Đường dẫn truy cập

Thanh niên gốc Việt ở Mỹ giúp đỡ trẻ khiếm thị VN


Thanh niên gốc Việt ở Mỹ giúp đỡ trẻ khiếm thị VN
Thanh niên gốc Việt ở Mỹ giúp đỡ trẻ khiếm thị VN

'Khi mình cho đi, người vui nhất không phải là người nhận mà là chính bản thân mình. Mình đem lại hạnh phúc cho chính bản thân mình.'

Kỳ trước, chúng ta đã làm quen với một số thanh niên tại các khu vực bị bão hoành hành ở miền Trung Việt Nam, nghe các bạn nói về hoàn cảnh của mình và những đóng góp của sức trẻ giúp những ngừơi đồng cảnh ngộ vượt khó. Hôm nay, Trà Mi mời quý vị gặp gỡ một số bạn trẻ tuy may mắn không trải qua hoàn cảnh khó khăn, nhưng biết thấu hiểu và chia sẻ với nỗi đau của những người bạn bất hạnh hơn mình, dù chưa bao giờ gặp mặt, và dù ở cách xa tới nửa vòng trái đất. Đó là các bạn trẻ hoạt động trong hội từ thiện mang tên Blind Vietnamese Children Foundation (BVCF), tức Sáng hội Trẻ Khiếm thị Việt Nam.

Trước khi gặp những người bạn trẻ của chúng ta, để Trà Mi giới thiệu với quý vị đôi nét về tổ chức hoạt động xã hội mà các bạn tham gia làm thành viên đã nhé.

Sáng hội Trẻ Khiếm thị Việt Nam (BVCF) có trụ sở tại thành phố San Francisco, miền Bắc tiểu bang California, Hoa Kỳ. Đây là một tổ chức từ thiện của người Việt tại Mỹ do linh mục Hoàng Văn Thuận đề xướng, chuyên giúp đỡ các trung tâm nuôi dạy trẻ em nghèo, khiếm thị tại nhiều địa phương ở Việt Nam. Hội chính thức đi vào hoạt động từ năm 2000, với mục đích gây quỹ, trợ giúp các chương trình giáo dục, y tế, và hướng nghiệp cho các bạn trẻ kém may mắn.

Linh mục Thuận giới thiệu một số hoạt động tiêu biểu của hội:

“Trong vòng 10 năm qua, chúng tôi có sự gắn bó mật thiết với một số cơ sở mà chúng tôi thường xuyên giúp đỡ. Khởi sự từ TP.HCM, cơ sở đầu tiên chúng tôi trợ giúp tên là Nhật Hồng ở Thị Nghè. Được sự giúp đỡ của chúng tôi, họ phát triển thành nhiều nhóm khác. Hiện giờ có 6, 7 trung tâm ở Sài Gòn, Bảo Lộc, Đà Lạt, cũng như ở miền Tây.”

Các thành viên trẻ trong hội từ thiện này có người sinh ra tại Mỹ, có bạn sinh ở Việt Nam. Có bạn còn người thân bên nhà nên gắn bó mật thiết với quê hương nhiều hơn qua các chuyến đi về Việt Nam chơi. Nhưng cũng có những bạn rành nước Mỹ hơn cả quê cha đất tổ của mình, vì từ nhỏ tới lớn chưa bao giờ biết đến Việt Nam hoặc chưa có cơ hội về thăm một lần. Một số bạn chỉ biết về Việt Nam một cách mơ hồ qua phim ảnh hay nhờ mô tả của cha mẹ, ông bà mà thôi.

Tuy nhiên, tất cả các bạn trong hội này đều gặp nhau ở một điểm chung là tấm lòng của họ luôn hướng về những người bạn trẻ bất hạnh tại Việt Nam, dù họ chưa một lần quen biết. Người sáng lập hội cho biết thành phần trẻ tình nguyện tham gia trong các hoạt động của BVCF rất tích cực và hăng hái.

