Đường dẫn truy cập

Tâm tình của thanh niên khiếm thị ở Việt Nam


Tâm tình của thanh niên khiếm thị ở Việt Nam
Tâm tình của thanh niên khiếm thị ở Việt Nam

'Một tuổi em bị lên ban, mẹ đưa đi bác sĩ thì bác sĩ bảo còn nhỏ quá chưa chữa được. Về nhà, mẹ em do nóng lòng quá nên đã nghe người ta bày lấy mật cá sặc nhỏ vào mắt em. Vừa nhỏ vào là mắt em bị nổ ra, mù liền.'

Chương trình tuần trước đã giới thiệu với quý vị hoạt động của các thanh niên gốc Việt ở Mỹ tham gia trong hội từ thiện BVCF (tức Sáng hội Trẻ khiếm thị Việt Nam) có trụ sở tại thành phố San Francisco phía Bắc bang California. Hôm nay, chúng ta sẽ gặp các bạn trẻ khiếm thị trong độ tuổi mười chín-đôi mươi hiện đang học tập và sinh sống tại các trung tâm Nhật Hồng ở Sài Gòn chuyên nuôi dạy trẻ em mù lòa do hội BVCF hỗ trợ để tìm hiểu về cuộc sống, tâm tư, và hoài bão của những thanh niên không may bị khuyết tật như thế nào, các bạn nhé.

Những khó khăn

<!-- IMAGE -->

Người bạn trẻ đầu tiên mà Trà Mi muốn giới thiệu với quý vị là cô gái 19 tuổi bị khiếm thị bẩm sinh tên Đỗ Thị Bốn, xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo chuyên làm rẫy, trồng cà phê, điều, và tiêu ở huyện Đại Tẻ, tỉnh Lâm Đồng. Bốn vào sống ở Mái ấm Nhật Hồng Thị Nghè đã 10 năm nay.

Ngoài giờ sinh hoạt và học tập ở Mái ấm, Bốn được các soeur cho đi học văn hóa với các bạn sáng mắt ở Trung tâm Giáo dục Thường xuyên quận Bình Thạnh. Năm nay bạn đã lên lớp 10. Hai năm lớp 1 và lớp 2, Bốn phải học trường đặc biệt dành cho người khiếm thị, nhưng từ lớp 3 trở đi, cô bạn chuyển qua học chung với người sáng. Do khuyết tật của đôi mắt, việc tiếp thu và kết quả học tập của bạn so với các bạn cùng lớp tuy có kém hơn đôi chút, nhưng Bốn luôn phấn đấu hết mình để được lên lớp đều đặn cùng các bạn sáng đồng trang lứa.

Trà Mi xin nhường lời cho Bốn, Bốn có điều gì muốn chia sẻ với các bạn đang nghe đài không?

Bốn: Em có nhiều ước mơ lắm, nhưng những ước mơ đó không bao giờ thành hiện thực được. Em chỉ muôn chia sẻ rằng nếu điều bạn ước mơ có trong tầm tay của bạn, bởi vì có những người đang cố gắng vì những ước mơ của mình, nhưng họ không làm được.

Trà Mi: Trong cuộc sống em gặp những khó khăn nào do hoàn cảnh khiếm thị của mình?

Bốn: Khó khăn rất nhiều. Khó khăn lớn nhất là về phương diện đi lại. Trong học tập, khó nhất đối với em là lúc thầy cô viết bài trên bảng, em không thể nhìn thấy được. Có những bài học hình em khó hình dung. Vì em khiếm thị bẩm sinh, nên để hiểu một cái hình hay một vấn đề gì cần phải quan sát bằng mắt, thì khó lắm.

Trà Mi: Thế em làm sao vượt qua vượt qua những cái khó đó?

Bốn: Em nhờ thầy cô và các bạn có thể cầm tay em vẽ hình, hoặc đưa ra những ví dụ gần gũi trong cuộc sống để em có thể nhận ra.

Trà Mi: Em đọc sách vở bằng cách nào?

Bốn: Ở đây, các soeur đánh lên máy tính, từ đó in ra chữ nổi cho người khiếm thị. Tụi em, ngoài sách giáo khoa ra, rất hạn chế đọc hoặc tham khảo sách vì tiền mua giấy rất mắc, công để chuyển qua chữ nổi cũng rất lâu.

Trà Mi: Từ nhỏ tới lớn, em không nhìn thấy ánh sáng, nhưng em có thể hình dung được dung mạo của mình như thế nào không? Rồi việc em ăn mặc, chải chuốt cho mình thì em làm sao?

Bốn: Em cũng chẳng biết dung mạo của mình như thế nào nhưng em tưởng tượng là nó không được đẹp lắm. Còn về phần ăn mặc thì em tự chọn kiểu, còn màu thì nhờ người khác nói cho biết. Ví dụ như tụi em bạn nào mua được cái gì mới về hay khoe với nhau, rồi cả đám vây lại coi bằng cách sờ nắn trên quần áo.

Trà Mi: Tất là mọi thứ đều phải nhờ vào đôi tay của mình hết.

Bốn: Dạ.

Trà Mi: Em ước mơ sau này sẽ làm gì?

Bốn: Em mơ ước trở thành một giáo viên dạy nhạc, viết ra những ca khúc mà mình thích.

Trà Mi: Với ước mơ đó, hiện giờ em đã bắt đầu chưa? Em đã viết được ca khúc nào chưa?

Bốn: Em đã viết được 4 ca khúc rồi, nhưng nó cũng không được hay.

Ước mơ hòa nhập xã hội

<!-- IMAGE -->

Bây giờ, Trà Mi mời quý vị gặp gỡ hai chị em ruột là Lê Thị Thêu sinh năm 1987 và cô em gái kém 2 tuổi tên Lê Thị Nhung. Sinh ra trong một gia đình có 3 người con, cả hai chị em Thêu đều bị mù lòa từ thuở lọt lòng mẹ. Chỉ có người em trai út may mắn được sáng mắt. Hoàn cảnh gia đình của hai em cũng rất khó khăn. Cha mẹ làm rẫy, trồng mía và trồng mì ở Tây Ninh. Thêu và Nhung là thành viên mới gia nhập vào Mái ấm Nhật Hồng Thị Nghè hơn 4 tháng nay.

Năm 13 tuổi, Thêu mới vào lớp 1. Bạn học văn hóa với người khiếm thị đến năm lớp 5 thì chuyển qua học với người sáng. Hiện cả em chị em Thêu và Nhung đều là nữ sinh lớp 10 của Trung tâm Giáo dục Thường xuyên quận Bình Thạnh.

Thêu cho biết ở mái ấm, các bạn được các soeur chăm sóc, được học chữ, học một số nghề thủ công, và thậm chí còn được đi học vi tính nữa. Ngoài ra, các bạn còn được học văn nghệ để sinh hoạt đàn ca với nhau, vì ít có cơ hội ra ngoài vui chơi như các bạn sáng mắt.

Thêu: Tụi em không có đi ra ngoài chơi nhiều. Có mấy anh chị sinh viên và khách họ đến trung tâm chơi với tụi em. Lâu lâu cũng có mạnh thường quân họ tổ chức cho mấy em đi chơi.

Trà Mi: Thế em có biết cuộc sống ở bên ngoài như thế nào không?

Thêu: Dạ biết, nhưng chắc em biết không hết.

Trà Mi: Trong tương lai dự định của em thế nào? Em định ở đây đến khi nào và sau đó em sẽ làm gì?

Thêu: Em sẽ cố gắng học. Ước mơ của em là trở thành một thông dịch viên nhưng cũng nhiều khó khăn lắm, vì nhiều trường người ta không nhận người khiếm thị. Ước mơ của em là được hòa nhập với xã hội. Em sẽ ở đây đến khi nào học xong đại học.

Trà Mi: Ở đây em thấy có vui không?

Thêu: Dạ vui. Ở đây các bạn, các soeur rất thông cảm với hoàn cảnh khiếm thị. Còn ở ngoài người ta thường nghĩ rằng mình không thấy đường thì không làm được gì.

Trà Mi: Em hình dung cuộc sống bên ngoài ra sao?

Thêu: Em hình dung chắc là vui lắm!

Trà Mi: Còn Nhung, em muốn chia sẻ điều gì?

Nhung: Em muốn học để có nghề nghiệp có thể tự lo cho mình, không phải phụ thuộc vô gia đình. Em thích làm giáo viên.

Trà Mi: Nhiều người trong số các em đều thích làm giáo viên. Vì sao các em muốn trở thành cô giáo?

Nhung: Hồi nhỏ em không được đi học sớm nên em mơ ước sẽ trở thành cô giáo dạy người khiếm thị để chỉ dạy cho các bạn nhỏ được đi học đúng tuổi, hòa nhập với xã hội.

Trà Mi: Hai chị em của em cùng chung hoàn cảnh. Có lúc nào tụi em ngồi nói chuyện với nhau, cảm thấy buồn tủi, có những trăn trở mà mình không biết chia sẻ với ai không?

Nhung: Dạ cũng có.

Trà Mi: Em có thể chia sẻ cho các bạn đang nghe đài được biết những tâm tư của tụi em như thế nào không?

Nhung: Cái lo nhất của tụi em là không biết mai này có thể tự mình ra hòa nhập với cuộc sống xã hội được hay không.

Mái ấm, gia đình thứ hai

<!-- IMAGE -->

Bạn Phan Thị Cẩm Tú, quê ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, đến với Mái ấm Nhật Hồng Thị Nghè gần một năm nay. Tú bị mù lòa từ khi chào đời. Gia đình Tú làm ruộng, nên cũng rất khó khăn, eo hẹp. Trước khi gia nhập Mái ấm, Tú còn bị mù chữ nữa. Vào đây được các soeur chỉ dạy, cô bạn 19 tuổi bây giờ đã biết đọc, biết viết.

Tú kể về Mái ấm, gia đình thứ hai của mình:

Chúng em được sống trong một môi trường rất tốt. Các soeur chăm sóc và là nguồn an ủi động viên tinh thần cho chúng em. Tuy chúng em sống xa gia đình nhưng rất vui, thường chia sẻ với nhau những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống. Những giờ rãnh, chúng em thường chia sẻ với nhau những ước mơ và suy nghĩ của mình như giữa các anh chị em trong gia đình.

Chúng em sống ở đây là nhờ tình thương của biết bao người. Biết bao cộng đồng chung tay góp sức giúp cho chúng em được ăn học, ấm no, đã đem đến cho chúng em những niềm vui và xua tan nỗi buồn của người khiếm thị. Trong cuộc sống, thời gian sẽ dần trôi qua nhưng tình cảm thì không bao giờ quên được.

Tình yêu - Hôn nhân

Còn bây giờ là bạn Lê Thị Kim Hương sinh năm 1987, thành viên của Mái ấm Nhật Hồng Thủ Đức từ năm 1999. Hương vừa thi vào trường Cao đẳng Trung ương 3 của người sáng và sẽ chính thức nhập học vào đầu năm tới. Trước đó, Hương đã tốt nghiệp trung học từ Trung tâm Giáo dục Thường xuyên quận Thủ Đức. Hằng ngày, Hương vẫn phụ lớp với các soeur ở Mái ấm để dạy cho các em nhỏ đồng cảnh ngộ như mình biết đọc, biết viết. Cô bạn ấp ủ hoài bão học xong 3 năm cao đẳng sẽ ở lại trung tâm để dạy cho các em nhỏ vì Hương nói rằng người khiếm thị chỉ dạy nhau, hiểu nhau hơn, dễ giúp nhau tự tin và đứng vững hơn.

Hương tâm sự: "Xã hội đổi mới cũng có nhiều cái phong phú nhưng bên cạnh đó cũng không ít người mồ côi, sống lang thang ngoài đường. Cũng có nhiều bạn khiếm thị phải đi bán vé số, không cha mẹ, mà cũng không biết trường đi học như em. Còn nhiều hoàn cảnh rất tội nghiệp. Em nghĩ vậy nên em ráng học để sau này có thể giúp các bạn khác."

Trà Mi: Xin hỏi thăm Hương điều này hơi riêng tư. Hương năm nay 22 tuổi rồi, em có nghĩ đến chuyện tình yêu hay tình cảm gia đình chưa?

Hương:
Dạ không, em không bao giờ nghĩ đến điều đó, cũng không muốn lập gia đình. Em chỉ mong học xong có thể ở lại trường giúp các bạn thôi.

Trà Mi: Vì sao em không mơ ước một mái ấm gia đình?

Hương: Vì em sợ nếu mình sinh con mà cũng bị mù như mình, như vậy mình sẽ làm khổ thêm một người nữa, nên em không thích lập gia đình.

Trà Mi: Em có nghĩ rằng mình sẽ có một tình yêu tốt đẹp với người sáng mắt không?

Hương: Dạ không.

Trà Mi: Vì sao?

Hương: Vì em nghĩ mình không tài giỏi đến nỗi được người sáng mắt để ý tới.

Hương tuy không bị mù bẩm sinh, nhưng từ khi lên một tuổi, bạn đã vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh sáng.

Hương kể về hoàn cảnh của mình:

"Một tuổi em bị lên ban, mẹ đưa đi bác sĩ thì bác sĩ bảo còn nhỏ quá chưa chữa được. Về nhà, mẹ em do nóng lòng quá nên đã nghe người ta bày lấy mật cá sặc nhỏ vào mắt em. Vừa nhỏ vào là mắt em bị nổ ra, mù liền. Cho tới lúc em được đưa vào trường với các soeur mới được đưa đi khám thì không chữa được nữa. Ba mẹ em không cho em đi chơi, thậm chí Tết cũng bắt em ở nhà rồi bắt một đứa nhỏ coi em. Em cũng buồn lắm, nhưng ba mẹ em nói những người như em Tết mà đến nhà người ta chỉ làm cho người ta thêm xui xẻo thôi."

Trà Mi: Nếu có dịp hàn huyên với những bạn sáng đồng trang lứa để giúp họ hiểu thêm về những người thanh niên khiếm thị như mình, Hương sẽ nói gì?

Hương: Các bạn khiếm thị ở Việt Nam tuy khó khăn nhưng có tinh thần phấn đấu rất mạnh mẽ. Có nhiều người đã thành đạt và tự nuôi sống bản thân mình. Người khiếm thị rất mong muốn được hòa nhập với các bạn sáng, cần thiết nhất là về mặt tinh thần, vì người khiếm thị hay mặc cảm. Nếu được sự ủng hộ tinh thần của các bạn sáng người khiếm thị sẽ tự tin hơn. Em mong các bạn lâu lâu đến sinh hoạt chung với Mái ấm để các bạn trẻ ở đây tự tin hơn, vui hơn.

Phấn đấu trong học tập

<!-- IMAGE -->

Các bạn tuy bị khuyết tật đôi mắt, nhưng luôn nỗ lực vươn lên và phấn đấu học tập tốt để có được một tương lai xáng lạng hơn. Kim Hương cố gắng vào cao đẳng, còn người bạn khiếm thị Nguyễn Tâm Bảo không chỉ học lên tới đại học, mà còn học giỏi ngoại ngữ nữa. Với mơ ước trở thành một thông dịch viên, Bảo hiện là sinh viên năm cuối, khoa Ngữ Văn Anh, của trường đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TPHCM.

Một lời nhắn gửi đến những người bạn đồng trang lứa, Bảo nói rằng:

"Những gì bị mất đi sẽ cảm thấy tiếc lắm, cho nên những gì các bạn đang có bây giờ, các bạn hãy trân trọng. Đừng để sau này mất đi mới nhận ra thì quá muộn rồi."

Các bạn biết không, một điều thú vị nữa ở những người bạn trẻ này là bất chấp hoàn cảnh tối tăm của mình, tâm hồn họ lúc nào cũng tươi sáng và yêu đời, như lời ca khúc “Nụ cười thiên thần” mà các bạn muốn gửi tặng thính giả của chương trình.

Đã đến lúc chúng ta phải nói lời chia tay với những thiên thần đáng yêu này rồi. Cầu mong nụ cười sẽ luôn nở trên môi của các bạn.

Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong buổi phát thanh 10 giờ tối thứ ba tuần sau. Trà Mi kính chào tạm biệt quý vị.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG