Đường dẫn truy cập

Vì sao Trung Quốc coi biển Đông là ‘mối quan tâm chủ đạo’?


Tiến sĩ Giản Quân Ba nói các nước láng giềng của Trung Quốc 'đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan'.
Tiến sĩ Giản Quân Ba nói các nước láng giềng của Trung Quốc 'đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan'.

Thưa quý vị, mới đây, nhân Diễn đàn Khu vực ASEAN, giới chức ngoại giao hàng đầu Trung Quốc và Việt Nam tuyên bố hai nước sẽ tiếp tục ‘củng cố quan hệ’ dù vẫn còn bất đồng về chủ quyền lãnh hải ở biển Đông (mà Trung Quốc gọi là biển Nam Trung Hoa). Hà Nội gần đây tìm cách quốc tế hóa tranh chấp biển đảo, nhưng Bắc Kinh nhất mực cho rằng đây là vấn đề song phương. Chính quyền đất nước đông dân nhất thế giới gần đây còn tuyên bố rằng biển Nam Trung Hoa là một trong những ‘mối quan tâm chủ đạo’ của họ như Đài Loan và Tây Tạng. Các động thái trên liệu có làm dậy sóng vùng biển Đông, Nguyễn Trung đã hỏi chuyện Tiến sĩ Giản Quân Ba thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Phục Đán, Thượng Hải. Mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này.

VOA: Theo đánh giá của ông, các quốc gia láng giềng cảm thấy như thế nào về tuyên bố gần đây của Trung Quốc rằng biển Nam Trung Hoa (biển Đông) là một trong những ‘mối quan tâm chủ đạo’ của họ?

Tiến sĩ Giản Quân Ba: Rõ ràng là không ai trong số các nước láng giềng có tranh chấp với Trung Quốc ở biển Nam Trung Hoa lại cảm thấy vui khi Bắc Kinh tuyên bố vùng biển này là một trong những ‘mối quan tâm chủ đạo’ của họ. Trung Quốc cũng từng tuyên bố điều này với Đài Loan và Tây Tạng.

Theo tôi, một số nước nằm cạnh Trung Quốc đang ở trong tình thế ‘tiến thoái lưỡng nan’. Trung Quốc là một người láng giềng khổng lồ nên họ không thể tách khỏi nước này cả về mặt địa lý và kinh tế. Trung Quốc đóng vai trò rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế của các nước khác, nhưng cũng là một thách thức lớn về các quyền lợi địa chính trị đối với các nước láng giềng.

VOA: Tuyên bố như vậy liệu có dẫn tới tình trạng bất định và căng thẳng leo thang ở biển Đông không, thưa ông?

Tiến sĩ Giản Quân Ba: Tôi cho rằng trong khoảng thời gian vài năm tới, xét về một mức độ nào đó, chạy đua vũ trang sẽ gia tăng ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Nhật Bản và các quốc gia thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có lẽ sẽ tìm kiếm các mối quan hệ gần gũi hơn nữa với Hoa Kỳ về mặt chính trị. Ngoài ra, ASEAN có thể sẽ đoàn kết nội bộ để hợp nhất hơn trong việc đối phó với Trung Quốc.

Về lâu dài, tôi cho rằng chính sách cứng rắn hơn của Trung Quốc đối với biển Nam Trung Hoa sẽ mang lại các cuộc đàm phán mang tính xây dựng và thực tế hơn giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng vì thực ra các chính sách mang tính hòa nhã của họ đã dẫn tới quá nhiều xung đột và các căng thẳng tiềm tàng. Một phần bởi vì các nước láng giềng coi Trung Quốc là ‘con hổ giấy’, nên không sẵn lòng tuân theo nguyên tắc ‘gác lại tranh chấp để cùng phát triển’. Nhưng giờ thì họ sẽ phải chú ý tới thái độ và quan điểm của Trung Quốc.

Tóm lại, tuyên bố trên của Trung Quốc sẽ gây cẳng thẳng trước mắt, nhưng về lâu về dài, nó sẽ mở đường cho các cuộc đối thoại mang tính xây dựng về vấn đề biển Đông.

VOA: Theo quan điểm của ông, vì sao Trung Quốc ngày càng trở nên kiên quyết khẳng định chủ quyền lãnh hải hơn?

Tiến sĩ Giản Quân Ba: Đúng là Bắc Kinh đang ngày càng kiên quyết hơn. Còn tại sao ư? Thứ nhất, trong mắt Trung Quốc, các nước láng giềng của họ ngày càng tích cực đơn phương xâm chiếm các hòn đảo tranh chấp. Giờ ngày càng có nhiều hòn đảo ở biển Nam Trung Hoa nằm dưới sự chiếm đóng của các nước láng giềng. Đây là một vấn đề cấp thiết và ngày càng nghiêm trọng.

Nếu Bắc Kinh không thể giải quyết vấn đề tranh chấp và xác lập chủ quyền ở những hòn đảo và vùng lãnh hải trước năm 2020, đây sẽ là một thách thức lớn đối với Trung Quốc, bởi vì theo một nguyên tắc của luật quốc tế, nếu một quốc gia chiếm đóng một vùng đất thành công trong hơn 50 năm, vùng đất đó có thể trở thành một phần của lãnh thổ nước này. Nhưng với điều kiện tiên quyết là việc chiếm đóng đó không bị các nước khác phản bác.

Cho dù Trung Quốc chưa bao giờ thừa nhận sự chiếm đóng của các nước láng giềng tại các hòn đảo ở biển Nam Trung Hoa, vẫn có một thách thức lớn đối với Bắc Kinh. Vào năm 2020, các hòn đảo đó sẽ bị chiếm đóng hơn 50 năm tính từ những năm 70. Và năm 2020 đang tới gần.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng muốn bảo vệ các tuyến vận tải quốc tế để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế mạnh mẽ cũng như duy trì thông thương bình thường với các nước khác. Biển Nam Trung Hoa là một tuyến hàng hải quốc tế quan trọng đối với Trung Quốc, và nước này không muốn vùng lãnh hải này bị nước khác kiểm soát.

VOA: Vì sao ông lại cho rằng một số nước đang ngày càng có tham vọng ‘củng cố quyền kiểm soát các hòn đảo ở biển Nam Trung Hoa?

Tiến sĩ Giản Quân Ba: Theo tôi thì các quốc gia đó đang ngày càng cảm thấy một cuộc khủng hoảng đang tới gần, phần lớn là vì sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc, trong đó có việc hiện đại hóa Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa. Các nước này muốn tiến hành nhiều hoạt động củng cố sự chiếm đóng trước khi Trung Quốc đủ mạnh để đối phó với vấn đề này. Cho dù Bắc Kinh chưa bao giờ tuyên bố sẽ sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp, tôi cho rằng các nước láng giềng vẫn lo ngại về viễn cảnh đó.

Thêm nữa, tại một số nước, tinh thần dân tộc dâng cao nên các chính phủ các nước cũng phải tỏ ra tham vọng muốn xác lập chủ quyền đối với các hòn đảo tranh chấp ở biển Đông.

Ngoài ra, theo tôi, một động cơ khác liên quan tới Hoa Kỳ vì các nước này nghĩ rằng họ có thể nhận được sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ nếu họ mạnh mẽ xác lập chủ quyền. Dường như họ có một người bạn đáng tin cậy về vấn đề này.

VOA: Có quan điểm cho rằng thái độ mạnh mẽ gần đây của Trung Quốc cho thấy nước này cũng bị tác động bởi tinh thần dân tộc ở trong nước về vấn đề biển Nam Trung Hoa. Ông nghĩ sao?

Tiến sĩ Giản Quân Ba: Thành thực mà nói, trong xã hội dân sự Trung Quốc, nhiều nhóm với các quan điểm khác nhau đã xuất hiện, trong đó có những nhóm tả khuynh thủ cựu, nhóm tả khuynh mới, nhóm cánh hữu hoặc những người có quan điểm tự do, diều hâu hoặc ôn hòa. Về vấn đề biển Nam Trung Hoa, tôi thấy công chúng, nhất là các công dân mạng trẻ tuổi, muốn chính phủ có thái độ và hành động mạnh mẽ. Một số người trong giới quân sự cũng có chung quan điểm như vậy, nhưng một số giới chức quân sự trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa có thái độ ôn hòa.

Theo ý kiến của tôi, Bắc Kinh không bị ảnh hưởng mạnh mẽ trước áp lực từ xã hội dân sự. Đối với những người Trung Quốc bình thường, vấn đề biển Nam Trung Hoa không phải là một chủ đề cấp thiết như các vấn đề nội địa khác như tham nhũng và bảo vệ môi trường. Tôi cho rằng Bắc Kinh không thay đổi chiến lược, nhưng giờ muốn nói rõ quan điểm.

VOA: Thưa ông, nguyên tắc ‘gác lại tranh chấp để cùng phát triển’ mà cố Chủ tịch Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đề ra liệu có vẫn sẽ được các nhà lãnh đạo hiện thời áp dụng không khi giải quyết tranh chấp ở biển Đông?

Tiến sĩ Giản Quân Ba: Tôi nghĩ rằng nguyên tắc này sẽ không tàn lụi đi, không phải bởi vì đây là một di sản của cố chủ tịch Đặng Tiểu Bình, mà còn vì đây là cách tốt nhất để Trung Quốc và các quốc gia láng giềng giải quyết tranh chấp ở biển Đông. Chủ tịch hiện nay là ông Hồ Cẩm Đào luôn nhấn mạnh lại nguyên tắc này khi đối thoại với nhà lãnh đạo quốc gia láng giềng. Trung Quốc và các quốc gia ASEAN đã ký vào tuyên bố của các bên về ứng xử ở biển Đông hồi năm 2002, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề biển Nam Trung Hoa thông qua hợp tác và đối thoại.

Việc từ bỏ hẳn nguyên tắc ‘gác lại tranh chấp để cùng phát triển’ và áp dụng chính sách sẽ chỉ làm cho khu vực trở nên bất ổn. Một khu vực Đông Nam Á ổn định phù hợp với quyền lợi của Trung Quốc. Theo tôi, Trung Quốc sẽ không bao giờ thay đổi mục đích ở biển Nam Trung Hoa và sẽ không bao giờ từ bỏ cách tiếp cận cũng như nguyên tắc hòa bình, dù rằng họ sẽ không bao giờ chịu nhượng bộ về vấn đề này.

Cám ơn Tiến sĩ Giản Quân Ba. Đến đây cũng đã kết thúc chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’, phát sóng vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy hàng tuần. Nếu quý vị muốn chia sẻ với các quý độc giả khác các tin tức hữu ích từ nơi mình sinh sống, xin gửi email về cho chúng tôi tại địa chỉ: vietnamese@voanews.com. Xin ghi trên tiêu đề là gửi chuyên mục 'Câu chuyện Việt Nam'. Xin quý vị gửi kèm các thông tin liên hệ cụ thể. Nguyễn Trung sẽ liên lạc với quý vị. Xin chân thành cám ơn và hẹn gặp lại trong chương trình tuần sau.

VOA Express

XS
SM
MD
LG