Đến với hội BVCF, các bạn thanh niên góp sức trong nhiều công tác khác nhau, từ tham gia tổ chức các sự kiện hay các bữa ăn gây quỹ, bày bán các mặt hàng thủ công-mỹ nghệ do chính các bạn khiếm thị ở Việt Nam làm ra, đấu giá các tặng phẩm mà ân nhân hay thân hữu của hội gửi tặng, phụ trách khâu kế toán, đi gõ cửa các doanh nghiệp người Việt tại Mỹ để quyên góp sổ vàng, cho tới quảng bá các hoạt động của hội và mời gọi bạn bè, người thân cùng gia nhập hội và giúp đỡ các bạn trẻ bất hạnh ở Việt Nam.

Bạn trẻ tên Hoàng Phương, trong độ tuổi 30, cư ngụ tại thành phố San Jose, sát với thành phố San Francisco, nơi đặt trụ sở của hội ở phía Bắc bang California. Phương là thành viên trong Ban Cố Vấn của hội BVCF. Phương cho biết thông thường vào tháng 8 mỗi năm, hội đều đặn tổ chức các buổi gây quỹ, quy tụ sự tham gia của nhiều nhà hảo tâm tại thành phố có đông người Việt sinh sống này, trong số đó có nhiều người trẻ.

Phương nói về những hoạt động của các hội viên trẻ trong những sự kiện này:

“Tụi em thường gửi thư mời bằng hữu đến tham gia, cùng ăn uống, chung vui, và có những cuộc đấu giá những món hàng mà thân hữu tặng cho hội.”

Bạn Hương Phạm, một tình nguyện viên gia nhập hội BVCF từ những ngày đầu mới thành lập, cho biết cảm nghĩ khi góp sức vào các hoạt động giúp đỡ những người bạn khiếm thị tại Việt Nam:

“Hương thấy những việc này rất hay. Có mấy dì phước ở Việt Nam qua đây kể chuyện, mình nghe rất cảm động nên mình đến phụ. Lúc đó hội còn nghèo lắm.”

Hương từng tham gia vào các chuyến đi do hội tổ chức về tận Việt Nam thăm hỏi và tặng quà cho các bạn khiếm thị tại các trung tâm mà hội bảo trợ ở nhiều địa phương.

Hương kể về chuyến đi gần đây nhất nhân dịp Giáng Sinh năm ngoái:

“Tụi em đến Sa Pa, thăm một ngôi làng và giúp các em ở đây. Các em ở đây rất khổ. Rời Sa Pa, tụi em đến một ngôi làng nhỏ ở Hà Nội, phát kẹo và tặng quần áo cho các em. Rồi tụi em đi thăm một trại khiếm thị ở Thủ Đức. Các em tuy bị mù, nhưng các em học giỏi lắm, học cả vi tính nữa. Có em bị mù, có em bị dị tật, có em bị đầu óc kém phát triển. Tụi em ở bên đây khi gây quỹ chỉ được biết các em qua hình thôi, nhưng khi tận mắt gặp các em, mình mới thấy mình may mắn, hạnh phúc hơn các em nhiều lắm, nên mình nên giúp các bạn ấy. Em về đây, em nói với các bạn trẻ bên này rằng mình được như vậy là quá sung sướng, mình chỉ cần bỏ một miếng ăn nhỏ mỗi ngày hay dành dụm một chút tiền gửi về Việt Nam, đủ để giúp các bạn ấy có cuộc sống an tâm hơn.”

Hương nói rằng kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với Hương là khi đến thăm trại nuôi dưỡng các bạn khiếm thị ở Suối Mơ, Đà Lạt. Lúc đó, trung tâm chưa được xây dựng, các bạn nhỏ ở đây sinh sống trong một căn nhà lá siêu vẹo rất khổ sở. Chỗ ở đó không đủ giữ ấm cho các bạn trước cái rét buốt của mùa đông Đà Lạt. Mọi góc học hành và sinh hoạt đều chật hẹp. Tận mắt chứng kiến số phận tăm tối của những người bạn khốn khó này đã để lại trong lòng những người bạn trẻ bay về từ nửa vòng trái đất bên kia như Hương nhiều ấn tượng đau lòng khó quên.

Cô bạn Huyền Nguyễn, Phó Chủ tịch của hội BVCF, mặc dù ở tận miền Nam tiểu bang California, tức là cách thành phố San Francisco nơi đặt trụ sở của BVCF gần nửa đường như từ Sài Gòn ra Hà Nội, nhưng hằng năm Huyền đều bay về San Francisco góp mặt trong các buổi gây quỹ của hội. Huyền cho biết trung bình mỗi năm cô đi 3 chuyến từ Nam ra Bắc Cali để tham dự các hoạt động của hội. Đường xa cách trở không là trở ngại đối với Huyền, vì tấm lòng của cô còn vượt xa hơn khoảng cách địa lý ấy, hướng đến các bạn trẻ không quen biết ở tận Việt Nam. Có khi cô còn phải xin nghỉ phép hẳn một tuần liền để bay từ thành phố San Diego đến San Francisco cùng với các bạn ở đó đi lạc quyên sổ vàng cho hội gửi về giúp đỡ các bạn khiếm thị ở Việt Nam.

Huyền hồ hởi chia sẻ:

“Giả sử mình đi làm một tuần kiếm được 1-2 ngàn, nếu mình cho họ cũng chỉ được 1-2 ngàn đó thôi. Nhưng mình bay lên đó bỏ công đi xin sổ vàng thì quyên cho họ tới mười mấy ngàn lận.”

Nói về những khó khăn khi các bạn đến các cơ sở thương mại của người Việt ở Mỹ để lạc quyên, Huyền kể rằng lắm lúc các bạn phải đối diện với nhiều ánh mắt nghi ngại. Có khi phải trình bày thật lâu mới thuyết phục được lòng tin của những người hảo tâm. Không ít vất vả, nhưng các bạn rất vui khi có cơ hội đóng góp sức mình vào công tác thiện nguyện đầy ý nghĩa này.

Huyền nói:

“Mình hãy nghĩ là mình rất may mắn, mình có được những gì thì mình nên chia sẻ. Nhiều lúc làm xong công tác quyên góp cũng mệt lắm, nhưng mình cảm thấy rất hạnh phúc. Nếu bạn nào chưa từng làm, mình khuyên rằng hãy thử đi. Hãy thử tham gia một lần thôi để thấy rằng khi mình cho đi, người vui nhất không phải là người nhận mà là chính bản thân mình. Mình đem lại hạnh phúc cho chính bản thân mình. Mình cũng động viên những ca viên khác trong ca đoàn như vậy, thì tự nhiên mình lôi cuốn được bao nhiêu người tham gia tự nguyện, hăng say.”

Cô bạn Phó Chủ tịch của Sáng hội Trẻ Khiếm thị Việt Nam BVCF trải lòng:

“Mình có cơ hội nhìn thấy ánh sáng làm được nhiều điều, sao mình không nhín ra chút thời gian? Một năm giả sử mình có phải bay 3 chuyến đi quyên quỹ nhưng những gì mình được thì quá nhiều. Tại sao mình không thể chia sẻ với những người bất hạnh? Mình hy sinh một chút nhưng giúp thay đổi được cuộc sống của nhiều bạn, mình nghĩ việc làm này rất là xứng đáng. Nếu nói để đợi khi rảnh rỗi mới làm từ thiện thì cho tới ngày nhắm mắt xuôi tay vẫn không có thời gian.”

Những người bạn từ Việt Nam được sự cảm thông, san sẻ của các bạn trẻ này họ có cảm nghĩ như thế nào? Từ Trung tâm nuôi dạy trẻ khiếm thị Nhật Hồng ở Thị Nghè, bạn trẻ khiếm thị tên Tú, năm nay 19 tuổi, nhắn gửi:

“Các bạn bên đó làm việc rất hay. Ước gì em được gặp các bạn đó. Chúng em vui nhất là tấm lòng của tất cả mọi người. Họ vẫn hướng về chúng em là chúng em vui lắm rồi. Có những nguồn an ủi động viên để chúng em vươn lên mà học tập tốt.”

