Đường dẫn truy cập

Dân VN vẫn bị phơi nhiễm hóa chất độc hại nhiều thập niên sau chiến tranh


Hoa Kỳ đã chấm dứt việc can dự vào cuộc chiến tranh Việt Nam cách đây 35 năm và thiết lập quan hệ ngoại giao với Hà Nội cách đây 15 năm. Thế nhưng các hậu quả kéo dài của cuộc chiến vẫn còn, đặc biệt là các hóa chất mang tính độc hại cao mà quân đội Hoa Kỳ đã sử dụng để khai quang nhằm tiêu diệt quân thù. Thông tín viên đài VOA, Jim Stevenson, tường thuật chuyến thăm Việt Nam mới đây của các thành viên trong Nhóm Đối thoại Việt-Mỹ về hóa chất Da cam và Dioxin.

Hóa chất Da cam là tên của một trong những hóa chất mà quân đội Hoa Kỳ sử dụng trong cuộc chiến Việt Nam. Hóa chất này được gọi là Da cam vì nó được chứa trong các thùng vận chuyển có những lằn sọc lớn màu cam. Theo ước tính, khoảng 45 triệu lít hóa chất Da cam đã được rải xuống nhiều phần lãnh thổ của Việt Nam, Lào, và Campuchea.

Một phái đoàn liên tôn của Hoa Kỳ vừa từ Việt Nam trở về. Giáo sĩ Steve Gutow là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Hội đồng Do Thái đảm trách các Sự vụ Công cộng. Ông ngạc nhiên trước các hậu quả dai dẳng của chất Da cam.

Giáo sĩ Gutow cho biết: “Sự tàn phá của chất Da cam và dioxin rất khó nhìn và cảm nhận. Và, để biết rằng chúng ta, về phương diện nào đó, đã góp phần gây nên thực trạng này, quả thật là một điều khó quên. Là một người cho rằng Hoa Kỳ là một quốc gia vĩ đại như vị trí chúng ta đã đạt được trên thế giới, điều này thật sự làm tôi rất đau buồn.”

Quốc hội Hoa Kỳ đã dành 3 triệu đô la cho năm tài khóa 2007 và tiếp tục chi trong năm tài khóa 2009 - 2010 cho các công tác liên quan đến chất Da cam và dioxin tại Việt Nam. Việt Nam cũng được sự hỗ trợ tài chính từ Tổ chức Ford cùng các tổ chức khác của Hoa Kỳ, các cơ quan của Liên hiệp quốc và các chính phủ. Số tiền huy động được tính tới nay là khoảng 30 triệu đô la.

Tuy nhiên, Mục sư Caroll Baltimore Sr., chủ tịch Hội Báp-tít Quốc gia, cho rằng cần có nhiều nỗ lực thêm nữa.

Mục sư Baltimore Sr. nói: “Thiệt hại có tính cách dài hạn, và hiện tại có quá nhiều điểm nóng, như ở Đà Nẵng chẳng hạn, nơi đây, đất đai vẫn còn khô trọc, cây cỏ chẳng mọc được.”

Nữ tu Thiên chúa giáo Roma Maureen Fielder cũng nhận thấy thực trạng tồi tệ ngoài sức tưởng tượng sau hơn 3 thập niên chiến tranh.

Bà Fielder cho biết: “Đà Nẵng là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất, căn cứ không quân tại đây là nơi Hoa Kỳ đã lưu trữ và làm rò rỉ quá nhiều hóa chất độc hại này. Và điều làm tôi kinh ngạc là sau 35 năm cuộc chiến kết thúc, chúng ta vẫn còn ngửi thấy mùi hóa chất này, mùi rất nặng và độc hại.”

Chính phủ Việt Nam và một công ty chuyên môn, hoạt động độc lập, có tên là Hatfield Consulting of North Vancouver, tại Canada đã tiến hành một loạt các cuộc đánh giá độc lập về dư chất dioxin trong môi trường xung quanh sân bay Đà Nẵng, trong máu huyết, và trong sữa mẹ của các cư dân địa phương hiện nay. Kết quả giúp người ta hiểu rõ hơn về vấn nạn chất Da cam tại Đà Nẵng, nơi người ta đang thử nghiệm khả năng của các phương pháp điều trị sinh học. Giáo sĩ Guttow không cần một cuộc nghiên cứu để nhận ra tầm quan trọng của vấn đề:

Giáo sĩ Guttow nói: “Không nơi nào bị thiệt hại khắc nghiệt hơn phi trường Đà Nẵng. Chúng tôi phải mua những đôi giày chuyên dụng. Chúng tôi nói đùa rằng anh phải quẳng những đôi giày này lại nơi anh mua chúng, vì khi anh tới đó, anh biết những gì người Mỹ chúng tôi đã bỏ lại nơi này, dưới lớp đất đá bê tông này vẫn còn khả năng gây hại và giết người. Và nước Mỹ chúng tôi vẫn chưa tăng cường công tác quyên góp và giải quyết vấn đề.”

Kết quả các cuộc nghiên cứu tiếp theo thực hiện trong năm 2009 cho thấy các biện pháp tạm thời giảm nhẹ tác hại đề ra hồi năm 2007 đã thành công trong việc giảm bớt sự phơi nhiễm của cư dân địa phương đối với chất dioxin. Thế nhưng, đối với các thành viên trong phái đoàn đa tôn giáo Hoa Kỳ, thiệt hại vẫn còn rõ rệt, khi họ nhìn thấy trẻ em Việt Nam phải đương đầu với những khó khăn về mặt thể chất và các dị tật bẩm sinh.

Bà Fielder nói: “Đây là một trong những tác hại ngấm ngầm của chất Da cam và dioxin. Nó được di truyền qua gene và sự sinh sản. Và chúng tôi không biết bao nhiêu thế hệ có thể bị ảnh hưởng.”

Nữ tu Maureen Fielder cho rằng các hậu quả mà các hóa chất Da cam và dioxin còn để lại là rõ ràng, cho dù chưa có chứng minh về mối liên hệ trực tiếp giữa chúng với các vấn đề sức khỏe.

Bà Fielder nói tiếp: “Chưa một trường hợp cá nhân nào được chứng minh rõ ràng có liên hệ giữa chất Da cam với một tình trạng khuyết tật cụ thể. Tuy nhiên, sự liên hệ thấy rõ ràng qua sự tương quan, bởi vì tại các khu vực bị rải chất Da cam và dioxin, có quá nhiều những trẻ em bị khuyết tật.”

Ý tưởng về cuộc đối thoại giữa công dân Mỹ-Việt về vấn đề chất Da cam đã được Quỹ Ford thăm dò lần đầu tiên hồi năm 2006. Cuộc đối thoại không phải do một cơ quan thực thi hay một tổ chức gây quy đãõ được chính thức hình thành vào tháng 2 năm 2007 như một sáng kiến tạo điều kiện cho các công dân nổi bật, các nhà khoa học, và các nhà hoạch định chính sách của cả hai nước Việt-Mỹ cùng làm việc về các vấn đề mà cả hai chính phủ đã tìm ra.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG