Đường dẫn truy cập

Các đảng ở Pháp gấp rút xây dựng mặt trận chống cực hữu


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) gặp bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng NR cực hữu của Pháp, tại Cung điện Elysee vào ngày 21/6/2022 ở Paris. Hai người đang là đối thủ cạnh tranh quyết liệt trong cuộc bầu cử Pháp năm nay.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) gặp bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng NR cực hữu của Pháp, tại Cung điện Elysee vào ngày 21/6/2022 ở Paris. Hai người đang là đối thủ cạnh tranh quyết liệt trong cuộc bầu cử Pháp năm nay.

Các đảng chính trị của Pháp hôm 1/7 đã tìm cách xây dựng một mặt trận thống nhất nhằm ngăn chặn con đường dẫn tới nắm quyền chính phủ của Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu của bà Marine Le Pen, sau khi đảng này đạt được những bước tiến lịch sử để giành chiến thắng trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử quốc hội.

Kết quả chính thức cho thấy RN và các đồng minh của họ đã giành chiến thắng trong vòng bỏ phiếu ngày 30/6 với 33% phiếu bầu, tiếp theo là khối cánh tả với 28% và vượt xa liên minh trung dung rộng lớn của Tổng thống Emmanuel Macron, những người chỉ đạt được 22% số phiếu.

Mặc dù thị trường tài chính phục hồi trở lại vì sự ủng hộ dành cho RN không nhiều hơn, nhưng đó vẫn là một bước thụt lùi lớn đối với ông Macron, người đã kêu gọi cuộc bầu cử sớm sau khi phe trung dung của ông bị RN đánh bại trong cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu vào tháng trước.

“Tôi hài lòng, vì chúng tôi cần thay đổi,” ông Jean-Claude Gaillet, 64 tuổi, người ủng hộ RN ở Henin-Beaumont, thành trì phía bắc của bà Le Pen, cho biết. "Mọi thứ chưa chuyển động, và chúng phải chuyển động."

Nhưng những người khác lo ngại sự trỗi dậy của RN và cương lĩnh dân tộc chủ nghĩa của đảng này sẽ gây ra căng thẳng ngày càng tăng trong xã hội Pháp.

“Tôi không nghĩ mọi người nhận ra điều gì đang xảy ra, họ chỉ nghĩ đến chi phí sinh hoạt và những thứ ngắn hạn như vậy,” bà Yamina Addou nói bên ngoài một siêu thị ở thị trấn gần Oignies, phía nam của Lille. "Tôi thấy rất buồn."

Liệu RN, vốn chống người nhập cư và hoài nghi châu Âu, có thể thành lập được một chính phủ hay không giờ đây sẽ phụ thuộc vào mức độ thành công của các đảng khác trong việc ngăn cản bà Le Pen bằng cách tập hợp các ứng cử viên đối thủ có vị trí tốt nhất ở hàng trăm khu vực bầu cử trên khắp nước Pháp.

Ông Macron dự kiến sẽ vạch ra chiến lược bầu cử với các trợ lý cấp cao của ông tại cuộc họp ở Cung điện Elysee vào cuối ngày 1/7.

Các nhà lãnh đạo của cả Mặt trận Bình dân Mới cánh tả và liên minh trung dung của ông Macron đều cho biết vào tối ngày 30/6 rằng họ sẽ rút các ứng cử viên của mình ở các quận nơi một ứng cử viên khác có khả năng tốt hơn để đánh bại RN trong cuộc bỏ phiếu vòng hai vào ngày 7/7.

Tuy nhiên, không rõ liệu một thỏa thuận như vậy có luôn được áp dụng hay không nếu ứng cử viên cánh tả đến từ đảng Nước Pháp Bất khuất (LFI) cực tả của ông Jean-Luc Melenchon, một trong những thành viên chính của Mặt trận Bình dân Mới.

Ông Melenchon là một trong những nhân vật gây chia rẽ nhất trong nền chính trị Pháp, vừa khiến cử tri say mê vừa khiến cử tri kinh hoàng với những đề xuất không kiềm chế về thuế và chi tiêu cũng như luận điệu chiến tranh giai cấp.

Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire, một đồng minh của đảng của ông Macron, loại trừ việc kêu gọi cử tri chọn một ứng cử viên của LFI. “LFI là mối nguy hiểm cho quốc gia”, ông nói với đài phát thanh France Inter.

Bà Marine Tondelier, một thành viên cấp cao của Đảng Xanh trong liên minh cánh tả, nói với đài phát thanh này vài phút sau đó rằng bà "hoàn toàn kinh ngạc" trước lập trường của ông Le Maire, gọi đó là "hèn nhát và đặc quyền".

Không thể quản trị được?

Sự thăng tiến của RN được những người theo chủ nghĩa dân tộc và các nhóm cực hữu trên khắp châu Âu hoan nghênh, bao gồm cả đảng Liên đoàn của Ý và đảng Vox của Tây Ban Nha. Ông Pedro Sanchez, thủ tướng Đảng Xã hội Tây Ban Nha, cho biết các đảng thiên tả vẫn có thể cản trở chiến thắng hoàn toàn của RN.

Nhà phân tích Mathieu Gallard của Ipsos tính toán rằng vòng đầu tiên có khả năng xảy ra các cuộc tranh giành ba bên trong số 306 của 577 ghế tại Quốc hội Pháp, cho thấy quy mô của sự bất ổn vẫn còn tồn tại.

Trong khi cái gọi là "mặt trận cộng hòa" chống lại phe cực hữu từng có tác dụng rộng rãi trong quá khứ, các nhà phân tích vẫn đặt câu hỏi liệu cử tri Pháp có còn sẵn sàng bỏ phiếu vòng hai theo chỉ đạo của các nhà lãnh đạo chính trị hay không.

Là một đảng bị ruồng bỏ lâu năm đối với nhiều người ở Pháp, RN giờ đây đã tiến gần đến quyền lực hơn bao giờ hết. Bà Le Pen đã tìm cách làm trong sạch hình ảnh của một đảng nổi tiếng với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bài Do Thái, một chiến thuật đã có hiệu quả trong bối cảnh cử tri phẫn nộ với ông Macron, người bị nhiều cử tri coi là không quan tâm đến những mối quan tâm hàng ngày của họ.

Một chính phủ do RN lãnh đạo sẽ đặt ra những câu hỏi lớn về việc Liên minh Châu Âu sẽ đi về đâu. Các nhóm nhân quyền đã nêu lên mối lo ngại về việc chính sách "Nước Pháp trên hết" sẽ được áp dụng như thế nào đối với người dân tộc thiểu số, trong khi các nhà kinh tế đặt câu hỏi liệu các kế hoạch chi tiêu khổng lồ của họ có được tài trợ đầy đủ hay không.

Kịch bản thay thế chính đối với một chính phủ do RN lãnh đạo sẽ là một quốc hội không có phe nào chiếm thế đa số rõ ràng, khiến nước Pháp không thể quản trị được trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ tổng thống của ông Macron, vốn sẽ kéo dài đến năm 2027.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG