Hope for Tomorrow là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hoa Kỳ thường xuyên tổ chức các chuyến đi nhân đạo để chăm sóc y tế và giúp đỡ người nghèo tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam và cộng đồng người Việt ở Campuchea. Những tình nguyện viên tham gia với Hope for Tomorrow là giới trí thức trẻ người Mỹ gốc Việt gồm các y-bác sĩ, học sinh, và sinh viên. Có người nói được lưu loát tiếng Việt. Có người sinh ra ở Mỹ nên không rành tiếng Việt. Nhưng tất cả họ đều mang dòng máu và trái tim Việt Nam, vượt ngàn dặm xa tìm tới những người Việt kém may mắn ở bên kia nửa vòng trái đất.
Bác sĩ Trần Sĩ Hoàng hiện đang hành nghề tại bang Virginia, Hoa Kỳ, đã tham gia với Hope for Tomorrow trên dưới 3 năm. Bác sĩ Hoàng vừa góp mặt trong chuyến đi nhân đạo với Hope về Việt Nam để giúp đỡ, chăm sóc nha khoa cho các bệnh nhi nhiễm HIV/AIDS ở mái ấm Mai Tâm, Sài Gòn, và tới vùng Biển Hồ Campuchea để khám-chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho cộng đồng người Việt nghèo khó tại đây.
Bác sĩ Hoàng kể về chuyến đi này:
“Đoàn chúng tôi có 36 người, gồm 3 bác sĩ, 6 nha sĩ. Còn lại là những dược sĩ, y tá, các tình nguyện viên hỗ trợ. Các nha sĩ có mang theo các phòng khám nha khoa di động cùng với bàn ghế, máy chữa răng, và thuốc men. Trong 2 ngày, chúng tôi khám bệnh cho gần 2 ngàn người kể cả y và nha khoa. Chúng tôi cũng có mang mắt kính lão tặng cho những người cao tuổi trong làng. Chúng tôi còn cung cấp bàn chải đánh răng và dạy mọi người cách giữ gìn vệ sinh vì người dân ở đây ít hiểu biết, trẻ con không được đi học. Chúng tôi cũng mang tới 4 tấn gạo phân phối cho gần 400 gia đình trong làng. Về Việt Nam, các nha sĩ khám răng cho các bệnh nhi HIV/AIDS trong mái ấm Mai Tâm. Mấy em trong mái ấm này thì may mắn hơn. Họ có đồ ăn thức uống, sữa, thuốc men chữa bệnh. Họ rất được thương yêu.”
Động cơ nào khiến các bạn trẻ trong tổ chức Hope tạm gác một bên việc học, việc làm trong đời sống tất bật ở Mỹ, lặn lội tìm đến với những người Việt nghèo khó cách xa nửa vòng trái đất?
Bạn Nguyễn Khánh Linh, học sinh lớp 11 ở tiểu bang Virginia, tham gia chuyến đi nhân đạo vừa qua với Hope for Tomorrow, giải thích:
“Em muốn tham gia vì từ nhỏ em đã thấy bố mẹ em giúp đỡ nhiều hội như vậy. Năm ngoái, em có tham gia gây quỹ cho Hope, nên bất cứ lúc nào nhóm rủ em đi là em muốn đi ngay. Việt Nam là quê hương của bố mẹ em. Em nhớ về quê hương, về văn hóa Việt Nam. Cho nên, khi muốn làm gì giúp ai thì em phải về quê hương trước, trước khi đi những nơi khác. Khi em về nước giúp đỡ người Việt Nam, em học hỏi và hiểu biết thêm nhiều về quê hương của mình nhiều hơn.”
Bác sĩ Hoàng tâm sự:
“Mỗi lần về Việt Nam, thấy Việt Nam mình vẫn còn quá nghèo, nên mình muốn giúp. Mình thấy mình được may mắn qua bên này học hành ra làm bác sĩ, cho nên mình muốn lấy cơ hội đó để giúp cho người Việt Nam mình được nhiều hơn.”
Nói về những ấn tượng khó quên đọng lại sau chuyến đi thiện nguyện mới đây với Hope for Tomorrow, bạn Nguyễn Đài Phương, sinh viên dược năm thứ hai tại tiểu bang New Jersey, chia sẻ:
“Ở Campuchea có nhiều người nghèo. 1 chiếc thuyền nhỏ có tới 4 gia đình chen chúc sinh sống trên đó. Ở Mỹ chưa bao giờ em thấy sự đau khổ đến mức như vậy.”
Bác sĩ Hoàng tiếp lời:
“Có rất nhiều ấn tượng. Tới chỗ nào mình cũng thấy thương hết, đặc biệt tại làng của người Việt ở Campuchea, mình không thể tưởng tượng nổi người ta nghèo đến mức vậy. Bao nhiêu gia đình trải qua bao thế hệ sinh sống trên các chiếc tàu nhỏ lênh đênh trên sông nước, không có một tương lai nào hết, thấy rất tội cho họ.”
Còn với Khánh Linh thì:
“Khó quên nhất là mặc dù người ta nghèo đến vậy mà họ vẫn luôn vui vẻ, tươi cười, yêu đời, làm mình có cảm giác là không cần đến những thứ mình có. Ở Mỹ, mình có những thứ tưởng sẽ làm đời mình vui và hạnh phúc hơn nhưng thật ra không phải như vậy.”
Cùng chia sẻ niềm tin rằng một cuộc sống hạnh phúc, ý nghĩa không chỉ cần có những điều kiện vật chất sung túc mà không thể thiếu tình người, sự chia sẻ và tương trợ, giới trẻ Việt Nam ở Mỹ, thông qua các hoạt động của Hope, đã tích cực góp một bàn tay xoa dịu nỗi đau của những người Việt kém may mắn bên kia nửa vòng trái đất, vì đối với họ:
“Kinh nghiệm từ các chuyến đi này không bao giờ quên được và em càng muốn tham gia thêm nữa. Ban đầu em nghĩ đi cho biết thôi, nhưng bây giờ em tính có cơ hội thì đi mỗi năm.”
Cũng như Đài Phương, các tình nguyện viên trẻ tuổi của Hope for Tomorrow hy vọng được tham gia thêm nhiều sứ mạng nhân đạo với Hope và mong các chuyến đi sẽ dài ngày hơn để có đủ thời gian giúp được nhiều người hơn nữa. Bởi với các bạn, tham gia hoạt động từ thiện không những để giúp người khác, mà cũng chính là mang lại niềm vui và ý nghĩa cho cuộc sống của mình, nhất là với thời gian, năng lực, và bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, để từ đó trang bị cho mình những kiến thức cần thiết.
Tháng 6 năm nay, các tình nguyện viên của Hope sẽ tới Quảng Nam trong chuyến đi từ thiện chăm sóc y và nha khoa cho người nghèo. Và tháng 8, Hope sẽ thực hiện chuyến đi nhân đạo đến với những người nghèo đang sống bên dòng Tonle Sap của Campuchea. Các bạn muốn tìm hiểu thêm về hoạt động của các bạn trẻ trong tổ chức Hope for Tomorrow, xin mời truy cập vào địa chỉ: www.my-hope.org.
Quý thính giả có thể nghe lại các câu chuyện hằng tuần về giới trẻ người Việt khắp nơi, cùng trao đổi và bình luận trong mục Tạp chí Thanh Niên trên website của VOA ở địa chỉ www.voatiengviet.com hoặc trên facebook ở http://www.facebook.com/VOATiengViet.
Tạp chí Thanh Niên hẹn tái ngộ cùng quý vị và các bạn vào giờ này, tuần sau.