chứng tỏ sự ủng hộ của Washington dành cho các quyền xã hội phổ cập ở Trung Quốc.
Những người hoạt động cho nhân quyền ở Hoa Kỳ và các chuyên gia pháp lý nói rằng Trung Quốc ngày càng sử dụng các án tù và giam giữ để trấn át tất cả các hình thức bầy tỏ ý kiến một cách bất bạo động. Họ kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ chú ý nhiều hơn đến xu hướng này và tiếp xúc với Bắc Kinh về các vấn đề nhân quyền. Từ thủ đô Washington, thông tín viên VOA William Ide ghi nhận thêm chi tiết.