Kể từ thượng tuần tháng Hai năm nay, chừng 30 người đã thiệt mạng và hàng ngàn người đã phải bỏ nhà lánh nạn ở cả hai bên biên giới Thái-Campuchia vì các vụ chạm súng giữa binh sỹ hai nước vì một khu vực gần một ngôi đền lịch sử. Hôm Chủ nhật, hai nhà lãnh đạo của Thái Lan và Campuchia tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN đã mở cuộc họp báo riêng rẽ sau khi lời qua tiếng lại, bên nọ cáo buộc bên kia đã gây nên cuộc xung đột.
Thủ tướng Thái Abhisit Vejjajiva nói rằng chính Campuchia đã gây sự trước bằng cách đưa quân đến đồn trú trong khu vực tranh chấp, vi phạm một thỏa hiệp song phương ký năm 2000 và ông nói vụ xung đột kéo dài vì Campuchia cố tìm cách lôi kéo các tổ chức quốc tế can thiệp vào vụ này.
Ông nói: "Nhưng những rắc rối đã xảy ra trong thời gian gần đây, theo tôi, cho thấy Campuchia quyết tâm quốc tế hóa vấn đề này."
Ông nói Thái Lan và Campuchia nên giải quyết vụ xung đột mà không có sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc hay Tòa án Quốc Tế. Và trong khi Thái Lan đã đồng ý hôm thứ Sáu để cho các quan sát viên Indonesia đến khu vực xảy ra xung đột, ông nói rằng thỏa thuận này còn cần phải được đi đôi với việc triệt thoái binh sỹ của cả Thái Lan lẫn Campuchia ra khỏi khu vực tranh chấp.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói rằng Thái Lan cần phải chính thức đồng ý cho phép các quan sát viên Indonesia đến trước khi có thể tiếp tục các cuộc thảo luận thêm nữa.
Ông cũng bác bỏ đòi hỏi của Thái muốn Campuchia rút binh sỹ khỏi khu vực xảy ra xung đột.
Ông nói đòi hỏi rút lực lượng vũ trang của Campuchia ra khỏi lãnh thổ của chính họ là điều không thể chấp nhận được.
Vào lúc kết thúc 2 ngày họp Thượng đỉnh tại Jakarta, một hội nghị lẽ ra phải tập trung vào vấn đề phát triển thương mại và kinh tế trong khu vực, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã họp với giới lãnh đạo Thái và Campuchia để tìm cách giải quyết vụ xung đột biên giới giữa hai nước.
Ông cho biết ông đã đề nghị soạn thảo một loạt các giải pháp, để cả đôi bên có thể đồng ý về cùng một thời biểu.
Hai thủ tướng Thái và Campuchia đồng ý ở lại Jakarta lâu hơn để thảo luận thêm về những vấn đề này. Cả hai sẽ họp với nhau vào thứ Hai với chủ tịch ASEAN và Bộ trưởng ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa.
Những nhà lãnh đạo khác trong khối ASEAN bày tỏ sự bất bình rằng tranh chấp vũ trang giữa hai nước thành viên đang đe dọa cho uy tín của tổ chức và che mờ những thành quả đạt được tại hội nghị thượng đỉnh về hội nhập kinh tế khu vực.
Giới lãnh đạo ASEAN cũng chấp thuận trên nguyên tắc yêu cầu của Miến Điện để nước này giữ chức Chủ tịch luân phiên của tổ chức vào năm 2014. Tổng thống Yudhoyono nói sự chấp thuận này còn tùy thuộc vào sự tiến bộ dân chủ mà nước này phải tiếp tục thực hiện.
Các tổ chức bênh vực nhân quyền đã lên tiếng phản đối việc để cho Miến Điện giữ chức chủ tịch luân phiên của tổ chức này.
Thủ tướng Thái Lan và Campuchia đã lời qua tiếng lại gay gắt với nhau về vụ xung đột ở biên giới tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Miến Điện nhận được sự ủng hộ trên nguyên tắc để giữ chức chủ tịch luân phiên của tổ chức này năm 2014. Thông tín viên Brian Padden tường trình từ Jakarta rằng vụ xung đột và tranh cãi đã phủ bóng đen lên hội nghị thượng đỉnh 2 ngày của các nhà lãnh đạo của tổ chức các quốc gia đông nam Á.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1