Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần bắt đầu ngay việc thực hiện các biện pháp an toàn đối với nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng trong vòng 10 năm tới.
Cựu giám đốc ủy ban an toàn hạt nhân của Nhật Bản, Atsuyuki Suzuki, nói với hãng thông tấn Pháp rằng việc đảm bảo an toàn còn quan trọng hơn cả khả năng công nghệ.
Cũng theo ông Suzuki, cần phải có cơ chế xã hội, ví dụ như giới truyền thông đại chúng, để theo dõi xem liệu các công ty hạt nhân có thực hiện đúng các biện pháp an toàn hay không.
Ông Nikolay Kutin, chủ tịch cơ quan giám sát nguyên tử Nga cho rằng công chúng cũng nên tham gia vào việc đánh giá các tài liệu qui định về an toàn hạt nhân và theo ông điều này đã được thực hiện ở nhiều nước.
Còn theo ông Mun-Ki Lee, giám đốc một tổ chức khu vực thuộc Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế thì Việt Nam đã đạt “tiến bộ đáng kể” trong công nghệ và khoa học hạt nhân, tuy nhiên Việt Nam cần phải thiết lập hệ thống an toàn và đảm bảo có được các công nhân có đủ trình độ vận hành các thiết bị hạt nhân.
Ông Lee nói rằng khi khởi động chương trình điện hạt nhân thì không thể đi từng bước mà phải tiến hành đồng bộ, cả chương trình hạt nhân lẫn các biện pháp an toàn.
Trong khi đó, Việt Nam gần đây cũng ban hành qui định cấm việc sử dụng, tàng trữ hay mua bán các loại nguyên liệu và thiêt bị hạt nhân hay đưa thông tin sai lệch về vấn đề này.
Theo bản tin của Tân Hoa Xã đây là một phần trong nội dung của các qui định trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân sẽ có hiệu lực từ ngày 15 tháng 8.
Cũng theo qui định này, các cơ quan, cá nhân vận hành các lò phản ứng hạt nhân cho mục đích nghiên cứu, các nhà máy hạt nhân, máy tinh chế uranium sử dụng nguyên liệu hạt nhân phải đệ trình các báo cáo định kỳ cho Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân.
Các cơ quan, cá nhân sử dụng, tàng trữ hay xuất nhập khẩu nguyên liệu hay thiết bị hạt nhân cũng phải báo cáo cho Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân.
Nguồn: AFP, Xinhua
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1