Rõ ràng những sự đóng góp của lớp thanh niên như trong hội BVCF quả thật là đáng quý, giữa lúc phần đông giới trẻ ngày nay phải luôn chạy đua với cuộc sống, với thời gian và tiền bạc, khiến không ít thanh niên lãng quên trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng, thờ ơ với các hoạt động từ thiện xã hội. Trước thực tế đó, câu hỏi đang được đặt ra là làm thế nào để có thể thu hút giới trẻ đến với các hoạt động thiện nguyện phục vụ cộng đồng nhiều hơn?

Linh mục Thuận, người sáng lập hội từ thiện BVCF cho rằng ngoài vai trò của thông tin truyền thông giúp quảng bá và hướng thanh niên đến các hoạt động xã hội, gia đình cũng đóng một phần quan trọng không kém:

“Từ trong gia đình, cha mẹ nên hướng dẫn con cái làm việc bác ái. Đó là điều hết sức quan trọng.”

Những người bạn trẻ trong hội BVCF cho biết họ sẽ luôn gắn bó với các hoạt động của hội, hầu góp phần nhỏ bé của mình giúp đỡ các bạn trẻ mù lòa, khốn khó tại Việt Nam.

Bạn Hương Phạm nhờ chương trình chuyển một thông điệp nhỏ đến các bạn đồng trang lứa:

“Em chỉ muốn nói là các bạn ở Việt Nam nếu đang đi học hay đi làm, chỉ cần bỏ chút thời gian đến thăm các bạn khiếm thị là cũng đủ mang niềm vui đến cho các bạn ấy rồi. Các bạn ấy rất dễ thương. Chỉ cần mình tới, cầm tay các bạn đi dạo, trò chuyện cũng đủ cảm thấy hạnh phúc vì mình đã giúp họ được chút gì đó. Còn các bạn trẻ ở Mỹ này thì sung sướng và may mắn quá rồi, các bạn chỉ cần bỏ chút tiền bạc hay thời gian đi gây quỹ để giúp các bạn bên Việt Nam được cơm no áo ấm, được đi học giống như mình.”

Trước khi chia tay với Trà Mi, anh bạn Hoàng Phương trong Ban Cố Vấn của hội không quên lời nhắn:

“Các bạn trẻ hãy cố gắng bỏ ra ít thời gian làm việc xã hội. Hãy chọn cho mình một nơi nào đó như viện dưỡng lão, bệnh viện, hay là gọi Hoàng Phương để gia nhập vào tổ chức BVCF của tụi mình giúp trẻ em khiếm thị của Việt Nam. Việc này sẽ giúp cho đời sống của các bạn vui.”

Chúng ta vừa nghe câu chuyện của một số bạn trẻ trong hội từ thiện BVCF tuy xa Việt Nam đã lâu, nhưng tấm lòng của họ vẫn rất gần gũi với quê cha đất tổ, biểu hiện qua sự san sẻ với những nỗi bất hạnh của những người bạn bất hạnh nơi quê nhà.

Kỳ tới, Trà Mi sẽ mời quý vị và các bạn cùng tìm hiểu về cuộc sống và tâm tình của những thanh niên khiếm thị đang sống và học tập tại các trung tâm bảo trợ xã hội tại Việt Nam. Mời quý vị nhớ đón nghe. Tạp chí Thanh Niên cũng mong nhận được thư góp ý của quý vị tại địa chỉ Vietnamese@voanews.com.

Hẹn tái ngộ cùng quý vị và các bạn trong buổi phát thanh 10 giờ tối thứ ba tuần tới trên làn sóng của đài VOA.

Trà Mi kính chào tạm biệt quý thính giả.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG