Hearts Around the World là một tổ chức nhân đạo được thành lập bởi bác sĩ chuyên khoa tim Robert Jarrett đang hành nghề tại bang Connecticut, Hoa Kỳ, và cũng là thành viên ban giảng huấn trường đại học Yale. Hai thập niên trước, bác sĩ Jarrett khởi sự các chuyến đi y tế nhân đạo tới Nga, giúp cải thiện chất lượng chăm sóc y tế tại nước này. Những năm gần đây, khi tình hình y tế tại Nga đã cải thiện rõ rệt, sứ mạng nhân đạo của Hearts Around the World bắt đầu nhắm tới các nước thứ ba trên thế giới, những nơi rất cần đến sự hỗ trợ về kỹ thuật tiên tiến để cứu sống các bệnh nhân tim nghèo khó, mà phần đông là những bệnh nhân trẻ tuổi. Đó cũng là lúc Hearts Around the World bắt đầu phát triển mối quan hệ với bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn. Chuyến đi Việt Nam từ ngày 22 tới ngày 30 tháng 10 vừa qua là chuyến đi thứ bảy của tổ chức trong vòng 3 năm nay.
Người sáng lập tổ chức thiện nguyện Hearts Around the World, bác sĩ Jarrett, cho biết:
“Chúng tôi bắt đầu tới Việt Nam khoảng 3-4 năm trước để hỗ trợ các y bác sĩ khoa tim của bệnh viện Chợ Rẫy. Hằng năm, chúng tôi tổ chức từ 2-3 chuyến đi Việt Nam. Chúng tôi gửi các toán y-bác sĩ, các chuyên gia về tim mạch từ Hoa Kỳ sang Việt Nam cung cấp các phương tiện y khoa cho các đồng nghiệp ở Việt Nam và giúp cải thiện chuyên môn của họ.”
Giải thích nguyên do vì sao Việt Nam là điểm đến của tổ chức Hearts Around the World, bác sĩ Jarrette nói:
“Lần đầu tôi đến Việt Nam, tôi nhìn thấy ngay nhu cầu cần phải cải thiện các dịch vụ về tim mạch tại đây. Rất nhiều bệnh nhân chờ đợi được giải phẫu tim. Rất nhiều người, cả người lớn lẫn trẻ em tại Việt Nam, mắc phải các chứng bệnh về tim mạch.”
Một thành viên tham gia cùng phái đoàn Hearts Around the World đến Việt Nam trong tháng rồi, bác sĩ tim mạch Duane Pinto, hiện đang làm việc tại Boston, chia sẻ ấn tượng về chuyến đi:
“Ấn tượng khó quên nhất trong tôi về chuyến đi này là có quá nhiều bệnh nhân tim ở giai đoạn nặng, nhiều hơn những gì chúng tôi thường thấy tại Mỹ, có những bệnh nhân còn quá nhỏ, từ 8 tuổi. Điều khiến tôi kinh ngạc hơn nữa là sự tương phản cực kỳ lớn giữa những bệnh nhân có điều kiện tài chính có thể điều trị được bệnh của mình và những bệnh nhân nghèo khó. Tôi nghĩ Việt Nam cần nhiều nguồn quỹ hơn trong hệ thống chăm sóc y tế để giúp nâng cao mức chăm sóc y tế trung bình cho tất cả mọi người dân."
Bác sĩ Pinto cho biết ông rất muốn cùng tổ chức Hearts Around the world tiếp tục những chuyến đi nhân đạo đến với bệnh nhân tim tại Việt Nam:
“Tôi hy vọng sẽ trở lại Việt Nam. Chúng tôi đã gầy dựng một số quan hệ mật thiết với các bác sĩ ở đó, với hy vọng sẽ giúp nâng cao chất lượng hệ thống điều trị y tế để bệnh viện Chợ Rẫy có thể giúp được nhiều bệnh nhân hơn nữa sau khi chúng tôi về Mỹ.”
Đặc biệt, trong số 7 chuyên gia Hoa Kỳ về Việt Nam hỗ trợ bệnh viện Chợ Rẫy tháng 10 vừa qua, có sự góp mặt của một bác sĩ trẻ gốc Việt. Đó là bác sĩ Hoàng Thanh Minh Tú, chuyên khoa tim, hiện đang công tác tại tiểu bang Kentucky, Hoa Kỳ. Khi được hỏi cảm tưởng sau cuộc hành trình nhân đạo về quê hương bản xứ của mình, chữa trị cho các bệnh nhân kém may mắn, bác sĩ Tú nhận xét:
“Ở Việt Nam rất khác so với ở Mỹ. Ở Mỹ phân biệt rõ ràng giữa các bác sĩ tim mạch chữa trị cho người lớn và chữa trị cho trẻ em. Chăm sóc bệnh nhân nhi bị tim là một lĩnh vực đào tạo chuyên môn riêng biệt với các bệnh nhân người lớn. Trong khi ở Việt Nam, thiếu bác sĩ nhi chuyên về tim mạch trầm trọng. Cho nên các bác sĩ tại bệnh viện Chợ Rẫy kiêm luôn chăm sóc nhiều trường hợp bệnh tim mạch rất phức tạp ở bệnh nhi dù không được đào tạo đặc biệt trong lĩnh vực tim mạch nhi.
Ấn tượng của tôi về chuyến đi này là tình trạng quá tải tại bệnh viện Chợ Rẫy, với hàng ngàn bệnh nhân, và các bệnh nhân phải nằm chung giường bệnh với nhau. Nhiều bệnh nhân tới từ các vùng miền xa, chờ đợi ở hành lang nhiều ngày để được khám bệnh. Một ấn tượng khác là những ca bệnh tim phức tạp và nghiêm trọng mà các y bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy phải xử lý mà không có đủ trang thiết bị máy móc.”
Bác sĩ Tú cũng chia sẻ những ghi nhận của ông về những thử thách và khó khăn lớn nhất mà bệnh nhân tim tại Việt Nam đang phải đối diện:
“Khó khăn thứ nhất là thiếu nguồn lực. Ở Việt Nam không thiếu bác sĩ tận tâm, cũng không thiếu người có chuyên môn, vì những bác sĩ mà chúng tôi gặp có nhiều kinh nghiệm đối với một số trường hợp bệnh tim hơn cả chúng tôi nữa, nhưng họ thiếu nguồn lực về y tế để xử trí một số loại bệnh. Trong một số trường hợp, chi phí cho một phương tiện điều trị quá cao so với khả năng của bệnh nhân nên họ không có cách nào khác là cứ phải phẫu thuật, vốn có nhiều nguy cơ hơn và thời gian hồi phục lâu hơn. Nhiều công cụ y khoa phục vụ quy trình trị điều trị bệnh tim ở Mỹ chỉ sử dụng một lần rồi bỏ để tránh khả năng bị nhiễm trùng. Trong khi ở Việt Nam, tất cả mọi thứ đều được dùng đi dùng lại vì chi phí đắt đỏ so với mức lương của bệnh nhân Việt Nam.”
Qua chuyến đi vừa rồi, các bác sĩ trong đoàn thiện nguyện Hearts around the World nhận thấy rằng điều thiết yếu mà Việt Nam rất cần có bây giờ là một hệ thống y tế công cộng tốt, và để có được điều đó, Việt Nam cần phải cải thiện cơ sở hạ tầng và nền kinh tế để người dân có thể chịu nổi những chi phí đắt đỏ về chăm sóc y tế và công cụ y khoa. Bên cạnh đó, bác sĩ Tú cho rằng lưu ý đến mảng sức khỏe phòng ngừa cũng là một biện pháp giúp giảm bớt gánh nặng của những căn bệnh tim tốn kém:
“Ở Việt Nam bác sĩ phải đương đầu với con số bệnh nhân và tình trạng nguy kịch của bệnh tình ngày càng gia tăng, họ cố làm hết sức với nguồn tài chính rất hạn hẹp. Để tận dụng các nguồn quỹ hạn chế một cách hữu hiệu nhất, họ nên nghĩ tới một hệ thống chăm sóc sức khỏe phòng ngừa bệnh tim, phòng ngừa các căn bệnh liên quan tới hút thuốc lá và các căn bệnh truyền nhiễm thì sẽ hiệu quả hơn là cố gắng thực hiện các ca phẫu thuật tim phức tạp hay áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trên số ít các bệnh nhân.”
Các chuyên gia tim mạch tham gia chương trình thiện nguyện của Hearts Around the World tới Việt nam cho biết họ rất cảm động trước tinh thần của các bệnh nhân và bác sĩ ở đây và tất cả họ đều mong muốn trở lại để tiếp tục hỗ trợ các y bác sĩ và bệnh nhân tại bệnh viện Chợ Rẫy.
Bác sĩ Robert Jarrett, người sáng lập Hearts Around the World cho biết tổ chức y tế nhân đạo của ông sẽ liên tục tổ chức các sứ mạng y tế đến Việt Nam trong nhiều năm tới:
“Chúng tôi dự định tiếp tục cộng tác với bệnh viện Chợ Rẫy ít nhất là trong 5 năm tới đây, mỗi năm sẽ đi Việt Nam khoảng 2, 3 chuyến. Bệnh viện Chợ Rẫy muốn thành lập một trung tâm tim mạch nhi khoa. Chúng tôi đã cam kết sẽ giúp họ bằng bất cứ hình thức nào trong khả năng của mình, kể cả huấn luyện cho các y bác sĩ trong những chuyến đi nhân đạo của chúng tôi tới Việt Nam và hy vọng là có thể đưa một số chuyên gia tim mạch của Việt Nam tới Hoa Kỳ để đào tạo nữa.”
Trước mắt, vào tháng hai đầu năm tới đây, Hearts Around the World sẽ có một chuyến công tác từ thiện nữa tới bệnh viện Chợ Rẫy. Và trong chuyến đi lần này, các bác sĩ nhi khoa chuyên về tim mạch của Hoa Kỳ sẽ trở lại giúp các bệnh nhân nhi bị bệnh tim tại Việt Nam. Mong rằng sẽ có thêm thật nhiều bệnh nhân trẻ kém may mắn được các sứ giả y tế của Hearts Around the World trực tiếp chữa trị trong đợt này.
Đã tới lúc Tạp chí Thanh Niên phải nói lời chia tay với quý vị và các bạn. Mong các bạn thường xuyên ghé thăm Tạp chí và chia sẻ quan điểm với độc giả khắp nơi trên website www.voatiengviet.com, trên trang Facebook, hoặc Yahoo 360 độ của VOA. Các bạn nhớ bấm vào chuyên mục Tạp chí Thanh Niên nhé.
Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong một câu chuyện mới trên làn sóng VOA tối thứ ba tuần sau. Trà Mi thân ái kính chào quý thính giả.