Đường dẫn truy cập

Ấn Độ có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030


Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Nền kinh tế Ấn Độ đang tăng trưởng nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn, đặt nước này trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trước cuối thập niên này, theo các dự báo tài chính.

Trong lúc các công ty ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ và tăng lương, có một làn sóng lạc quan trong giới chuyên môn.

“Có những dự báo tốt cho nền kinh tế Ấn Độ. Ngoài ra, ngay cả trong vòng bạn bè của chúng tôi, rất nhiều người đang thay đổi công việc, chuyển đến những chỗ ngon hơn,” ông Jaideep Manchanda, một chuyên gia tiếp thị ở New Delhi, người vừa mua một chiếc ô tô mới, nói. Ông cho biết thêm: “Vợ chồng tôi cũng vậy, vợ tôi gần đây đã chuyển sang một công việc mới.”

Những người tiêu dùng như ông Manchanda và vợ ông, Tanya Tandon, đang đẩy nhu cầu trong nước khi Ấn Độ trỗi dậy mạnh mẽ sau đại dịch COVID chẳng hạn như ngành ô tô đã ghi nhận doanh số bán hàng cao nhất từ trước đến nay trong tháng 11. Đầu tư mới đang chảy vào nước này, giúp nước này đứng vững trước xu hướng tăng trưởng chậm lại ở hầu hết các nước.

Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng gần 7% trong năm nay bất chấp những bất ổn kinh tế do cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Đà tiến đó có thể sẽ tiếp tục, giúp nước này vượt qua Nhật Bản và Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, theo một dự báo gần đây của công ty đầu tư Morgan Stanley và S&P Global có trụ sở tại New York.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán Ấn Độ sẽ đạt được vị trí đó vào năm 2028. Hoa Kỳ và Trung Quốc là những nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới về nền kinh tế Ấn Độ được công bố vào tháng 12 cũng cho biết Ấn Độ có vị thế tương đối tốt để vượt qua những cơn gió ngược toàn cầu so với hầu hết các thị trường mới nổi khác.

“Nền kinh tế Ấn Độ đã có khả năng phục hồi đáng kể trước môi trường bên ngoài đang xấu đi,” ông Auguste Tano Kouame, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới, cho biết khi công bố báo cáo “Điều hướng cơn bão” vào đầu tháng này.

Theo Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Ấn Độ tương đối biệt lập một phần vì nước này có thị trường nội địa lớn và tương đối ít tiếp xúc với thương mại quốc tế.

Tăng trưởng dự kiến sẽ giảm trong năm tới do giống như nhiều quốc gia khác, Ấn Độ phải vật lộn với lạm phát sau khi giá lương thực và nhiên liệu toàn cầu tăng vọt. Một cuộc suy thoái toàn cầu tiềm ẩn cũng gây rủi ro cho đà tiến kinh tế của nước này.

Tuy nhiên, điều đó không làm giảm đi sự lạc quan. Theo Abhijit Mukhopadhyay, một nhà kinh tế tại Tổ chức Nghiên cứu Quan sát ở New Delhi: “Ngay cả khi nền kinh tế tăng trưởng ổn định ở mức khoảng 5,5% hoặc 6% cũng sẽ rất đáng chú ý.” “Rất nhiều thay đổi đang diễn ra trên khắp thế giới và chúng tôi hy vọng rằng một số trong đó sẽ có lợi cho nền kinh tế Ấn Độ.”

Các cơ hội mới đang mở ra cho Ấn Độ khi căng thẳng thương mại và địa chính trị giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày càng sâu sắc, các nhà phân tích cho biết.

Trong nhiều thập niên, các nhà đầu tư toàn cầu đã đổ xô đến Trung Quốc để thành lập các nhà máy trong khi lĩnh vực sản xuất của Ấn Độ tụt hậu, kìm hãm nền kinh tế. Những nỗ lực của Thủ tướng Narendra Modi nhằm thúc đẩy chiến dịch “Sản xuất tại Ấn Độ” kể từ khi ông nhậm chức cách đây 8 năm đã vấp phải phản ứng hờ hững, nhưng điều đó có thể đang thay đổi.

Trong chuyến thăm New Delhi vào tháng trước, Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen đã nói về việc xây dựng mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Ấn Độ.

“Hoa Kỳ đang theo đuổi một cách tiếp cận được gọi là chuyển sản xuất đến những nước cùng phe để đa dạng hóa khỏi các quốc gia có rủi ro địa chính trị và rủi ro an ninh đối với chuỗi cung ứng của chúng tôi. Để làm được như vậy, chúng tôi đang tích cực tăng cường hội nhập kinh tế với các đối tác thương mại đáng tin cậy như Ấn Độ,” bà Yellen phát biểu trước các nhà lãnh đạo công nghệ tại một cơ sở của Microsoft.

Các nhà phân tích nói rằng nhiều công ty đang cân nhắc tới Ấn Độ khi họ xem xét bổ sung năng lực sản xuất tại quốc gia thứ hai ngoài Trung Quốc.

Công ty công nghệ Apple có trụ sở tại Hoa Kỳ dự kiến sẽ chuyển một số hoạt động sản xuất iPhone sang Ấn Độ và mở rộng quy mô trong ba năm tới. Công ty điện tử Đài Loan Foxconn và tập đoàn địa phương Vedanta đã công bố khoản đầu tư 19,5 tỷ đô la để sản xuất chất bán dẫn ở bang Gujarat, miền tây Ấn Độ.

“Bây giờ, sau Trung Quốc, Ấn Độ có thể được coi là nơi tiếp theo sẽ tăng trưởng. Đây là kỳ vọng và những dấu hiệu ban đầu đã có,” nhà kinh tế học Mukhopadhyay chỉ ra. “Đó là lý do tại sao rất nhiều đầu tư toàn cầu, đầu tư trực tiếp và rất nhiều vốn tài chính toàn cầu hiện đang đặt cược vào Ấn Độ.”

Chính phủ của ông Modi đang nỗ lực thu hút các công ty bằng cách đưa ra các ưu đãi để sản xuất ở Ấn Độ và đầu tư hàng tỷ đô la vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng ọp ẹp của đất nước vốn từ lâu đã cản trở các nhà đầu tư.

Tâm trạng của các chuyên gia Ấn Độ, những người thường tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp ở nước ngoài, nay đang lạc quan. Giờ đây, nhiều người cảm thấy làm việc ở nội địa tốt hơn, đặc biệt là sau khi hàng chục ngàn công nhân thuộc các công ty công nghệ hàng đầu bị sa thải. Việc này ảnh hưởng đến nhiều người Ấn Độ.

Tanya Tandon, một chuyên gia tiếp thị cho biết: “Ấn Độ có tiềm năng lớn trong các lĩnh vực, trên các khu vực địa lý và trên các thành phố lớn và nhỏ.”

Duy trì tốc độ tăng trưởng cao sẽ rất quan trọng đối với Ấn Độ, quốc gia có 1,4 tỷ dân, vẫn cần giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo và cũng phải đối mặt với thách thức lớn trong việc tạo việc làm cho dân số trẻ, khổng lồ của mình.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG