Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam, là người đã lên tiếng phê phán tình hình nhân quyền ở Việt Nam tại nhiều diễn đàn quốc tế trong nhiều năm qua, nổi bật là tại hội nghị Kiểm điểm Định kỳ Phổ cập (UPR) của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc về tình hình thực hiện quyền con người ở Việt Nam được tổ chức lần đầu tại Geneve năm 2009.
Ông cho biết cảm tưởng như sau về việc chính phủ Việt Nam cho xuất bản Tạp chí Nhân quyền.
Ông Ái cho biết: "Hiện nay vấn đề thông tin rất quan trọng. Càng có sự hiện diện của một tờ báo thì càng hay. Đặc biệt là nếu tờ báo đó lại đề cao vấn đề nhân quyền. Hiển nhiên tôi rất tán dương Nhà nước Việt Nam có một cử chỉ mới là ra một tạp chí về nhân quyền."
Mặc dù vậy, nhân vật tranh đấu bị nhà chức trách Hà Nội nhiều lần lên án là “phá hoại công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam” này cũng tỏ ý lo ngại là chính phủ Việt Nam vẫn chưa có quyết tâm thay đổi chính sách về nhân quyền.
Ông nói như sau: "Trên 700 tờ báo của nhà nước Việt Nam cũng như các cơ quan truyền thông đại chúng trong 35 năm qua đã làm cái công tác đó rồi. Sự hiện diện của Tạp chí Nhân quyền nó không thêm cái gì hết! Đặc biệt, bản tin của Văn phòng Thủ tướng nói rằng Tạp chí Nhân quyền là tiếng nói tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương của Đảng, thì đương nhiên là “bình mới rượu cũ”. Bởi vì nhân quyền không phải là vấn đề tuyên truyền mà là vấn đề bảo vệ con người tại Việt Nam. Đó là điều làm chúng tôi lo ngại."
Giáo sư Võ Văn Ái, đang cư ngụ ở Pháp, kêu gọi chính phủ Việt Nam xem xét lại và đảo ngược quyết định bác bỏ 43 khuyến nghị về nhân quyền mà các nước trên thế giới – trong đó có Hoa Kỳ và nhiều nước Âu châu, đã nêu lên tại cuộc họp ở Geneve năm ngoái. Ông cũng đề cập tới sự kiện là Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp ước quốc tế liên quan tới việc bảo vệ quyền con người, trong đó có Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo Việt Nam chứng tỏ cam kết của mình về việc thực thi và bảo vệ các quyền con người bằng cách tuân hành những văn kiện đã ký kết với cộng đồng quốc tế.
Ông Ái nói: "Giờ đây nếu Nhà nước Việt Nam muốn thay đổi chính sách nhân quyền thì chỉ cần áp dụng Công ước đó. Tôi nghĩ rằng [nếu được vậy] chẳng những nhân dân trong nước mà tất cả đồng bào hải ngoại cũng như quốc tế sẽ vỗ tay hoan nghênh Nhà nước Việt Nam."
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế – đang bị giam lỏng ở Sài Gòn, là người đã xướng xuất một phong trào tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam, có tên là Cao trào Nhân bản. Ông đã bị giới hữu trách Hà Nội tuyên án 20 năm tù sau khi công bố bản cương lĩnh của phong trào tranh đấu bất bạo động vào ngày 11 tháng 5 năm 1990. Đến năm 1994, Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là ông Bill Clinton đã ký kết một đạo luật để chính thức ấn định ngày 11 tháng 5 là Ngày nhân quyền cho Việt Nam. Bác sĩ Quế đã có nhận xét như sau về việc chính phủ Việt Nam cho xuất bản Tạp chí Nhân quyền.
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế nói: "Cái cốt lõi của chủ nghĩa Cộng Sản của họ là không thật tâm tôn trọng nhân quyền. Về chiến thuật, để được hưởng những viện trợ về kinh tế, đầu tư, buôn bán … họ biết rằng không có cách nào tránh được chuyện không làm một số những nhượng bộ về tôn trọng nhân quyền. Đây là họ đang muốn dọ dẫm để xem có thể nhượng bộ, làm vừa lòng những đòi hỏi về nhân quyền trong nước, ngoài nước cũng như của thế giới, nhất là của Hoa Kỳ và Tây phương, đến mức độ nào mà vẫn duy trì được cái độc tài toàn trị."
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế cũng nhắc lại những nhận xét của các tổ chức nhân quyền quốc tế và các nhà quan sát tình hình Việt Nam là những hành vi chà đạp quyền con người đã gia tăng tại Việt Nam trong vài năm gần đây, trong đó có việc tuyên án tù cho gần 20 người bày tỏ quan điểm chính trị khác với nhà cầm quyền. Ông giải thích thêm như sau về ra đời của Tạp chí Nhân quyền Việt Nam – một hành động của chính quyền ở Hà Nội mà ông gọi là để thích ứng với tình hình mới:
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế nói thêm: "Từ khi chính quyền Obama lên thì có một sự thay đổi khá lớn trên toàn cầu theo chủ nghĩa đa phương, tức là tiếp xúc với tất cả các nước để giải quyết các vấn đề lớn của thế giới. Riêng về vấn đề nhân quyền, Tổng thống Obama, trong thế chiến lược về an ninh có nói rõ là bây giờ chính quyền Mỹ sẽ đề cập đến vấn đề này bằng hai ngả: một mặt thì hợp tác với các chính quyền, và mặt khác thì tiếp tục ủng hộ những cá nhân hay những phong trào đứng lên tranh đấu cho nhân quyền. Nhưng tất cả hai cách đều làm một cách kín đáo hơn, khác với chính quyền Bush lúc trước là có tính cách công khai, lên án, kết tội … Hiện chưa biết kết quả ra sao vì đây mới chỉ là bước đầu. Nhưng gần đây tôi thấy có một cái tin cũng đáng quan tâm. Đó là chính quyền Tây Ban Nha đã tiếp xúc với chính phủ Cuba theo một cách kín đáo và họ đã đạt được chuyện phóng thích một số tù nhân chính trị. Đây là một sự thay đổi mà Hà Nội thấy rằng có thể ra một tờ báo để bênh vực mà họ không sợ bị chỉ trích một cách quá mạnh bạo như trước. Họ hy vọng với cách tiếp cận kín đáo hơn họ cảm thấy thoải mái hơn khi lên tiếng qua một tạp chí công khai như vậy."
Theo ghi nhận của hãng thông tấn AP trong bản tin đánh đi từ Hà Nội hôm thứ tư vừa qua, Hoa Kỳ, Liên hiệp Âu châu và các tổ chức nhân quyền quốc tế thường xuyên chỉ trích Việt Nam về việc cầm tù những người bất đồng chính kiến bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa. Tháng trước, công ty Google cũng chỉ trích chính phủ Việt Nam về việc ban hành những luật lệ mới để đòi hỏi những địa điểm internet công cộng phải cài đặt những phần mềm có thể ngăn chận việc truy cập một số website và theo dõi hoạt động của những người sử dụng.
Chính phủ Việt Nam nhiều lần nói rằng ở Việt Nam không có tù nhân chính trị mà chỉ có những người bị trừng trị vì vi phạm pháp luật. Họ cũng nói rằng việc hạn chế hoạt động internet có mục đích bảo vệ an ninh quốc gia và bài trừ tệ đoan xã hội.
Hôm thứ Tư vừa qua, trong lúc tiếp tục đối mặt với những đòi hỏi cải thiện nhân quyền từ nhiều phía, giới hữu trách Hà Nội đã cho xuất bản tạp chí đầu tiên về nhân quyền. Phát biểu tại buổi lễ ra mắt tạp chí Nhân quyền Việt Nam tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nói rằng một trong những mục tiêu của tạp chí này là phê phán những nhận thức lệch lạc và đấu tranh với những luận điệu sai trái, thù địch. Ban Việt Ngữ chúng tôi đã tiếp xúc với một số nhân vật tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam, thường được nhà chức trách Hà Nội liệt vào hàng ngũ những người thuộc “các thế lực thù địch”, để tìm hiểu ý kiến của họ về diễn tiến đáng chú ý này. Mời quí thính giả theo dõi thêm chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu với Duy Ái sau đây.