Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Tòa Bạch Ốc hôm 1/5 rằng cam kết của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ đồng minh là “sắt đá” kể cả ở Biển Đông nơi Manila đang chịu áp lực từ Trung Quốc.
Ông Marcos, trong chuyến thăm Tòa Bạch Ốc đầu tiên của một nhà lãnh đạo Philippines sau 10 năm, nhấn mạnh tầm quan trọng của Hoa Kỳ với tư cách là đồng minh hiệp ước duy nhất của Philippines trong một khu vực có “tình hình địa chính trị được cho là phức tạp nhất trên thế giới hiện nay.”
Các quan chức Hoa Kỳ cho biết lãnh đạo Mỹ-Philippines sẽ nhất trí các hướng dẫn mới về hợp tác quân sự mạnh mẽ hơn, cũng như đẩy mạnh hợp tác kinh tế, nhấn mạnh sự thay đổi đáng kể trong quan hệ Hoa Kỳ-Philippines trong năm qua.
“Hoa Kỳ vẫn kiên định với cam kết bảo vệ Philippines, bao gồm cả Biển Đông,” ông Biden nói với ông Marcos tại Phòng Bầu dục, tái khẳng định Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 kêu gọi Hoa Kỳ hành động trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang vào quân đội Philippines.
Quan chức Mỹ cho biết các hướng dẫn mới tập trung vào sự phối hợp quân sự trên bộ, trên biển, trên không, vũ trụ và không gian mạng, trong khi chính quyền Mỹ cũng sẽ chuyển giao ba máy bay C-130 và tìm cách gửi thêm tàu tuần tra tới Philippines.
“Việc Philippines tìm đến đối tác hiệp ước duy nhất trên thế giới để củng cố và xác định lại mối quan hệ mà chúng ta có và vai trò của chúng ta trước những căng thẳng gia tăng mà chúng ta thấy xung quanh Biển Đông, Khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, là điều tự nhiên,” ông Marcos nói.
Dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, người tiền nhiệm của ông Marcos, các mối quan hệ với Hoa Kỳ trở nên xấu đi vì ông đưa Philippines quay lưng lại với quốc gia cai trị thuộc địa cũ và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Philippines lần này là trọng tâm chuyến thăm Hoa Kỳ kéo dài bốn ngày của ông Marcos bắt đầu từ ngày 30/4.
Ông Biden đã đầu tư vào việc ve vãn ông Marcos, người vẫn đang phải đối mặt với phán quyết của tòa án Hoa Kỳ liên quan đến 2 tỷ đô la tài sản bị cướp đoạt dưới sự cai trị của cha mình.
Washington đã giúp thân phụ của ông Marcos lưu vong ở Hawaii trong cuộc nổi dậy “quyền lực nhân dân” năm 1986 và với tư cách là nguyên thủ quốc gia, con trai ông được miễn trừ khỏi sự truy tố của Hoa Kỳ.
Ông Biden lưu ý với ông Marcos rằng “đã lâu rồi bạn mới đến đây”, trước khi nói thêm rằng ông Marcos Jr. đã đi cùng cha mình đến Hoa Kỳ khi ông gặp cựu Tổng thống Ronald Reagan.
Ông Marcos trở thành tổng thống vào năm ngoái và đã tìm kiếm mối quan hệ nồng ấm với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, những nước đang tranh giành ảnh hưởng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Washington coi Philippines là chìa khóa cho bất kỳ nỗ lực nào nhằm chống lại cuộc xâm lược của Trung Quốc vào Đài Loan. Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của mình. Manila gần đây đã đồng ý cho phép Hoa Kỳ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao, nhưng hai bên chưa cho biết lực lượng nào của Hoa Kỳ sẽ đóng quân tại những căn cứ đó.
Các chuyên gia cho rằng Washington coi Philippines là một địa điểm tiềm năng để triển khai rốc-két, phi đạn và hệ thống pháo nhằm chống lại một cuộc tấn công đổ bộ của Trung Quốc vào Đài Loan.
Tuy nhiên, ông Marcos nói với các phóng viên rằng Trung Quốc đã đồng ý thảo luận về quyền đánh bắt cá ở Biển Đông và ông cũng sẽ không cho phép Philippines trở thành một “sân khấu” cho hành động quân sự.
Trước khi khởi hành đến Washington vào ngày 30/4, ông Marcos cho biết ông sẽ tái khẳng định cam kết của Manila “trong việc thúc đẩy liên minh lâu đời của chúng ta như một công cụ hòa bình và là chất xúc tác phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.”
Lập trường cứng rắn hơn
Khi nhiều người Philippines phẫn nộ trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm cả việc quấy rối các tàu và ngư dân Philippines ở các vùng biển mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền, sự ủng hộ của người dân về việc có lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh đã tăng lên.
Sự cảnh giác về Trung Quốc chỉ mới gia tăng trong thời gian gần đây.
Phát biểu hồi tháng trước của đại sứ Bắc Kinh tại Manila rằng Philippines chớ nên ủng hộ nền độc lập của Đài Loan “nếu quan tâm đến 150.000 công nhân nước ngoài” gốc Philippines sống ở đó bị xem là “lời đe dọa ngấm ngầm”, một quan chức Mỹ cho biết.
Ông Biden coi việc tăng cường quan hệ kinh tế và quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là nền tảng trong chính sách đối ngoại của mình.
Trước hội nghị thượng đỉnh, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã gửi một lá thư lưỡng đảng tới ông Biden kêu gọi ông nêu ra điều mà họ gọi là “cuộc khủng hoảng” nhân quyền ngày càng trầm trọng ở Philippines.
Trong một tuyên bố, họ nói rằng có những vi phạm được ghi nhận đầy đủ dưới thời ông Duterte nhưng các báo cáo gần đây cho thấy “sự miễn trừ đang diễn ra”. Họ trích dẫn các báo cáo từ Liên minh Nhân quyền Karapatan về 17 vụ giết người phi pháp, 165 vụ bắt giữ bất hợp pháp từ tháng 7 đến tháng 12 năm ngoái và tổng cộng 825 tù nhân chính trị.
Các căn cứ mới của Philippines mà Hoa Kỳ đã tiếp cận vào tháng trước bao gồm ba căn cứ đối diện với Đài Loan và một căn cứ gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc nói đây là “đổ thêm dầu vào lửa.”
Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden nói: “Một số bước mà Trung Quốc đã thực hiện đã khiến (Marcos) lo ngại, thậm chí có thể khiến ông ấy ngạc nhiên”. “Ông ấy có mong muốn mạnh mẽ được hợp tác chặt chẽ với cả hai nước nhưng thấy mình đang ở trong một tình huống mà các bước đi mà Trung Quốc đang thực hiện rất đáng lo ngại.”
Một quan chức Mỹ nói: “Chúng tôi đang kề vai sát cánh ở Biển Đông, nơi mà sự liên kết của chúng tôi chưa bao giờ mạnh mẽ hơn thế”.
Ông Biden cũng sẽ thực hiện các bước hợp tác kinh tế, bao gồm cử phái đoàn thương mại và đầu tư tới Manila, hỗ trợ triển khai công nghệ viễn thông 5G, phát động tài trợ công-tư cho các khoáng sản quan trọng và phát triển lưới điện “thông minh”, thảo luận song phương mới về các vấn đề lao động và hỗ trợ an ninh sân bay, an toàn hàng hải và ngành y tế của Philippines.
Chuyến thăm của ông Marcos là một phần trong chính sách ngoại giao Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang được đẩy mạnh của Hoa Kỳ.
Ông Biden đã tiếp đón tổng thống Hàn Quốc vào tuần trước và sẽ tới Nhật Bản trong tháng này để tham dự cuộc họp của Nhóm 7 nước và tới Úc để tham dự hội nghị thượng đỉnh Quad với các nhà lãnh đạo của Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Cả hai cuộc họp dự kiến sẽ tập trung nhiều vào Trung Quốc.