Thao: Em là Tạ Văn Thao, năm nay 15 tuổi. Em ở tỉnh Bắc Giang. Em bị u luypho, bắt đầu điều trị từ tháng 7 năm 2009.
Hương: Em tên Lê Thị Thu Hương, năm nay 18 tuổi, ở tỉnh Phú Thọ. Em bị mắc u luypho từ tháng 1 năm 2009.
Hòa: Em là Ngô Văn Hòa, ở tỉnh Nghệ An, năm nay em 16 tuổi. Em bị ung thư sau phúc mạc.
Chiến: Em tên Trần Văn Chiến, 13 tuổi, ở tỉnh Điện Biên. Em bị mắc bệnh ung thư máu từ năm 2008 tới nay.
Trà Mi: Các em có biết vì sao mình mắc căn bệnh ung thư hiểm nghèo không?
Hương: Năm 2008, em đi mổ lưng, bác sĩ ở bệnh viện Việt-Đức bảo em có khối u trong tủy. Bác sĩ bảo từ đấy mà phát ra bệnh ung thư.
Trà Mi: Trong gia đình có ai mắc căn bệnh này không em?
Hương: Dạ không ạ.
Trà Mi: Các em có hiểu biết về căn bệnh của mình không? Ung thư là như thế nào?
Hương: Ung thư hiện nay là căn bệnh ác tính, hiểm nghèo đứng đầu thế giới. Thế nhưng bây giờ khoa học tiên tiến và hiện đại cũng đã đẩy lùi được bệnh ung thư khá nhiều, và hy vọng sống của bệnh nhân ung thư cũng nhiều hơn mấy năm trước.
Trà Mi: Chẳng may bị mắc căn bệnh hiểm nghèo, cảm giác của các em như thế nào?
Hương: Lúc đầu mắc bệnh thì khó ai chấp nhận được tin ấy, nhưng sau mình cũng phải tìm hiểu và tin tưởng vào y bác sĩ rằng rồi thì mình sẽ khỏi.
Trà Mi: Thao thì sao? Em hiểu biết thế nào về căn bệnh của mình? Khi phát hiện mình bị bệnh, cảm giác của em lúc đó ra sao?
Thao: Em buồn và cũng không nghĩ là mình phải điều trị trong một thời gian dài, hơn nữa lại khắc nghiệt về thời gian, tiền bạc, và sự đau đớn như thế.
Chiến: Lúc đầu em chưa hiểu gì nhiều về căn bệnh nên thấy bình thường. Nhưng bây giờ em hiểu rồi, biết là hy vọng sống rất ít, nên em cảm thấy buồn.
Hòa: Em cũng buồn vì mới học hết lớp 9 thì bị mắc căn bệnh này, nên phải xin nghỉ học vì không học được nữa. Hiện nay em đang đi làm những công việc nhẹ nhẹ thôi.
Trà Mi: Em làm việc gì?
Hòa: Em đi biển ngoài này để phụ giúp gia đình, nhưng chỉ làm được những việc nhẹ thôi. Hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn. Nhà chỉ có 1 sào đất ruộng, không đủ ăn, mà gia đình có tới 6-7 người.
Trà Mi: Bác sĩ điều trị có nói khả năng phục hồi của các em ra sao không, có hy vọng như thế nào không?
Chiến: Lúc đầu bác sĩ bảo hy vọng đối với em là rất ít. Sau khi trị liệu bằng hóa chất, em khỏe hơn, nhưng không may một thời gian sau nó lại chạy lên não. Vì nhà em rất xa bệnh viện nên đã xin cho em về nhà. Hiện giờ em dùng thuốc nam.
Trà Mi: Thao hiện giờ đang chữa bệnh ra sao?
Thao: Em đang điều trị ở tuyến K2, Tam Hiệp, cứ nửa tháng phải lên đây một lần. Bác sĩ nói em phải điều trị 2 năm. Tới nay em đã điều trị và truyền hóa chất được 1 năm rồi.
Hương: Khi mắc bệnh, em cũng được bố mẹ đưa xuống cơ sở bệnh viện K để khám chữa bệnh. Hầu như tuần nào em cũng phải truyền hóa chất nên ở luôn đấy, ít khi được về nhà.
Hòa: Em cũng được gia đình đưa lên viện K2 để kiểm tra và điều trị hóa chất, cứ 3 tháng ra đó 1 lần. Quê em xa nên một tháng đi điều trị mất 3 tuần rồi, và ở lại đó cũng mất vài năm.
Trà Mi: Sinh hoạt của các em có gì khác so với các bạn cùng trang lứa khỏe mạnh?
Hương: Em có một chút thay đổi trong cuộc sống, ví dụ bữa ăn của mình phải thay đổi để phù hợp với tình trạng bệnh tình.
Trà Mi: Ngoài ra, cuộc sống, sinh hoạt trường lớp, học tập…có gì khác so với các bạn không?
Hương: Các bạn khỏe mạnh đang được cắp sách đến trường và sinh hoạt học tập bình thường. Còn em hiện đang xin được nhập học lại để tiếp tục học nốt cấp 3.
Trà Mi: Các em đi học có bị phân biệt hay xa lánh không?
Hương: Đối với em thì không. Các bạn em vẫn chơi đùa với em bình thường.
Thao: Em cũng vậy.
Chiến: Các bạn và thầy cô giáo cũng đến nhà chơi, thăm em.
Hương: Lúc điều trị hóa chất rất mệt mỏi và có cả những tác dụng phụ như rụng tóc, buồn nôn, không muốn ăn. Sau mỗi lần hóa trị, nếu bệnh lui thì sức khỏe mình có thể lên.
Hòa: Trong lúc điều trị khi đau là không làm gì được, cũng không ăn được.
Trà Mi: Hiện giờ gia đình Hòa có còn đủ khả năng tiếp tục lo chữa trị bệnh cho em không?
Hòa: Nhà em hết khả năng rồi, đã bán hết lợn, bò để chữa bệnh cho em. Bây giờ cũng không có khả năng nữa.
Trà Mi: Bây giờ em có uống thuốc nam thay thế hay chữa trị bằng cách nào khác không?
Hòa: Em cũng đang uống thuốc nam, nhưng ít thôi ạ.
Hương: Bệnh em hiện giờ tương đối giảm và có thể về nhà nghỉ, 3 tháng ra khám lại theo định kỳ.
Trà Mi: Gia đình Hòa dự liệu thế nào, trong tương lai sẽ tiếp tục điều trị cho em ra sao, em có được biết không?
Hòa: Gia đình cũng cạn quá rồi, chừng nào bệnh nặng quá thì mới đi viện thôi.
Trà Mi: Nếu khỏi bệnh, các bạn mơ ước mình sẽ làm gì?
Chiến: Em muốn mình theo học nốt 2 năm cuối của cấp 3. Sau khi tốt nghiệp, em sẽ học một nghề gì đó ổn định để đi làm. Em mong muốn được khỏi bệnh và được đi học như các bạn khác. Nếu được vậy, em sẽ cố gắng học để ra trường.
Thao: Em mong được khỏi bệnh để học một nghề gì đó để đi làm. Hiện giờ em không còn đi học. Năm nay em lên lớp 10, nhưng em bắt đầu nghỉ học từ năm ngoái.
Trà Mi: Hòa có hoàn cảnh khó khăn nhất, ước mơ của Hòa thế nào?
Hòa: Em chỉ mơ được khỏi bệnh và làm được những công việc nhàn nhàn để kiếm tiền trả nợ chữa bệnh. Em đã nghỉ học 3 năm nay rồi. Số em không được may mắn như các bạn khác.
Trà Mi: Đó là những ước mơ cho chính bản thân mình. Thế các em có mơ ước gì cho những bạn đồng trang lứa cùng mắc căn bệnh hiểm nghèo như mình không?
Hương: Em ước sao tất cả các bạn đều được khỏi bệnh và khi trở về cuộc sống thường ngày thì mọi người sẽ cùng hòa nhập với các bạn.
Trà Mi: Ở Việt Nam, những bệnh nhân ung thư khó khăn như các em có được trợ giúp thế nào không? Có các tổ chức xã hội hỗ trợ không?
Hương: Không ạ.
Trà Mi: Các em có nghe nói có nơi nào chữa trị miễn phí cho bệnh nhân ung thư hoàn cảnh khó khăn không?
Chiến: Em cũng chưa nghe thấy ạ.
Trà Mi: Gia đình Hòa có tìm kiếm sự trợ giúp từ các cơ sở xã hội không em?
Hòa: Không nghe báo chí nhắc đến và cũng không thấy có những cơ sở đó.
Trà Mi: Các em có ước gì có những tổ chức như vậy để có thể giúp đỡ những người bệnh nhân nghèo như mình không?
Hương: Tất nhiên là có rồi ạ. Em mong muốn có các tổ chức nhân đạo hoặc các tổ chức chính phủ hỗ trợ, xây các bệnh viện cứu giúp những bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn.
Trà Mi: Trong trường hợp các em hoàn toàn khỏi bệnh, trở thành người khỏe mạnh, các em sẽ làm gì để giúp những người bạn khác bị căn bệnh ung thư giống mình?
Thao: Em chỉ biết an ủi và khuyên các bạn nên cố gắng.
Trà Mi: Thao sẽ chia sẻ về mặt tinh thần. Còn các bạn khác ở đây, các bạn có nghĩ đến việc khi mình hết bệnh, mình sẽ làm gì để giúp lại những người không may đang bị bệnh như mình không?
Hương: Mặc dù chúng em chưa có khả năng về tài chính, nhưng nếu có thể, chúng em sẽ vận động, quyên góp để giúp các bạn bớt khó khăn hoặc vơi đi nỗi đau. Chúng ta có thể tiết kiệm hoặc vận động những người xung quanh mình, kể cho họ nghe và hiểu thêm về hoàn cảnh của những bạn bị ung thư. Em ước sao các bạn đều được khỏi bệnh và được cắp sách đến trường.
Trà Mi: Cảm ơn các bạn rất nhiều. Mong sao ước mơ của các bạn sẽ sớm thành hiện thực để các bạn mau chóng hòa nhập với xã hội và có một tương lai tốt đẹp hơn sau này.
Vừa rồi là câu chuyện với các bạn trẻ tại Việt Nam có gia cảnh khó khăn lại chẳng may mắc bệnh ung thư. Trà Mi mong nhận được ý kiến chia sẻ của quý thính giả khắp nơi trong chuyên mục Tạp chí Thanh Niên trên website www.voatiengviet.com, trên trang Facebook ở địa chỉ http://www.facebook.com/VOATiengViet , hoặc trên trang Yahoo 360 độ của VOA tại http://vn.360plus.yahoo.com/voavietnam/. Mời quý vị và các bạn thường xuyên ghé thăm, bình luận, và trao đổi trong các chủ đề hằng tuần của Tạp chí.
Tạp chí Thanh Niên sẽ trở lại trong một câu chuyện mới, vào giờ này, tuần sau.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc ung thư cao nhất thế giới, đặc biệt có những nơi, cả làng đều bị căn bệnh hiểm nghèo này mà thường được gọi là “làng ung thư”. Phần lớn các bệnh nhân ung thư trong nước là những người nghèo khó ở các vùng quê, không đủ điều kiện để chạy chữa chứng bệnh nan y tốn kém thời gian và tiền bạc. Có lẽ các bạn cũng ít có dịp trò chuyện và thăm hỏi những bệnh nhân ung thư đồng trang lứa với mình phải không? Vậy thì hôm nay, mời các bạn hãy cùng Trà Mi gặp gỡ một số bạn trẻ chẳng may rơi vào hoàn cảnh này, qua buổi trò chuyện thú vị và cảm động với bốn thanh thiếu niên bị ung thư hiện đang sống ở các tỉnh phía Bắc.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1