Nhà báo Hồ Bình, Chủ bút tạp chí Mùa Xuân Bắc Kinh (Beijing Spring), cho đài VOA biết rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ tiếp tục tạo ra một mối lo ngại lớn cho các nước Á châu và cho cả thế giới nếu chính phủ ở Bắc Kinh không tiến hành các biện pháp cải cách dân chủ. Mời quí thính giả theo dõi thêm chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu với Duy Ái sau đây.
Quí vị vừa nghe một số âm thanh của một vụ xuống đường biểu tình ở Trung Quốc, những vụ việc không ngớt xảy ra trong lúc sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc tiếp tục gia tăng một cách nhanh chóng. Một số các nhà phân tích cho rằng những vụ phản kháng này là một dấu hiệu cho thấy chính quyền Trung Quốc đang dần dà chấp nhận việc dân chúng bày tỏ những ý kiến bất đồng. Tuy nhiên, các nhà tranh đấu nhân quyền và dân chủ cùng với các chuyên gia pháp luật nói rằng thái độ tương đối bao dung này đã thay đổi.
Tại cuộc điều trần mới đây ở quốc hội Hoa Kỳ, giáo sư Jerome Cohen – một chuyên gia về pháp luật Trung Quốc của Đại học Luật khoa New York, cho biết rằng những luật lệ hình sự có tính chất mơ hồ của Trung Quốc cho phép giới hữu trách xếp nhiều loại vụ việc khác nhau vào diện tội phạm chính trị.
Ông Cohen nói: "Nhiều vụ việc khác nhau, từ những vụ tranh chấp đất đai, tranh chấp tài sản, cho tới những vấn đề về môi trường, những vụ tranh chấp lao động và những vấn đề liên quan tới chính sách hạn chế sinh đẻ; tất cả những vụ tranh chấp ở tầm mức địa phương này thường làm cho người dân trở thành tù chính trị vì họ không có phương tiện thỏa đáng để bày tỏ sự phản đối một cách ôn hòa. Dĩ nhiên là nhiều người đã bị bỏ tù."
Vụ án của ông Trần Quang Thành là một vụ việc có tính chất tiêu biểu. Vị luật sư tự học và bị mù này đã bị tuyên án 4 năm tù về tội “phá hủy tài sản và tổ chức khích động gây rối” sau khi ông thu thập hồ sơ về những vụ cưỡng bức phá thai và những hành vi lạm quyền khác của các giới chức kế hoạch hóa gia đình ở tỉnh Sơn Đông.
Trong lúc án tù của ông Trần Quang Thành sẽ mãn hạn vào tháng 9 tới đây, các chuyên gia nhân quyền nói rằng việc bách hại ông có phần chắc là sẽ không kết thúc. Giáo sư Cohen nói rằng quyền chính trị và quyền con người của các tù nhân chính trị thường bị tước đoạt trong nhiều năm sau khi họ được thả.
Giáo sư Cohen cho biết: "Sau thời gian bị giam cầm, những người này thường bị tiếp tục theo dõi, bị quản thúc tại gia, bị hạn chế đủ điều trong sinh hoạt thường nhật mà không có quyền hạn pháp lý nào cả."
Ông Joshua Rosenzweig, một nhà nghiên cứu của Quỹ Đối thoại (Dui Hua Foundation), cho biết sự trấn áp của chính phủ Trung Quốc đã gia tăng trong vài năm gần đây.
Ông Rosenzweig nói: "Từ khoảng đầu năm 2008 đã có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy là những tiến bộ trước đây của Trung Quốc trên con đường tiến tới chế độ pháp trị đã bị khựng lại, thậm chí còn bị đảo ngược, và ngày càng có nhiều dấu hiệu là hành động đàn áp đang tiếp diễn."
Quỹ Đối thoại là một tổ chức nhân quyền chuyên vận động để các tù nhân chính trị ở Trung Quốc được phóng thích hoặc được thả sớm vì lý do sức khỏe. Ông Rosenzweig cho biết tổ chức này đã hoàn tất một danh sách gồm 5 ngàn 800 người bị cầm tù ở Trung Quốc vì bày tỏ một cách ôn hòa những ý kiến của họ về các vấn đề chính trị và tôn giáo. Ông Rosenzweig cho rằng sự gia tăng đàn áp có thể là kết quả của sự củng cố thế lực của phe bảo thủ ở Trung Nam Hải.
Ông Rosenzweig nhận xét: "Tôi tin rằng tình hình mà tôi mô tả ở đây là hậu quả của việc giới lãnh đạo Trung Quốc nhượng bộ trước áp lực của những phần tử cứng rắn trong đảng, những người nghĩ rằng việc áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc là quan trọng hơn việc xây dựng chế độ pháp trị."
Bà Sophie Richardson, Phó giám đốc bộ phận Á châu của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, kêu gọi chính phủ ở Washington lưu tâm nhiều hơn tới vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc và ra sức giúp đỡ cho những người đang tranh đấu để xây dựng thể chế pháp trị tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. Bà nói thêm rằng sự phát triển của một xã hội văn minh, cai trị theo pháp luật ở Trung Quốc sẽ bị tổn hại vì sự đàn áp của nhà cầm quyền đối với những người bày tỏ ý kiến bất đồng.
Bà Richardson nói: "Hoa Kỳ nên tiếp tục quan tâm sâu sắc về sự bách hại của Trung Quốc đối với công dân của họ. Nếu Trung Quốc không chấp nhận sự bày tỏ ý kiến bất đồng một cách ôn hòa thì chúng ta không thể trông đợi là nền chính trị của họ sẽ có tính chất minh bạch hoặc ổn định."
Thượng nghị sĩ Byron Dorgan, Chủ tịch Ủûy hội lập pháp-hành pháp Hoa Kỳ về Trung Quốc (Congressional-Executive Commission on China / CECC), nói rằng những nhận định đó cho thấy quan hệ Mỹ-Trung đang ở vào một “thời điểm quan trọng” và Trung Quốc cần phải thay đổi cách hành xử trong lãnh vực nhân quyền nếu muốn trở thành một cường quốc lãnh đạo thế giới.
Nhà báo Hồ Bình, chủ biên tạp chí Mùa Xuân Bắc Kinh ở New York, tán đồng ý kiến của thượng nghị sĩ Dorgan. Ông nói thêm rằng xung đột giữa Hoa Kỳ với một nước Trung Quốc đang trỗi dậy dưới chế độ cai trị độc tài là một việc không thể tránh được.
Ông Hồ Bình nói: "Tôi nghĩ rằng có một điều mà mọi người ai nấy đều biết là nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục nằm dưới sự cai trị độc tài độc đảng của đảng Cộng Sản thì sự xung đột giữa một cường quốc độc tài đang trỗi dậy như vậy với Hoa Kỳ là điều sớm muộn gì cũng xảy ra. Để tránh xung đột thì có một điều rất quan trọng là chính Trung Quốc phải tiến hành những biện pháp cải cách chính trị."
Tình hình nhân quyền Trung Quốc đã xuống cấp rõ rệt trong vài năm qua. Đó là nhận định mà các chuyên gia về Trung Quốc và các nhà hoạt động nhân quyền quốc tế đưa ra tại một cuộc điều trần ở quốc hội Hoa Kỳ hồi đầu tháng 8. Thượng nghị sĩ Byron Dorgan, Chủ tịch Ủy hội lập pháp-hành pháp Hoa Kỳ về Trung Quốc (Congressional-Executive Commission on China / CECC), nói rằng nhận định đó cho thấy quan hệ Mỹ-Trung đang ở vào một “thời điểm quan trọng” và Trung Quốc cần phải thay đổi cách hành xử trong lãnh vực nhân quyền nếu muốn trở thành một cường quốc lãnh đạo thế giới
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1