Đường dẫn truy cập

Trung Quốc muốn bộ quy tắc Biển Đông không ràng buộc pháp lý


Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano phát biểu trong lễ bế mạc Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 50 tại Manila, Philippines, ngày 8 tháng 8, 2017.
Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano phát biểu trong lễ bế mạc Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 50 tại Manila, Philippines, ngày 8 tháng 8, 2017.

Trung Quốc thúc đẩy một bộ quy tắc ứng xử hàng hải với các nước Đông Nam Á mà không có tính ràng buộc pháp lý, Ngoại trưởng Philippines cho biết hôm thứ Ba.

Ông Alan Peter Cayetano cho biết một số quốc gia muốn bộ quy tắc ứng xử Biển Đông có tính ràng buộc pháp lý, trong khi Trung Quốc chỉ muốn có tính "ràng buộc" chứ không phải là ràng buộc pháp lý. Ông nói rằng tất cả các bên nhận thấy rằng tốt hơn là bỏ tất cả mọi đề cập đến điều này khỏi khung thỏa thuận và tiến về phía trước.

Hiệp hội Các Nước Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc ca ngợi việc thông qua một khung đàm phán hôm Chủ nhật cho bộ quy tắc ứng xử là sự tiến bộ hướng tới việc ngăn ngừa tranh chấp.

Ông Cayetano dẫn ra khung đàm phán này như một ví dụ cho thấy các nước trước nay vốn bất đồng nhưng giờ đang hợp tác như thế nào, nhưng phát biểu của ông cho thấy Trung Quốc ngay từ đầu đã có chủ định tạo ra một bộ quy tắc ứng xử không có tính ràng buộc pháp lý.

Những người chỉ trích nói rằng mục tiêu cuối cùng của Bắc Kinh là đàm phán một thỏa thuận không có tính cưỡng hành, hay là trì hoãn và câu giờ để mở rộng khả năng phòng thủ trên các đảo nhân tạo.

ASEAN lâu nay vẫn muốn ký với Trung Quốc với một bộ quy tắc để ngăn ngừa các tranh chấp về trữ lượng năng lượng, đánh bắt hải sản và bồi đắp cải tạo đất, và tránh xung đột quân sự ở Biển Đông, nơi Đài Loan, Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines và Trung Quốc đều có tuyên bố chủ quyền.

ASEAN và Trung Quốc nói rằng khung thỏa thuận này chỉ là một hướng dẫn cho cách thức mà bộ quy tắc sẽ được thiết lập, nhưng những người chỉ trích nói rằng việc không vạch ra được sự cần thiết phải làm cho nó có tính ràng buộc pháp lý và có tính cưỡng hành như một mục tiêu ban đầu gây nên nghi ngờ thỏa thuận này có thể hữu hiệu tới mức nào.

Nhật Bản, Mỹ và Úc đã hối thúc ASEAN và Trung Quốc bảo đảm rằng bộ quy tắc này "có tính ràng buộc về mặt pháp lý, có ý nghĩa, hữu hiệu và phù hợp với luật pháp quốc tế."

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm Chủ nhật nói rằng vẫn còn quá sớm để thảo luận về những cấu phần của bộ quy tắc, nhưng tất cả các bên phải tuân thủ bất cứ điều gì đã đồng thuận.

XS
SM
MD
LG