Các vấn đề tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc vẫn là ‘mối quan tâm nghiêm túc’, một quan chức Philippines cho biết hôm 24/3, khi hai nước cam kết dùng các biện pháp ngoại giao để giải quyết những khác biệt một cách ôn hòa trong các cuộc đàm phán cấp cao.
Trong tuần này, Philippines đã tổ chức cuộc gặp mặt đối mặt đầu tiên giữa các nhà ngoại giao của hai nước kể từ trước đại dịch, trong bối cảnh bùng phát căng thẳng về những gì Manila mô tả là ‘các hoạt động gây hấn’ của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Cả hai lãnh đạo hai nước chúng ta đều nhất trí rằng các tranh chấp trên biển nên được giải quyết thông qua con đường ngoại giao và đối thoại chứ không bao giờ bằng con đường cưỡng ép và bắt nạt,” Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Theresa Lazaro phát biểu khai mạc các cuộc đàm phán song phương về Biển Đông.
Hai nước láng giềng này đã thảo luận về lập trường của họ về phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực hồi năm 2016 vốn vô hiệu hóa các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với gần như hầu hết Biển Đông, và đối với các sự cố trên biển, Bộ Ngoại giao Philippines ra tuyên bố cho biết.
Các cuộc thảo luận này diễn ra hai tháng sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr tới Trung Quốc mà khi đó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết ông sẵn sàng xử lý các vấn đề hàng hải một cách ‘thân thiện’ với Manila.
“Các vấn đề trên biển là một phần quan trọng của quan hệ Trung Quốc-Philippines mà không nên bỏ qua,” Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông nói.
“Trong những năm qua, thông qua đối thoại và tham vấn hữu nghị, hai nước nhìn chung đã quản lý và giải quyết hiệu quả những khác biệt của chúng ta về các vấn đề tranh chấp trên biển. Và chúng ta cũng đã thúc đẩy hợp tác thiết thực và sự tin tưởng lẫn nhau,” ông Tôn, người đang có chuyến công du ba ngày đến Manila, nói thêm.
Bắc Kinh, vốn đòi chủ quyền phần lớn Biển Đông, bao gồm một số khu vực trong vùng biển Philippines, đã bày tỏ lo ngại về sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Mỹ ở Philippines, và cáo buộc Washington làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Tháng trước, ông Marcos đã cho phép Mỹ mở rộng quyền tiếp cận các căn cứ quân sự, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán ở Biển Đông cũng như đối với Đài Loan.
Thỏa thuận này được coi là dấu hiệu khởi động lại mối quan hệ giữa Manila và cường quốc thực dân cũ, vốn đã xấu đi dưới thời người tiền nhiệm Rodrigo Duterte.
Ông Marcos, con trai của nhà độc tài quá cố mà Washington đã giúp lưu vong trong cuộc cách mạng ‘quyền lực nhân dân’ năm 1986, đã nhiều lần nói rằng đất nước của ông không có tương lai mà không có Mỹ.
Lập trường khác biệt trên biển với Bắc Kinh là ‘mối quan tâm nghiêm túc’ nhưng có thể được giải quyết thông qua ‘tận dụng tất cả các biện pháp ngoại giao’, bắt đầu với ‘kiềm chế các hành động gây hấn’, ông Lazaro nói trong tuyên bố sau cuộc thảo luận.
Diễn đàn