VOA: Ông đánh giá như thế nào về cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng mà Việt Nam mới tổ chức?
Ông Stapleton Roy: Diễn đàn là một bước tiến quan trọng vì các bộ trưởng quốc phòng ASEAN và các nước đối tác có cơ hội cùng ngồi lại với nhau để bàn thảo về các vấn đề cùng quan tâm. Rõ ràng điều này tốt hơn tình thế các vị bộ trưởng không thể cùng nhau đối thoại nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại.
Điều đáng chú ý là cả Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates và người đồng nhiệm Trung Quốc Lương Quang Liệt đã chính thức tham gia hội nghị.
Ngoài ra, cuộc họp diễn ra trong bối cảnh cả Bắc Kinh và Washington đang tiến hành những bước đi nhằm tái tham gia và hợp tác về lĩnh vực quân sự tại khu vực. Tôi cho rằng việc đó sẽ giúp ngăn chặn vấn đề biển Đông trở thành một yếu tố gây chia rẽ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
VOA: Nhưng biển Đông không nằm trong nghị trình của ADMM+ vừa qua. Liệu các cuộc họp trong tương lai có khả năng chính thức nêu lên vấn đề tranh chấp lãnh hải này không, thưa ông?
Ông Stapleton Roy: Tôi nghĩ rằng có khả năng vấn đề biển Đông sẽ được nêu lên tại cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng trong tương lai. Nhưng cũng cần phải nhớ rằng họ có nhiều vấn đề cần phải bàn thảo. Vậy nên, tôi không cho rằng tranh chấp ở biển Đông lại trở thành một chủ đề thảo luận trọng tâm tại cuộc họp này.
VOA: Vậy ADMM+ sẽ có tác động nào đó tới hợp tác an ninh khu vực giữa các nước tham gia đối thoại trong thời gian tới không?
Ông Stapleton Roy: Tôi cho rằng đây là một phần của tiến trình tìm cách thúc đẩy đối thoại giữa các nước đóng vai trò quan trọng ở khu vực trong các vấn đề liên quan tới tranh chấp ở biển Đông. Ngoài Trung Quốc, các nước này còn bao gồm cả các quốc gia trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á cũng như các đối tác khác.
VOA: Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt phát biểu tại cuộc họp ADMM+ rằng tiến trình củng cố quốc phòng của nước này ‘không nhằm thách thức hay đe dọa ai, mà để bảo đảm an ninh và thúc đẩy ổn định và hòa bình khu vực cũng như quốc tế’. Ông nhận định như thế nào về tuyên bố này?
Ông Stapleton Roy: Người Trung Quốc có câu tục ngữ, đại ý rằng bạn phải xem xét những gì tôi nói nhưng phải theo dõi những gì tôi làm. Tôi nghĩ rằng tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt về các chương trình quốc phòng của Trung Quốc là chính xác, nhưng đây cũng là cách các nước sử dụng để bào chữa cho chi tiêu quốc phòng của họ.
Vấn đề ở đây là, ông Lương nói đúng và xác định rõ các mục tiêu chiến lược quốc phòng của Trung Quốc, nhưng các nước trong đó có Hoa Kỳ sẽ theo dõi xem liệu thái độ và hành động của Trung Quốc có thực sự đúng với những tuyên bố đó hay không.
VOA: Ông đánh giá như thế nào về hợp tác gần đây giữa ASEAN với các nước đối thoại về vấn đề an ninh?
Ông Stapleton Roy: Tôi nghĩ việc hợp tác này diễn ra tốt đẹp trong thời gian qua. Không ai muốn theo đuổi một chính sách khống chế Trung Quốc, nhưng tất cả các bên đều mong muốn khu vực Đông Á, trong đó bao gồm biển Đông, ổn định và an toàn nhất có thể. Tôi nghĩ đó là hướng đi mà các cuộc thảo luận của các vị bộ trưởng tập trung vào.
VOA: Vậy các đối tác của ASEAN, đặc biệt là Hoa Kỳ, có thể làm gì để bảo đảm an ninh cho khu vực?
Ông Stapleton Roy: Tôi cho rằng một khi mối bang giao giữa Trung Quốc với các nước láng giềng cũng như Hoa Kỳ ngày càng tốt đẹp hơn, điều này sẽ dẫn tới nhiều khả năng chính quyền Bắc Kinh sẽ theo đuổi một cách tiếp cận nhằm giải quyết những khác biệt liên quan tới biển Đông thông qua đối thoại, đàm phán và tham vấn, thay vì sử dụng lực lượng quân sự.
VOA: Còn vai trò của Việt Nam trong tiến trình này như thế nào, thưa ông?
Ông Stapleton Roy: Việt Nam và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền toàn bộ các quần đảo ở khu vực biển Đông, chứ không phải từng hòn đảo một. Trong khi đó, theo tôi biết, các nước khác như Philippines, Brunei, Malaysia chỉ tuyên bố chủ quyền đối với một số hòn đảo lẻ gần nước họ. Tuyên bố chủ quyền của Việt Nam rộng lớn hơn. Đài Loan có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông rất giống với Trung Quốc.
Chính vì lẽ đó, quan điểm của Hà Nội và Bắc Kinh trong vấn đề này đặc biệt quan trọng. Việt Nam cũng là nước có chung biên giới với Trung Quốc, rồi Trung Quốc từng chiếm Hoàng Sa từ Việt Nam vài thập kỷ trước, nên rõ ràng là chính quyền Hà Nội rất quan tâm tới vấn đề này.
Việt Nam cũng phát triển các nguồn dầu khí ở ngoài khơi khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Cách thức Trung Quốc và Việt Nam hóa giải các bất đồng trong vấn đề tranh chấp này sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng.
Cám ơn ông Stapleton Roy. Đến đây cũng đã kết thúc chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’, phát sóng vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy hàng tuần. Quý vị có thể bình luận về bài tường thuật này cũng như đọc các tin tức mới nhất, xem các phóng sự video, bình luận, trao đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ www.voatiengviet.com cũng như trên các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 plus. Nguyễn Trung xin chân thành cám ơn và hẹn gặp lại trong chương trình tuần sau.