Trung Quốc lo ngại sẽ phải đối mặt với làn sóng chỉ trích mới về những hành động của nước này trên biển Đông khi Singapore trở thành chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm tới.
Reuters dẫn nguồn tin thân cận với vấn đề này nói Trung Quốc đang gây áp lực với Singapore để đảm bảo điều này sẽ không xảy ra.
Nguồn tin của Reuters cho biết trong những tháng gần đây, các đại diện của Trung Quốc nói với những người đồng cấp phía Singapore trong các cuộc họp kín rằng họ không muốn có rắc rối cho Bắc Kinh khi Singapore nắm ghế chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2018.
“Singapore không ở trong vị thế để nói với các nước khác phải làm gì về chủ quyền của họ, nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể trông đợi Singapore sẽ áp dụng một lối tiếp cận mạnh mẽ để đối phó với Trung Quốc trong cương vị chủ tịch luân phiên ASEAN.”Eugene Tan, Đại học Quản trị Singapore
Các nhà ngoại giao nói họ tin rằng Bắc Kinh đã dùng ảnh hưởng của mình đối với các quốc gia nắm chức chủ tịch ASEAN trong quá khứ để xoa dịu lập trường của khối 10 nước Đông Nam Á về vấn đề biển Đông, một trong những vụ tranh chấp gây bất ổn nhất ở châu Á.
Chủ tịch hiện tại của ASEAN là Philippines, nơi cuộc họp quy tụ các nhà ngoại giao của nhóm được tổ chức cuối tuần qua. ASEAN không thể đưa ra tuyên bố chung vào ngày 5/8 vì các nhà ngoại giao không thể đồng thuận về liệu có nên nhắc tới việc Trung Quốc nhanh chóng nâng cao khả năng quân sự trên các đảo nhân tạo mà họ xây trên vùng biển có tranh chấp hay không. Tuyên bố này cuối cùng được đưa ra hôm 6/8.
Một nhà ngoại giao châu Á ở Bắc Kinh cho Reuters biết có những lo ngại rằng Singapore có thể sử dụng chức chủ tịch luân phiên ASEAN để tìm cách “quốc tế hóa” vấn đề biển Đông, trong khi Trung Quốc chỉ muốn giới hạn nó giữa các nước có liên quan trực tiếp.
“Trung Quốc nghĩ rằng Singapore, một quốc gia có phần đông người gốc Hoa, sẽ lắng nghe Bắc Kinh nhiều hơn,” một nguồn tin không cho biết danh tính nói với Reuters.
“Bắc Kinh đã nói rõ với Singapore về những gì họ mong muốn trong vấn đề biển Đông,” một nhà ngoại giao châu Á khác ở Hong Kong cho biết.
Bộ Ngoại giao Singapore từ chối bình luận về vấn đề này.
“Các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Singapore đã có những thăng trầm. Nhưng các cuộc tiếp xúc thân mật giữa lãnh đạo 2 nước gần đây đã nuôi dưỡng được lòng tin chung – là điều cần thiết cho các mối quan hệ song phương lành mạnh”.Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc
Trong một tuyên bố gửi cho Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói nước này ủng hộ Singapore đảm nhiệm chức chủ tịch ASEAN, và “tin rằng Singapore sẽ lèo lái ASEAN cùng làm việc với Trung Quốc để tăng cường và nâng cao sự hợp tác trên thực tế và thậm chí, xây dựng một cộng đồng ASEAN-Trung Quốc gắn bó hơn cho một mục đích chung.”
Singapore không tuyên bố chủ quyền trên biển Đông nhưng có cảng biển lớn nhất ở Đông Nam Á. Singapore nêu rõ rằng nền kinh tế mở của nước này phụ thuộc vào sự lưu thông tự do của hàng hóa trong khu vực.
Nói chuyện với Ngoại Trưởng Singapore Vivian Balakrishnan trong một cuộc gặp tại Manila hôm 6/8, Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc nói rằng mối quan hệ 2 nước gần đây đã tốt trở lại.
“Các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Singapore đã có những thăng trầm. Nhưng các cuộc tiếp xúc thân mật giữa lãnh đạo 2 nước gần đây đã nuôi dưỡng được lòng tin chung – là điều cần thiết cho các mối quan hệ song phương lành mạnh”.
Truyền thông Singapore dẫn lời Ngoại trưởng Balakrishnan cho biết đã có một cuộc gặp tích cực với ngoại trưởng Trung Quốc.
Trung Quốc lo ngại Singapore có một mối quan hệ quốc phòng lâu đời với Mỹ và các đồng minh, mặc dù Singapore cho biết họ cũng có mối quan hệ hữu hảo tương tự với Bắc Kinh. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Singapore và Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc.
Hoa Kỳ và Singapore loan báo quan hệ quốc phòng tăng cường vào cuối năm 2015, bao gồm việc triển khai máy bay do thám tầm xa P-8 từ Singapore – loại máy bay thường xuyên theo dõi hoạt động của các tàu ngầm Trung Quốc.
Singapore cũng có quan hệ với Đài Loan mà Bắc Kinh coi là một tỉnh ly khai thuộc Trung Quốc.
Căng thẳng giữa Singapore và Trung Quốc bùng ra vào tháng 11 năm ngoái khi các giới chức cảng Hong Kong giữ lại 9 quân xa có trang bị vũ khí của Singapore đang được vận chuyển về nước từ khu diễn tập ở Đài Loan.
Hong Kong đã trả lại những quân xa này hồi đầu năm nay giữa lúc các cuộc tranh luận mở hiếm thấy ở cả Singapore và Trung quốc về mối quan hệ đang xấu đi.
Hoàn Cầu Thời Báo của Nhà nước Trung Quốc, nói hồi tháng 6 rằng mối quan hệ từng có thời “đặc biệt” giữa 2 quốc gia đang xấu đi trong bối cảnh hai bên mất tin cậy với nhau về vấn đề biển Đông.
Eugene Tan, một giáo sư luật của Đại học Quản Trị Singapore, nói có thể có những khác biệt quan điểm giữa hai nước khi Singapore trở thành chủ tịch luân phiên ASEAN, và khi điều đó xảy ra, “Trung Quốc khó có thể ép buộc Singapore làm theo ý mình về quan hệ Trung Quốc-ASEAN,” theo giáo sư Tan, người từng là một nhà ngoại giao Singapore.
“Singapore không ở trong vị thế để nói với các nước khác phải làm gì về chủ quyền của họ, nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể trông đợi Singapore sẽ áp dụng một lối tiếp cận mạnh mẽ để đối phó với Trung Quốc trong cương vị chủ tịch luân phiên ASEAN.”
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế ở biển Đông bất chấp Trung Quốc gạt bỏ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế ở La Haye, phán rằng các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông là không có cơ sở.
Trương Bạc Hối, một chuyên gia về an ninh của Hoa Lục ở Hong Kong, nói Trung Quốc nghi ngờ sự thành thực của Singapore khi tuyên bố nước này không muốn phải chọn lựa giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Chuyên gia này nói: “Có quan điểm ở Bắc Kinh cho rằng Singapore là kẻ chủ mưu đằng sau các chính sách nhằm kiềm hãm Trung Quốc, không chỉ trong nội bộ ASEAN, mà còn muốn Trung Quốc bị bao vây bởi một vòng đai gồm các đối tác thân Mỹ, trong đó có Nhật Bản, Ấn Độ và nước Úc”.