Nguyễn Trung: Thưa ông, Nhóm Đối thoại Việt – Mỹ về chất da cam và dioxin nghiên cứu như thế nào để đi tới con số 300 triệu đôla đó?
Ông Walter Isaacson: Ba năm trước, bà Susan V.Beresford, Cựu Chủ tịch Quỹ Ford, vốn từng thực hiện nhiều hoạt động ở Việt Nam, đã tới Viện Aspen của chúng tôi để bàn thảo về việc thành lập một nhóm các cá nhân có mối quan hệ với chính phủ, những người có thể giải quyết một vấn đề quan trọng trong mối bang giao Hoa Kỳ và Việt Nam. Mối quan hệ này rất quan trọng về mặt kinh tế cũng như chiến lược trong tương lai. Chính bởi lẽ đó, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu các chi phí cần thiết để dọn sạch các khu vực có nhiễm chất dioxin cũng như hỗ trợ nhân đạo cho những người có thể bị ảnh hưởng vì phơi nhiễm chất da cam và dioxin. Trong vòng 10 năm tới, chúng tôi cảm thấy rằng chúng tôi có thể thực hiện và thúc đẩy một kế hoạch nghiêm túc về khoản tiền 300 triệu đôla đó.
Nguyễn Trung: Kể từ năm 2007 cho tới nay, mới chỉ có 9 triệu đôla được Hoa Kỳ cung cấp cho phía Việt Nam theo hình thức hỗ trợ y tế. Vậy ông có nghĩ con số 30 triệu đôla mỗi năm có khả thi?
Ông Walter Isaacson: Tôi nghĩ rằng chính quyền Hoa Kỳ cần phải cung cấp thêm nữa và phải lên tiếng yêu cầu Quốc hội thông qua thêm. Tôi cũng nghĩ rằng các công ty tư nhân có thể đóng góp một phần nào đó. Quỹ Ford đã cung cấp và hỗ trợ 14 triệu đôla để giải quyết hậu quả của chất da cam. Còn có Bill Gates Foundation cũng từng hỗ trợ các dự án tại Việt Nam. Vậy nên tôi nghĩ rằng cả chính phủ, các tổ chức tư nhân và các cá nhân cũng làm việc với nhau để tìm ra một khoản 300 triệu đôla trong vòng 10 năm nữa.
Nguyễn Trung: Hiện vẫn còn bất đồng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam về con số nạn nhân chất da cam thực tế. Ông có nghĩ rằng điều đó ảnh hưởng tới kế hoạch hành động của ông không?
Ông Walter Isaacson: Tôi không tin là chúng ta cần phải giải quyết mọi tranh cãi. Tôi không nghĩ là chúng ta phải xác định chính xác ai bị ảnh hưởng bởi chất da cam, các hóa chất khác hay những yếu tố mà chúng ta không hay biết. Nếu chúng ta cứ luẩn quẩn trong những điều đó, việc giải quyết sẽ không bao giờ kết thúc. Điều chúng ta cần làm là nhanh chóng giúp đỡ những người bị tật nguyền có thể liên quan tới chất da cam hay dioxin. Không nên tiếp tục thảo luận ai bị ảnh hưởng và ai không.
Nguyễn Trung: Ông hy vọng như thế nào về phản ứng của phía chính phủ Hoa Kỳ?
Ông Walter Isaacson: Tôi hy vọng rằng bà Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ tới tham dự hội nghị ASEAN. Tôi không chắc là chuyện này đã được thông báo chưa, nhưng chúng tôi rất hy vọng là bà ấy quyết định sẽ tới tham dự với các giới chức Hoa Kỳ khác đúng vào dịp kỷ niệm Hà Nội 1.000 năm tuổi. Và nếu họ đi, chúng tôi sẽ kêu gọi họ cân nhắc một cách nghiêm túc về việc đưa ra các tuyên bố liên quan tới các khoản hỗ trợ thêm của chính phủ cũng như các công ty tư nhân Hoa Kỳ.
Nguyễn Trung: Theo ông, vấn đề chất da cam ảnh hưởng như thế nào tới mối quan hệ Việt – Mỹ?
Ông Walter Isaacson: Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ và Việt Nam có mối quan hệ thương mại tốt đẹp. Hai nước còn là đối tác chiến lược. Tôi cho rằng hai nước cần duy trì quan hệ bạn hữu trong tương lai. Từng tới Việt Nam một số lần trong thành phần của Nhóm Đối thoại Việt – Mỹ về chất da cam và dioxin tới khảo sát tình trạng nhiễm độc chất da cam và dioxin tại căn cứ ở Đà Nẵng và nói chuyện với người dân ở đó, tôi biết rằng đó là một vấn đề nghiêm trọng và sâu rộng đối với người dân Việt Nam. Chúng tôi cần phải thực hiện nhiều điều hơn nữa để giải quyết vấn đề này, và điều đó sẽ dẫn tới mối quan hệ tốt đẹp hơn nữa.
Một nhóm hỗn hợp Việt – Mỹ gồm các nhà hoạch định chính sách, các cá nhân và các nhà khoa học lần đầu tiên công bố một kế hoạch hành động hôm 16/6, trong đó kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ và các nhà tài trợ khác cung cấp khoảng 30 triệu đôla mỗi năm trong vòng 10 năm tới để dọn sạch các khu vực còn bị ô nhiễm bởi hóa chất da cam và dioxin cũng như giúp đỡ các nạn nhân của hóa chất này ở Việt Nam. VOA Việt Ngữ đã trao đổi với ông Walter Isaacson, Chủ tịch Viện Aspen ở Washington và là đồng chủ tịch Nhóm Đối thoại Việt – Mỹ về chất Da cam/dioxin, tổ chức đã công bố kế hoạch hành động này.