VOA: Xin ông cho biết sơ về tình hình phát triển của môn cầu mây hiện nay tại Việt Nam, nhất là sau khi không đạt được thành tích như mong đợi tại Á vận hội vừa qua ở Quảng Châu?
Ông Hà Khả Luân: Tôi là người đầu tiên mang về và phát triển môn cầu mây ở Việt Nam. Đến nay sau hơn 20 năm, cầu mây nữ của Việt Nam đã đứng vị trí thứ nhì thế giới, và thậm chí có giai đoạn chúng tôi còn vượt qua cả Thái Lan, nước thường xuyên nắm vị trí hàng đầu về cầu mây.
Đến nay chúng tôi, kể cả chủ trương của nhà nước, vẫn duy trì và phát triển cầu mây. Tức là hiện nay các đội tuyển vẫn được thành lập; đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia; rồi các tỉnh thành có phong trào như Hà Nội, Đồng Nai, Thanh Hóa v.v. vẫn phát triển môn này.
Và chắc chắn rằng chúng ta vẫn phải tham gia tất cả các giải của Liên đoàn châu Á, Liên đoàn Thế giới, hoặc của các nước tổ chức. Thế nhưng để lấy lại được các vị trí như huy chương vàng ở Asiad hay không, thì tôi nghĩ là trong một vài năm sắp tới đây là khó khăn, nhưng chắc chắn chúng ta phải phấn đấu để đạt lại vị trí đó.
VOA: Thưa ông, cầu mây Việt Nam đã mất chức vô địch nữ tại Asiad 16 mới đây ở Quảng Châu vào tay Thái Lan. Nhận xét của ông về kết quả đó, và xin ông cho biết kế hoạch sắp tới của Việt Nam để lấy lại danh hiệu đó?
Ông Hà Khả Luân: Bất kỳ môn thể thao nào cũng có các giai đoạn phát triển, trưởng thành, chín mùi, và sau đó là giai đoạn hình sin đi xuống của thể thao.
Về cầu mây, trong giai đoạn mà chúng tôi làm hơn 12 hay 13 năm, với lực lượng được tuyển chọn, đào tạo tốt, cho nên dàn vận động viên nữ chín mùi nhất là ở Asiad Doha, khi đội hình cầu mây nữ đi tham gia ba nội dung thì chúng tôi lấy hai huy chương vàng và một huy chương bạc. Đợt đó thành công nhất là cầu mây. Thái Lan mất cả hai huy chương nữ đối với chúng tôi. Đó là đỉnh cao nhất của cầu mây nữ.
Thế nhưng Asiad ở Quảng Châu vừa rồi, thì phải nói là lứa vận động viên đó đã lớn tuổi, ví dụ như Lưu Thị Thanh, hay Hải Thảo, hay Bích Thủy. Ở Quảng Châu có một phần không may mắn, một phần nữa là các vận động viên sau khi đã đạt đến đỉnh cao, tuổi đã có, cho nên phải nói là việc mất huy chương vào tay Thái Lan là tất yếu.
Thái Lan thua chúng ta ở Doha là khi họ cũng bị mất một số vận động viên qua giai đoạn chín.
Thế còn câu hỏi "cầu mây Việt Nam chuẩn bị như thế nào, có lấy lại được huy chương hay không?" -- Phải nói rằng các vận động viên cũng như bộ môn cầu mây đang rất cố gắng. Nhưng tôi có thể nói rằng giai đoạn này là giai đoạn chuyển tiếp giữa những vận động viên đã già, đã hết thành tích với những vận động viên trẻ mới lên. Cho nên có thể nói là trong một vài năm tới chúng ta chưa thể lấy huy chương vàng lại được đâu.
Thái Lan thì họ chắc chắn hơn ta vì diện của họ rộng hơn. Cầu mây là môn thể thao cả quốc gia của họ chơi. Họ có 6 trung tâm huấn luyện để đào tạo các vận động viên này. Và đó là môn họ có truyền thống từ xa xưa rồi.
Kế hoạch của chúng ta thì vần phải chuẩn bị, đào tạo một lực lượng trẻ, tập huấn và tham gia các giải, nhưng để lấy huy chương vàng nhanh từ tay Thái Lan, thì tôi có thể nói là một vài năm sắp tới chưa được đâu.
VOA: Đó là về cầu mây nữ thì có những thành tích rất cao, nhất là ở Asiad Doha; thế còn cầu mây nam của Việt Nam thì chưa cất được tiếng nói như thế?
Ông Hà Khả Luân: Trên thế giới, trong mười mấy năm tôi làm Phó Chủ tịch Liên đoàn Cầu mây Thế giới và Liên đoàn châu Á, phải nói rằng tuy cầu mây phát triển được ở trên dưới ba chục nước, nhưng thực tế thành tích chỉ tập trung ở khu vực Đông Nam Á, và cũng chỉ gói gọn lại ở ba hay bốn quốc gia, đó là Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Việt Nam. Trước đây thì Indonesia, Singapore cũng mạnh, nhưng thời gian gần đây thì phong trào ở hai nước đó đi xuống.
Cầu mây thì lại có hai trường phái: Cầu mây nam và cầu mây nữ. Cầu mây nữ thì Thái Lan vẫn đứng đầu – tôi có thể khẳng định như vậy. Nữ thì chỉ có Thái Lan, Myanmar, Việt Nam và sau này Trung Quốc có giai đoạn cầu mây nữ cũng rất mạnh. Trong tương lai nếu Trung Quốc đầu tư vào cầu mây nữ thì tôi nghĩ họ có khả năng sẽ nắm môn này.
Cầu mây nam thì cường quốc vẫn nằm ở hai nước Malaysia và Thái Lan. Myanmar trước đây còn ngang ngửa, nhưng bây giờ phong trào cầu mây hơi yếu hơn. Còn các nước như Việt Nam, Singapore, Indonesia, Philippines thì cầu mây nam của chúng ta trước đây là yếu nhất, vì chúng ta là nước cuối cùng ở khu vực Đông Nam Á chơi môn này, thậm chí sau cả Lào. Cầu mây nam của chúng ta vào lúc mạnh lắm thì cũng chỉ đạt được đến huy chương bạc.
Câu hỏi "phát triển cầu mây nam như thế nào?" – Tôi nghĩ chúng ta phần đấu giỏi lắm cũng chỉ đạt được đến vị trí huy chương đồng. Tại Malaysia và Thái Lan thì môn này gần như là môn thể thao quốc sách của họ. Malaysia nói họ là nước phát minh ra môn này, và họ có những giải quốc tế truyền thống của họ. Còn Thái Lan thì có 6 trung tâm đào tạo cho môn này. Do đó tôi nghĩ cầu mây nam của Việt Nam phát triển để tranh giành vị trí vàng, bạc thì hơi khó.
VOA: Cám ơn ông Hà Khả Luân đã dành cho đài VOA cuộc phỏng vấn này.
Môn cầu mây nữ của Việt Nam đang trên đường đi tìm lại danh hiệu vô địch châu Á mà họ đã để mất vào tay các tuyển thủ Thái Lan tại Asiad 16 hồi cuối năm ngoái ở Quảng Châu. Trong cuộc trao đổi mới đây với đài VOA, ông Hà Khả Luân, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Cầu mây Thế giới, nói rằng có thể phải mất thêm nhiều năm nữa cầu mây nữ Việt Nam mới lập lại được thành tích đó.