Các cơ quan truyền thông nhà nước cho hay quân đội Trung Quốc trong tuần này đã tiến hành cuộc thao diễn lớn nhất thuộc loại này kể từ khi quân đội được thành lập với danh xứng Quân đội Giải phóng Nhân dân.
Tân Hoa Xã loan tin nhiều tàu chiến, tàu ngầm, và máy bay chiến đấu đã tham gia các cuộc tập bắn thực tổ chức hôm thứ Hai ở vùng Biển Nam Trung Quốc.
Các cuộc thao diễn, không được công bố trong 3 ngày, được đặt dưới sự giám sát của các nhà lãnh đạo cấp cao trong quân đội, kể cả tham mưu trưởng quân đội Trần Bỉnh Đức.
Đài Truyền hình Trung ương chính thức của Trung Quốc trích thuật lời ông Trần Bỉnh Đức nói rằng họ phải theo dõi tình hình ở Biển Nam Trung Quốc và chuẩn bị cho các cuộc xung đột quân sự có thể xảy ra.
Các chuyên gia phân tích nói rằng cuộc biểu dương khả năng quân sự sẽ nêu lên những mối quan ngại giữa các quốc gia Đông Nam Á đang tranh giành chủ quyền các hòn đảo với Trung Quốc trong vùng Biển Nam Trung Quốc.
Ông Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore. Oâng nói cuộc thao diễn là một thông điệp báo cho Hoa Kỳ biết là Trung Quốc bất bình trước sự kiện Hoa Kỳ can dự vào các vụ tranh chấp chủ quyền. Nhưng ông Storey cho rằng các cuộc thao diễn quân sự cũng sẽ được các nước khác trong khu vực nhìn bằng một con mắt tiêu cực.
Ông Storey nói: “Đối với các nước ở Đông Nam Á và các nơi khác, kể cả những nước như Nhật Bản, họ sẽ coi đây là một thí dụ điển hình khác của thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong vùng Biển Nam Trung Quốc.”
Trung Quốc đã thực thi lời tuyên bố đòi chủ quyền của mình trong vùng Biển Nam Trung Quốc qua việc bắt giữ những tàu đánh cá của Việt Nam và làm áp lực các công ty dầu khí tây phương không được làm ăn với Việt Nam.
Hải quân Hoa Kỳ cho hay năm ngoái các tàu của Trung Quốc đã xách nhiễu một trong các tầu của hải quân Mỹ trong vùng hải phận quốc tế mà Trung Quốc đòi chủ quyền.
Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ hải quân trên đảo Hải Nam miền nam, gây ra những mối quan ngại rằng họ nhắm đưa quyền lực vào các tuyến hàng hải quan trọng hơn.
Brunei, Malaysia, Philippin, Đài Loan và Việt Nam cũng đòi chủ quyền các hòn đảo và vùng nước trong Biển Nam Trung Quốc.
Trung Quốc đã tăng tỷ lệ dự chi quân sự lên hai con số mỗi năm từ hơn 1 thập niên, khơi ra những mối quan ngại về ý đồ của Bắc Kinh.
Trung Quốc nói số dự chi nhắm hiện đại hoá quân đội của họ nhưng vẫn tiếp tục đòi chủ quyền Đài Loan mà họ nói là phải được tái thống nhất với lục điạ Trung Quốc, bằng vũ lực nếu cần.
Ông Carl Thayer là một giáo sư chính trị học tại trường Đaị học New South Wales của Australia. Ông nói các hành động của Trung Quốc đã làm tăng thêm căng thẳng trong vùng.
Ông Thayer nói: "Bất cứ điều gì mà Trung Quốc cho là có tính cách phòng vệ có liên quan đến Hoa Kỳ hay Đài Loan đều gây ra những mối lo ngại về an ninh ở Đông nam châu Á...vì thế đây là một thời điểm, tôi không muốn là người lúc nào cũng tiên đoán những điềm xấu, nhưng đây là một thời điểm cần gióng lên những hồi chuông báo động, rất sớm, để báo rằng đây là lúc mà cơ cấu khu vực phải tìm cách giải quyết các căng thẳng này và ngăn ngừa đừng để cho tình hình trở nên tệ hại hơn.”
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuần trước nói với một diễn đàn an ninh khu vực ở Hà Nội rằng Washington sẵn sàng tạo điều kiện cho một cuộc đối thoại đa phương về các vụ tranh chấp. Bà nói Hoa Kỳ phản đối việc dùng sức ép và đe doạ hay sử dụng vũ lực.
Trung Quốc đã đáp lại bằng cách gọi các lời nhận định đó là một sự tấn công vào Trung Quốc và một mưu đồ quốc tế hóa các vấn đề mà họ muốn giải quyết một cách song phương.
Một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Cảnh Nhạn Sinh hôm nay lập lại những lời phản đối các nhận định của bà Clinton và tuyên bố đòi chủ quyền của Trung Quốc trong vùng biển Nam Trung Quốc. Nhưng ông Cảnh nói Trung Quốc sẽ không can thiệp với các tầu biển và máy bay của nước ngoài đi qua khu vực chừng nào luật quốc tế vẫn được tôn trọng.
Các cuộc tập trận diễn ra vaò lúc quân đội Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên đang tiến hành những cuộc thao diễn tương tự trong Biển Nhật Bản.
Các cuộc thao diễn chung là một sự biểu dương lực lượng với Bắc Triều Tiên, mà Seoul và Washington quy trách về vụ đánh đắm một chiếc tầu chiến của Nam Triều Tiên làm 46 thủy thủ thiệt mạng.
Bình Nhưỡng phủ nhận trách nhiệm và cả Bắc Triều Tiên lẫn Trung Quốc đều phản đối các cuộc tập trận.
Chưa rõ liệu các cuộc thao diễn quân sự của Trung Quốc đã được hoạch định từ trước hay là hành động đáp lại các cuộc thao diễn của Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên.
Nhưng báo China Daily của nhà nước đã liên kết hai sự kiện và nói rằng các cuộc thao diễn của Trung Quốc chỉ là một trong nhiều cuộc thao diễn mà Quân đội Giải phóng Nhân dân thực hiện trước và sau các cuộc tập trận của Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên.
Trung Quốc cho hay đã tổ chức một cuộc thao diễn quân sự quy mô lớn trong vùng biển Nam Trung Quốc, mà Việt Nam gọi là Biển Ðông, trùng hợp với các cuộc tập trận trong Biển Nhật Bản của Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên. Các chuyên gia phân tích nói việc Trung Quốc biểu dương lực lượng nhằm mục đích gửi đi một thông điệp về tuyên bố chủ quyền trong vùng biển Nam Trung Quốc. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Daniel Schearf gửi về bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1