Indonesia tiếp nhận chức chủ tịch ASEAN trong năm nay với những kỳ vọng cao là biến tổ chức này thành một lực lượng chính trị hữu hiệu trong các vấn đề thế giới. Nhưng sự thiếu khả năng của tổ chức này trong việc làm trung gian hòa giải giữa các nước thành viên Thái Lan và Campuchia đã gây bất mãn cho chính ban lãnh đạo của tổ chức.
Chủ tịch ASEAN, Ngoại trưởng Marty Natalegawa của Indonesia đã lập lại những mưu toan điều giải một nghị quyết cho các vụ xung đột quân sự tiếp diễn giữa hai nước về đường biên giới gây tranh chấp mà cho đến nay vẫn chưa đem lại thành quả. Nhưng trong khi rõ ràng tỏ ra bất bình về sự chậm chạp trong tiến bộ, ông Natalegawa nói ông chưa sẵn sàng thừa nhận rằng ASEAN cần phải có những quyền thực thi mạnh bạo để đạt được sự hữu hiệu.
Ông Natalegawa nói: “Chúng tôi đang cố gắng hết sức. Và ngoại giao không phải chỉ là làm áp lực và chế tài, mà còn là khích lệ nữa. Chúng ta sẽ chờ xem. Ban bồi thẩm vẫn còn đang làm việc. Hãy chờ đợi ít lâu và xem chúng ta đi được đến đâu.”
Ông Pavin Chachavalpongpun là một nhà nghiên cứu thuộc Viện Khảo cứu Đông Nam Á đã nói rằng sự thiếu khả năng của ASEAN trong việc sử dụng áp lực và áp đặt các biện pháp chế tài đã biến ASEAN thành một tổ chức chính trị không có hiệu lực. Ông cũng nói rằng các trở ngại trong tiến trình hòa bình giữa Thái Lan và Campuchia một lần nữa chứng tỏ các hạn chế của đường lối ASEAN dựa hoàn toàn vào sức mạnh thuyết phục và ngoại giao thầm lặng.
Ông Chachavalpongpun nói “ASEAN không có sẵn một cơ chế để giải quyết một vấn đề tế nhị như thế này. Đúng thế, ta có một cơ chế giải quyết tranh chấp nhưng không có biện pháp chế tài, không có biện pháp trừng phạt và tôi đã nói thế nhiều lần. Bởi lẽ đó mà các thành viên muốn làm gì thì làm bởi vì họ biết là họ sẽ không bị trừng phạt.”
Sự ủng hộ trên nguyên tắc của ASEAN dành cho việc Miến Điện lên đứng đầu tổ chức vào năm 2014 bất kể thành tích nhân quyền yếu kém của nước này cũng nêu ra nghi vấn về sự cam kết của tổ chức đối với việc củng cố dân chủ trong khu vực.
Một phần vấn đề mà ASEAN phải đối mặt trong việc ứng phó với các thành viên vi phạm hiến chương là một sự bất nhất cơ bản ngay trong hiến chương của tổ chức. Hiến chương này cổ xúy cả trách nhiệm tập thể lẫn sự bất can thiệp vào nội bộ của các thành viên.
Các nước thành viên ASEAN cũng có những hệ thống chính trị khác nhau rất nhiều, khiến cho khó mà thực thi được một quy tắc ứng xử đồng bộ. Một số nước như Việt Nam và Lào theo thể chế độc đảng. Những nước khác như Indonesia và Thái Lan đã đạt được tiến bộ dân chủ đáng kể nhưng các tiến bộ đó vẫn còn mong manh.
Ông Carl Thayer là một nhà phân tích chính trị thuộc trường Đại học New South Wales của Australia. Ông nói cuộc đảo chính năm 2006 của Thái Lan đã gây bất ngờ cho ông và cộng đồng học thuật ở châu Á.
Ông Thayer cho biết: “Thái Lan là nước đang tìm cách phục hồi sau khi dân chủ bị thất thế và cố gắng trở lại con đường đó đã nhận ra rằng quân đội vẫn còn là một nhân tố độc lập. Tôi có thể lập luận rằng từ năm 1992 cho đến năm 2006 những người trong chúng tôi dậy về chính sự Thái Lan đã nghĩ rằng Thái Lan đã trải qua một bước ngoặt và đặt quân đội trong vòng kiểm soát, song những diễn biến đó cho thấy là chúng tôi đã lầm.”
Ông Thayer ca ngợi các nỗ lực của Indonesia nhằm biến ASEAN thành một lực lượng chính trị cho dù trong đoản kỳ thì dường như chỉ làm nổi bật những thách thức mà tổ chức này phải đối diện.
Các nỗ lực mới đây của Indonesia nhằm giúp Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á theo đúng hiến chương trong việc quảng bá các giải pháp ôn hòa đối với những vụ tranh chấp khu vực và tôn trọng nhân quyền đã nêu bật những hạn chế hơn là tiềm năng của tổ chức này. Theo bài tường thuật của thông tín viên VOA Brian Padden từ Jakarta, sự thiếu khả năng của ASEAN trong việc giải quyết vụ xung đột giữa Thái Lan và Campuchia cùng với sự ủng hộ việc Miến Điện đứng đầu tổ chức vào năm 2014 gây nhiều tranh cãi lại châm ngòi thêm cho những lời chỉ trích về việc ASEAN ưa chuộng đường lối giao tiếp chủ yếu mang tính lạc quan.