Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác quan trọng của Hoa Kỳ sau khi đôi bên bình thường hóa quan hệ ngoại giao cách nay 15 năm trong một quyết định gây chia rẽ ở nước Mỹ.
Tường thuật hôm thứ Hai của hãng thông tấn Pháp cho biết Hoa Kỳ và Việt Nam đang tăng cường hợp tác về nhiều vấn đề khác nhau, mặc dù cuộc Chiến tranh Việt Nam và thành tích nhân quyền của Việt Nam tiếp tục là những đề tài gây tranh cãi.
Bài tường thuật trích lời ông Kurt Campell, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Thái bình dương, nói rằng “khi tôi nhìn vào tất cả những bạn bè ở Đông Nam Á, tôi nghĩ rằng Việt Nam là nước mà chúng ta có triển vọng to lớn nhất trong tương lai.”
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton sẽ đến Việt Nam trong tuần này để tham dự một hội nghị khu vực và thảo luận về việc xây dựng các mối quan hệ với Việt Nam.
Các giới chức Hoa Kỳ tin rằng đôi bên có thể tăng cường các mối quan hệ trong lãnh vực quốc phòng, kể cả những hoạt động giao lưu giữa quân đội hai nước.
Hà Nội đã đánh bại Việt Nam Cộng hòa do Hoa Kỳ hậu thuẫn vào năm 1975. Nhưng Việt Nam cũng có những mối căng thẳng lâu đời và những vụ tranh chấp lãnh thổ với nước láng giềng Trung Quốc, và đây là một yếu tố mà các chuyên gia Hoa Kỳ cho là động lực làm cho Việt Nam có thái độ thân thiện với Washington.
Khi cựu Tổng thống Bill Clinton cổ xúy cho việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, ông đã gặp phải sự chống đối kịch liệt của một số các nhà lập pháp, phần lớn là những người thuộc Đảng Cộng hòa. Những người này cho rằng Hà Nội chưa hợp tác đầy đủ trong việc kiểm kê binh sĩ Mỹ mất tích trong thời chiến.
Ông Clinton mới đây đã ca ngợi sự trợ giúp tận tình của Việt Nam trong việc tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ và nói rằng giờ đây hầu như ông không còn nghe thấy ai chỉ trích việc bình thường hóa quan hệ vào năm 1995 nữa.
Phát biểu tại một buổi lễ ở Washington đánh dấu kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, vị cựu Tổng thống thuộc đảng Dân chủ này nói rằng “Đôi lúc tôi nghĩ rằng vấn đề duy nhất mà tất cả những người Dân chủ và Cộng hòa đồng ý với nhau là giao hảo với Việt Nam là một việc tốt.”
Trong khi đó, thượng nghị sĩ John McCain, người đã ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ mặc dù đã làm tù binh chiến tranh ở Việt Nam trong 5 năm, nói rằng trước đây ông không thể tưởng tượng được là Việt Nam sẽ trở thành “một trong những đối tác quan trọng nhất và có nhiều hứa hẹn nhất của nước Mỹ trong khu vực Á châu Thái bình dương”.
Tuy nhiên, ông McCain nói thêm rằng ông hy vọng là một ngày nào đó Việt Nam cũng cho phép người dân bày tỏ ý kiến bất đồng một cách ôn hòa và trở thành một nước “được cai trị với sự đồng ý của người bị cai trị.” Ông McCain nói hy vọng lớn nhất của ông cho mối quan hệ Việt-Mỹ là “quan hệ đối tác dựa trên quyền lợi chung hiện nay rốt cuộc sẽ trở thành quan hệ đối tác dựa trên giá trị chung”.
Tuần trước, 19 dân biểu Hoa Kỳ đã viết thư thúc giục ngoại trưởng Clinton dựa vào sự mong muốn tăng cường quan hệ của Việt Nam để gây sức ép đòi Hà Nội cải thiện nhân quyền.
Người Mỹ gốc Việt, trong đó có nhiều người ủng hộ Việt Nam Cộng hòa, là những người lên tiếng mạnh mẽ nhất để hối thúc Hoa Kỳ có lập trường cứng rắn về vấn đề nhân quyền.
Ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn viên của Đảng Việt Tân bị chính quyền Hà Nội cấm hoạt động, nói rằng tuy đã từ bỏ đường lối kinh tế chỉ huy tập trung nhưng đảng Cộng Sản Việt Nam “vẫn khăng khăng nắm giữ độc quyền chính trị.” Ông Duy nói rằng “sẽ là một điều có ích nếu chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam chú tâm tới lợi ích lâu dài của cả hai nước – [là có được] một nước Việt Nam tự do và hiện đại”.
Nguồn: AFP, Businesswire
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1