Vụ tranh chấp biên giới đã bao trùm nghị trình thảo luận của hội nghị thượng đỉnh năm nay của các quốc gia Đông Nam Á, nơi các nỗ lực của nước chủ nhà Indonesia đã thất bại trong việc thu ngắn những cách biệt chính giữa hai bên.
Khi Thủ tướng Abhisit Vejjajiva của Thái Lan và Thủ tướng Hun Sen của Campuchia gặp nhau hôm Chủ nhật tại cuộc họp của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, hai bên đã lời qua tiếng lại đổ lỗi cho nhau về việc kéo dài cuộc xung đột.
Thủ tướng Thái Lan lập luận rằng Campuchia đã khiêu khích cuộc giao tranh bằng cách đưa quân đến đóng trong khu vực tranh chấp. Kể từ lúc đó, ông nói Campuchia đã nhiều lần tìm cách quốc tế hóa vụ tranh chấp bằng cách liên hệ những tổ chức bên ngoài như ASEAN và Liên Hiệp Quốc.
Ông Thitinan Pongsudhirak là Giám đốc Viện Khảo cứu Quốc tế và An ninh tại trường Đại học Chulalongkorn ở Bangkok.
Ông Pongsudhirak nói: “ASEAN đã tìm cách điều giải. Đã đạt được một thỏa thuận vào tháng 2 phái các quan sát viên đến cả Campuchia lẫn Thái Lan và Thái Lan đã đồng ý. Nhưng cuộc khủng hoảng trong nước ở Thái Lan lên đến mức mà quân đội đã vượt quyền của chính phủ Abhisit bằng cách nổi loạn. Và về cơ bản, thỏa thuận đã bị phía Thái Lan chính thức gạt qua một bên.”
Tại Thái Lan, các vụ đụng độ ở biên giới đã diễn ra vào lúc chính phủ chuẩn bị các cuộc tổng tuyển cử vào đầu tháng 7, nêu ra những nghi ngờ rằng các chính sách gây chia rẽ của nước này đang đóng một vai trò trong vụ xung đột.
Cuộc bầu cử được coi là một sự đối đầu giữa các giai cấp thượng lưu của Thái Lan được sự hậu thuẫn của quân đội và một đảng đối lập được sự ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, người có các quan hệ thân thiện hơn với Campuchia trong thời gian ông còn nắm quyền.
Quân đội đã lật đổ ông Thaksin trong một cuộc đảo chính năm 2006 được sự hậu thuẫn của những người biểu tình theo chủ nghĩa dân tộc gọi là Phe Áo Vàng. Các ủng hộ viên của ông Thaksin đã bị quân đội và chính phủ thanh trừng và ông Thaksin đã tự ý đi sống lưu vong để tránh những cáo buộc tham nhũng.
Kể từ khi đó, chính sự Thái Lan đã chia rẽ một cách gay gắt và các cuộc thăm dò công luận cho thấy kết quả bầu cử vào tháng 7 này sẽ rất xít xao.
Ông William Case là một giáo sư về Nghiên cứu Quốc tế và châu Á tại trường Đại học Thành phố Kong Kong. Ông nói các đối thủ của ông Thaksin có thể hy vọng cuộc khủng hoảng biên giới sẽ quy tụ cả nước sau lưng họ hoặc được dùng như một cái cớ để đình hoãn các cuộc bầu cử.
Ông Case nói: “Có một số lực lượng có thể bao gồm quân đội và phong trào Áo Vàng mà có thể sẽ không muốn có các cuộc bầu cử đó có vì những kết quả mà cuộc bầu cử có thể sẽ mang lại.”
Hồi tháng 12, một nhóm Áo Vàng đã khiêu khích những người theo chủ nghĩa dân tộc của cả hai bên bằng cách đi đến khu vực có tranh chấp, nơi họ bị quân đội Campuchia bắt giữ về tội làm gián điệp.
Kể từ đó Phe Áo Vàng đã biểu tình bên ngoài các công ốc của chính phủ phản đối ông Abhisit là quá mềm mỏng đối với Campuchia.
Căng thẳng thoạt đầu tăng cao dọc theo biên giới vào năm 2008, khi Liên Hiệp Quốc công nhận một ngôi đền Ấn Giáo của Khmer nằm ngay bên trong lãnh thổ Campuchia là một Di sản Thế giới. Vào lúc đó tại Thái Lan, một chính phủ liên kết với ông Thaksin đã ủng hộ đơn xin của Campuchia.
Ông Michael Montesano là một giáo sư thỉnh giảng về lịch sử Thái Lan và các vấn đề khu vực tại Viện Khảo cứu Đông nam Á ở Singapore. Ông nói các đối thủ chính trị của cựu thủ tướng đã nắm lấy cơ hội ngôi đền được đưa vào danh sách di sản này để chính trị hóa vụ tranh chấp biên giới.
Ông Montesano nói: “Kể từ khi đó, rõ ràng mọi việc đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát và ta thấy bạo động có vũ trang diễn ra giữa các lực lượng Thái và Campuchia dọc theo biên giới hai nước, một loạt các sự cố trong nhiều năm. Sự thiếu khả năng cố hữu của ASEAN trong việc giải quyết tình trạng bạo động giữa các quốc gia thành viên, tất cả phát sinh từ cái bắt đầu như một hành động chính trị liều lĩnh từ phía Thái Lan.”
Vụ tranh chấp biên giới cũng mang một tầm cỡ chính trị ở Campuchia, nơi bang giao với Thái Lan và Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong chính sự trong nước.
Thủ tướng Hun Sen của Campuchia là một người bạn thân của ông Thaksin và vào năm 2009 đã bổ nhiệm ông làm cố vấn kinh tế, và từ chối không chịu để ông ta bị dẫn độ về Thái Lan.
Ông Montesano cho rằng nhiều người Campuchia coi Thái Lan là ngạo mạn đối với nước láng giềng nhỏ bé và Thủ tướng Hun Sen đã dễ dàng ghi điểm chính trị vì đã đứng lên chống lại Bangkok.
Nhưng ông Montesano nói vấn đề cũng giúp đem lại cho chính phủ Campuchia một sự bao che chính trị trong cuộc tranh chấp biên giới với Việt Nam. Các đối thủ của ông Hun Sen đã tố cáo ông ta là yếu thế trong các cuộc thương lượng với Hà Nội.
Ông Montesano nói tiếp: “Tôi không ở thế biết được liệu họ có đúng hay không. Nhưng họ là những người nói rằng việc ông Hun Sen thổi phồng tình hình ở biên giới Thái Lan là một cách để dân chúng Campuchia bớt chú ý đến lập trường mềm mỏng hơn nhiều của ông đối với Việt Nam có liên quan đến các cột mốc biên giới.”
Biên giới Campuchia và Thái Lan được định mốc cách đây trên một thế kỷ bởi các cường quốc đô hộ Pháp và Thái Lan, lúc đó còn gọi là Vương Quốc Xiêm La.
Phía Thái Lan đã âm thầm chấp nhận một bản đồ do Pháp đưa ra nhưng sau đó sự căm phẫn đã nổi lên vì những cáo buộc cho bản đồ đó là bất công.
Khu vực gây tranh cãi chính là vùng đất quanh một ngôi đền cổ 900 năm mà ở Campuchia gọi là Preah Vihear và ở Thái Lan thì gọi là Phra Viharn.
Năm 1962, Tòa án Quốc Tế đã ra phán quyết rằng ngôi đền thuộc chủ quyền của Campuchia, mà Thái Lan chấp nhận, và vấn đề đã nằm yên nhiều thập niên.
Thái Lan nhận chủ quyền vùng đất quanh ngôi đền, mà tòa án không đưa ra phán quyết.
Hồi đầu tháng này, Campuchia đã yêu cầu Tòa án Quốc tế xác minh phán quyết năm 1962 để tìm cách giải quyết vụ tranh chấp. Thái Lan thì nói họ muốn giải quyết vụ tranh chấp qua các cuộc đàm phán trực tiếp với Campuchia.
Xung đột biên giới Thái-Campuchia được khích lệ bởi chủ nghĩa dân tộc
Một ngôi đền cổ nằm trên biên giới giữa Thái Lan và Campuchia là trọng tâm của một vụ tranh chấp gây chết chóc giữa hai nước. Các vụ xung đột dọc theo biên giới trong năm nay đã gây thiệt mạng khoảng 30 người và khiến hàng chục ngàn dân làng phải bỏ chạy. Cả hai chính phủ đều nói rằng vụ tranh chấp là về vấn đề ai là sở hữu chủ của khu đất quanh ngôi đền, nhưng theo tường thuật của thông tín viên VOA Daniel Schearf từ Bangkok, chủ nghĩa dân tộc và chính sự nội bộ ở cả hai nước đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy cuộc xung đột.