Đường dẫn truy cập

Điều trần ở Hạ viện Hoa Kỳ: ‘Hoá chất da cam là vấn đề nhạy cảm’


Ông Palmer cho hay, cả Hoa Kỳ và Việt Nam đều đồng quan điểm rằng 'sức khỏe của người Việt Nam và sự an toàn của môi trường là điều tối quan trọng cho tương lai của Việt Nam’.
Ông Palmer cho hay, cả Hoa Kỳ và Việt Nam đều đồng quan điểm rằng 'sức khỏe của người Việt Nam và sự an toàn của môi trường là điều tối quan trọng cho tương lai của Việt Nam’.

Thưa quý vị, một phiên điều trần về hoá chất da cam ở Việt Nam đã diễn ra tại Hạ Viện Hoa Kỳ hôm 15/7 dưới sự chủ tọa của Dân biểu Eni Faleomavaega, Chủ tịch Tiểu ban về châu Á, Thái Bình Dương và Môi trường Toàn cầu thuộc Ủy ban Đối Ngoại. Tham gia trình bày có các giới chức Mỹ, đại diện của phía Việt Nam, và lần đầu tiên xuất hiện một nạn nhân bị tàn phế vì hóa chất dioxin. Trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này, mời quý vị theo dõi tường thuật của Nguyễn Trung về một trong những vấn đề được coi là ‘nhạy cảm’ trong mối bang giao Hà Nội – Washington.

Lấy dấu mốc kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ song phương giữa hai quốc gia cựu thù, ông Matthew Palmer, quyền Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, nhấn mạnh rằng hoá chất da cam là một trong các chủ đề nổi bật, nhưng cũng đầy thách thức thời gian qua.

Tuy vậy, giới chức ngoại giao này cho hay hai quốc gia từng đối đầu nhau hơn 30 năm trước vẫn đang tiếp tục đi tìm giải pháp nhằm giải quyết rốt ráo di sản chiến tranh này.

Ông Palmer nhận định: ‘Vấn đề hoá chất da cam bấy lâu nay là một đề tài nhạy cảm trong mối bang giao Việt – Mỹ. Trước đây, chúng tôi từng đối mặt với các khó khăn để đạt được sự đồng thuận về cách thức cũng như địa điểm giải quyết hậu quả, nhưng giờ chúng tôi đã biến chuyển đối thoại thành các hành động cụ thể nhằm cải thiện môi trường và sức khỏe của người dân Việt Nam'.

'Cả Hoa Kỳ và Việt Nam đều đồng quan điểm rằng sức khỏe của người Việt Nam và sự an toàn của môi trường là điều tối quan trọng cho tương lai của Việt Nam', quyền Phó Trợ lý Ngoại trưởng nói thêm.

Tham gia điều trần, về phía Việt Nam có bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng, thành viên Nhóm Đối thoại Việt – Mỹ về hoá chất da cam/dioxin.

Bà cho VOA Việt Ngữ biết, mỗi lần xuất hiện trước Quốc hội Hoa Kỳ, bà luôn có nhiều hy vọng cho các nạn nhân hoá chất da cam ở Việt Nam.

Bà Phượng nói: ‘Lần điều trần trước đây cũng đã qua và cho thấy các chuyển biến tốt từ phía chính phủ và Quốc hội Hoa Kỳ. Lần điều trần này, chúng tôi rất hy vọng sẽ đem được những tin tức mới cho Quốc hội Hoa Kỳ, và cơ quan lập pháp này sẽ cùng với chính phủ sẽ có những quyết sách mới để mà hỗ trợ cho các nạn nhân hoá chất da cam của Việt Nam cũng như là ở Hoa Kỳ. Những người Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ hiện nay cũng có những người là nạn nhân của hoá chất da cam’.

Kể từ năm 2007, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua 9 triệu đôla để giải quyết hậu quả của hoá chất da cam, và một số giới chức Việt Nam từng bày tỏ ý kiến cho rằng tốc độ giải ngân như vậy là ‘chậm’.

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) ước tính riêng chi phí cho việc dọn sạch ô nhiễm chất dioxin tại một trong các ‘điểm nóng’ là sân bay Đà Nẵng phải mất tới khoảng 34 triệu đôla.

Trả lời riêng VOA Việt Ngữ bên lề cuộc điều trần, ông Palmer nói rằng Hoa Kỳ đang nghiên cứu kỹ càng chương trình dọn sạch ô nhiễm hóa chất da cam ở tỉnh miền Trung này.

Nhà ngoại giao này cho hay: ‘Về dự án ở sân bay Đà Nẵng, cần phải có các nghiên cứu khả thi để bảo đảm rằng cách tiếp cận của chúng tôi là đúng đắn. Chúng tôi hành động nhanh nhất có thể. Điều quan trọng là chúng tôi làm việc chậm mà chắc. Chúng tôi hiểu về quy mô của dự án này, và chúng tôi quyết tâm thực hiện nó một cách thành công’.

Việt Nam từng tuyên bố có khoảng bốn triệu người dân nước này bị phơi nhiễm hóa chất da cam, và trong đó ba triệu người đã nhiễm bệnh.

Trong khi đó, Hoa Kỳ luôn nhấn mạnh rằng không có bằng chứng khoa học để gắn hoá chất da cam với các bệnh tình mà Việt Nam công bố.

Liên quan tới bất đồng này, bà Phượng nói bà nghĩ ‘việc này sẽ sớm được giải quyết’.

Bà nói: ‘Chính phủ Hoa Kỳ đã công nhận 14 bệnh để bồi thường cho cựu chiến binh Hoa Kỳ. Họ cũng công nhận nhiều loại dị tật bẩm sinh mà nữ cựu chiến binh đi Việt Nam về mà có con bị khuyết tật như vậy thì cũng được bồi thường. Thế nên, chúng tôi nghĩ rằng không quá khó để vượt qua chuyện này’.

Khi được hỏi về ý kiến cho rằng mối bang giao Hà Nội – Washington sẽ không thể phát triển toàn diện và đầy đủ nếu chưa giải quyết xong các hậu quả mà hóa chất da cam để lại, ông Palmer nói rằng ‘Hoa Kỳ đang có một mối quan hệ rộng rãi với chính phủ Việt Nam’.

Quyền Phó Trợ lý Ngoại trưởng cho hay: ‘Vấn đề hoá chất cam chỉ là một trong các chủ đề nằm trong nghị trình thảo luận. Mối quan hệ giữa hai nước phát triển rất nhanh chóng trong vòng 15 năm qua. Tôi trông đợi mối bang giao này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai’.

Trong buổi điều trần lần thứ ba này, lần đầu tiên một nạn nhân hóa chất da cam ra điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ.

Trả lời câu hỏi của cử tọa bằng tiếng Anh, em Trần Thị Hoàn kêu gọi các nhà sản xuất hóa chất cam cũng như chính phủ Hoa Kỳ ‘giải quyết thảm họa nhân đạo này bằng hành động đúng đắn’.

Trước khi kết thúc, Dân biểu Eni Faleomavaega, Chủ tịch Tiểu ban về châu Á, Thái Bình Dương và Môi trường Toàn cầu thuộc Ủy ban Đối Ngoại Hạ viện, bày tỏ mong muốn đưa các công ty từng sản xuất hóa chất da cam sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam ra điều trần tại tại Quốc hội Hoa Kỳ.

Theo nhận định của giới quan sát, vấn đề hóa chất da cam có thể sẽ là một trong các chủ đề thảo luận của Ngoại trưởng Hillary Clinton trong chuyến công du Việt Nam sắp tới.

Đến đây cũng đã kết thúc chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’, phát sóng vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy hàng tuần. Nếu quý vị muốn chia sẻ với các quý độc giả khác các tin tức hữu ích từ nơi mình sinh sống, xin gửi email về cho chúng tôi tại địa chỉ: vietnamese@voanews.com. Xin ghi trên tiêu đề là gửi chuyên mục 'Câu chuyện Việt Nam'. Xin quý vị gửi kèm các thông tin liên hệ cụ thể. Nguyễn Trung sẽ liên lạc với quý vị. Xin chân thành cám ơn và hẹn gặp lại trong chương trình tuần sau.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG